Kinh tế

Làng nghề mộc ở Nghệ An đìu hiu dịp cuối năm

Văn Trường 02/12/2024 08:52

Khác với cảnh tấp nập kẻ bán người mua dịp cuối năm, thời điểm này, làng nghề mộc Quang Phong (thị xã Thái Hòa) vẫn đìu hiu, vắng khách.

Clipp: Văn Trường

Nghề mộc Quang Phong có tiếng từ khá lâu, các sản phẩm của làng nghề được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng tốt và mẫu mã đẹp. Từ những sản phẩm có giá thành vài triệu đồng cho đến những bộ bàn ghế hàng chục triệu đồng đều được những người thợ ở đây làm rất đẹp.

Vậy nhưng, những ngày này về làng nghề mộc Quang Phong, khá bất ngờ khi thấy hàng hóa ế ẩm, các cơ sở đồ mộc sản xuất cầm chừng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - một chủ cơ sở mộc ở làng nghề mộc Quang Phong cho biết: Mọi năm thời điểm cuối năm này, khách mua bán đồ mộc khá nhộn nhịp, xe tải vào ra làng nghề chở hàng rất nhiều, có ngày bán được 4-5 bộ tủ, bàn ghế. Nhưng nay hàng hóa ngập tràn, ngồi ngóng khách cả ngày mà cũng chẳng thấy ai đến mua hàng.

van truong 1
Làng nghề mộc Quang Phong (thị xã Thái Hòa) vắng khách dịp cuối năm. Ảnh: Văn Trường

Chủ một cơ sở kinh doanh khác ở làng nghề mộc Quang Phong cho biết thêm: Năm nay sức mua giảm mạnh. Cả năm, hàng chỉ bán được khoảng 30-35% so với năm trước, đặc biệt là dịp cuối năm phục vụ hàng Tết nhưng lượng khách mua nhỏ giọt. Hàng hóa tồn đọng nhiều khiến cho cơ sở phải cắt giảm nhân công.

Đồ mộc "tắc" đầu ra khiến nhiều lao động sống dựa vào nghề này cũng gặp khó khăn. Công việc thất thường, thu nhập giảm, nhiều thợ mộc phải bỏ nghề chuyển đổi sang công việc khác.

Ông Nguyễn Cảnh Kiều - Chủ tịch UBND phường Quang Phong cho biết: Làng nghề mộc mỹ nghệ chế biến lâm sản phường Quang Phong được UBND tỉnh Nghệ An công nhận Làng nghề vào ngày 30/12/2002. Hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu gồm các mặt hàng: bàn, ghế, tủ, giường, mộc dân dụng.

bna_van-truong-45(1).jpg
Các xưởng sản xuất đồ mộc cắt giảm lao động do hàng tiêu thụ chậm. Ảnh: Văn Trường

Nghề mộc lâu nay đem lại nguồn thu lớn cho địa phương cũng như tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã, đạt doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm, Tuy nhiên, từ gần 2 năm qua, đầu ra cho đồ mộc gặp nhiều khó khăn, hầu hết các cơ sở đang bị tồn đọng hàng hóa nhiều.

Từ chỗ làng nghề trên 250 gia đình có lao động theo nghề mộc, thì nay giảm sút chỉ còn trên 170 hộ, các lao động chuyển đổi sang các ngành nghề khác.

van truong 5
Hiếm hoi lắm một cơ sở bán đồ mộc Quang Phong (thị xã Thái Hòa) mới có khách hàng vào mua. Ảnh: Văn Trường

Nguyên nhân hàng mộc khó tiêu thụ một phần là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, đồ mộc của các tỉnh phía Bắc đưa về cạnh tranh giá thành rẻ hơn… Hiện nay, trong giai đoạn khó khăn về đầu ra, hiện có khoảng 35% số hộ chuyển đổi sang sản xuất các mặt hàng khác phù hợp với thị trường, như nhận các đơn hàng lát gỗ sàn nhà, gia công cả gỗ ván ép tường nhà…

Cùng chung cảnh ngộ, làng mộc truyền thống ở xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) cũng rơi vào cảnh ế hàng. Ông Lê Văn Minh - một chủ cơ sở mộc ở xã Quỳnh Hưng cho biết: “Những năm trước, tầm tháng 9-10, thợ mộc phải làm hết công suất để phục vụ khách hàng, vậy mà nay chủ yếu bán hàng tồn kho từ đầu năm đến nay".

van truong mewr
Làng mộc xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu ế ẩm hàng hóa. Ảnh: Văn Trường

Năm 2011, UBND tỉnh công nhận làng nghề mộc Thuận Giang và Nam Thắng là 2 làng nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ cấp tỉnh của xã Quỳnh Hưng. Cả 2 làng nghề đều được đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, đội ngũ thợ mộc lành nghề tạo ra nhiều sản phẩm đồ mộc đa dạng.

Ông Trần Đình Trọng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng cho biết thêm: Nghề mộc đem lại nguồn thu lớn của xã, đạt doanh thu trên 150 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, những năm qua, đồ mộc mỹ nghệ khó tiêu thụ, hầu hết các cơ sở làng nghề bị tồn đọng hàng hóa, trước đây, xã có trên 350 hộ theo nghề mộc, nay chỉ còn chưa đầy 200 hộ nhưng hoạt động cầm chừng.

van truong mểt
Một số cơ sở cung ứng gỗ ở xã Quỳnh Hưng cũng ế ẩm vì ít khách mua. Ảnh: Văn Trường

Được biết, Nghệ An có khá nhiều làng nghề mộc ở các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Nam Đàn… tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, do khó về đầu ra nên khoảng từ 2 năm trở lại nay nghề mộc đang chững lại.

Trước thực trạng đó, cần định hướng cho các làng nghề nhanh nhạy hơn trong nắm bắt nhu cầu của thị trường, không làm các sản phẩm mộc gia dụng đại trà khó tiêu thụ, mà phải tạo ra các sản phẩm đặc biệt, đáp ứng trúng yêu cầu của khách hàng để từ đó cải thiện khâu tiêu thụ.

Văn Trường