Quốc tế

Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước quốc phòng với Triều Tiên

Mỹ Nga 30/11/2024 12:24

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Belousov nhấn mạnh, việc phê chuẩn hiệp ước với Triều Tiên cho thấy sự quan tâm đến việc phát triển quan hệ.

belousov.png
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov tại Bình Nhưỡng. Ảnh: RIA Novosti

Theo RIA Novosti ngày 30/11, trong cuộc đàm phán với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov cho biết, việc phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Moskva và Bình Nhưỡng khẳng định sự quan tâm của hai nước trong việc phát triển toàn diện mối quan hệ đồng minh.

Bộ trưởng Belousov nói: “Việc phê chuẩn Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước khẳng định lợi ích song phương trong việc phát triển toàn diện các mối quan hệ đồng minh”.

Đồng thời, ông Belousov nhấn mạnh “ngày nay Triều Tiên là một trong số ít quốc gia theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập tuyệt đối. Và đây là thành quả từ chính sách của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Belousov nhấn mạnh, lịch sử “tình đồng chí, tình anh em” của hai nước đã có gần 8 thập kỷ. Ông lưu ý rằng tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước “được tăng cường trong thời kỳ giải phóng Triều Tiên năm 1945, trong các trận chiến trong Chiến tranh giải phóng Tổ quốc 1950-1953”.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm: “Năm tới, Nga và Triều Tiên sẽ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và giải phóng Triều Tiên khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản”.

Ông Belousov lưu ý, Nga mong đợi một quyết định tích cực về lời mời cử một đơn vị lực lượng vũ trang Triều Tiên tới Moskva để tham gia cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ vào ngày 9/5/2025.

Thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện được Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký ngày 19/6/2024 trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Nga. Văn kiện này đặt nền tảng cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện dựa trên các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ cũng như mong muốn thiết lập một trật tự thế giới đa cực công bằng.

Mỹ Nga