Thời sự

Thủ tướng yêu cầu rà soát trụ sở công sử dụng không đúng mục đích

Thu Hằng 02/12/2024 09:15

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP).

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Xóa bỏ cơ chế "xin-cho"

Thủ tướng lưu ý cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế "xin-cho"; phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm...

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành tự giác, tự nguyện; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.

Thủ tướng
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc

Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ việc tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực.

Cụ thể, về quản lý ngân sách nhà nước, Thủ tướng lưu ý hàng loạt vấn đề như triệt để cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng KT-XH quan trọng, thiết yếu...

Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên, Thủ tướng yêu cầu kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thủ tướng cũng đưa ra hàng loạt chỉ đạo liên quan đến quản lý, sử dụng vốn đầu tư công như tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, không để xảy ra thất thoát, lãng phí; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, giám sát tiến độ dự án đầu tư công...

Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị

Về quản lý, sử dụng tài sản công, Thủ tướng lưu ý hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công, xây dựng Cơ sở dữ liệu thành phần để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát lại toàn bộ tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.

Việc này phải tổng hợp kết quả rà soát, xử lý gửi Bộ Tài chính trước ngày 8/12/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2024.

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm công tác tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Về quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đất đai, Thủ tướng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quản lý đất đai; công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định...

Thủ tướng cũng đề ra một số yêu cầu trong quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp như hoàn thành việc sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Về tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 và xây dựng phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng.

Trong đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt là quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng, đảm bảo năng suất, hiệu quả công việc và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc; xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện công điện này.

Thu Hằng