Tròn việc Đảng, trọn việc dân
“Chừng nào Đảng còn tin, dân còn tín”, tôi vẫn nguyện đóng góp hết sức mình cho việc Đảng, việc dân” - đó là tâm niệm của ông Nguyễn Sỹ Giai, người có thâm niên hơn 20 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Lâm Trường, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Mọi người quý mến ông không chỉ vì sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, mà còn bởi sự “ khéo” trong dân vận, tiên phong trong phát triển kinh tế.
Đảng viên đi trước
Ngôi nhà nhỏ của người “đứng mũi chịu sào” ở thôn Lâm Trường nằm lọt thỏm trong khoảng vườn rộng lớn hơn 5 ha. Khi chúng tôi ghé thăm, vợ chồng Bí thư Chi bộ Nguyễn Sỹ Giai (SN 1962) đang miệt mài thu hoạch hoa quả sạch trong vườn để kịp cho thương lái đến thu mua.
Chọn những trái ổi to thơm ngon giống Nghĩa Đàn đem mời khách, vị Bí thư Chi bộ cười rổn rảng: “Sức đến đâu thì làm đến đó, với vợ chồng già chúng tôi, lao động là niềm vui. Với lại, như cha ông ta nói “siêng nhặt thì chặt bị”, chỉ riêng thu nhập từ 100 gốc ổi, bình quân mỗi năm cũng cho trên 20 triệu đồng rồi. Hơn nữa mình là đảng viên, người đứng đầu thôn phải nêu gương, chứ không thể đi sau được, kể cả trong phát triển kinh tế..!”.
Nói rồi, ông nhanh nhẹn dẫn khách đi tham quan mô hình VACR được quy hoạch khá bài bản với khu vực trồng rau xanh bốn mùa, khu trồng mía ép nước xen ngô; khu trồng cây ăn quả với đủ loại dứa, ổi, chôm chôm, sầu riêng, bưởi, chuối, măng cụt, vải, nhãn, hồng, trám đen; 0,5 ha quế, 3ha keo và gần 100 gốc ổi quả.
Bên cạnh đó, vợ chồng ông còn đầu tư chăn nuôi bình quân 300 con gà, ngan... đem lại mức thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.
Vì sản xuất theo tiêu chuẩn sạch nên sản phẩm không lo về đầu ra, chủ yếu người buôn bán sỉ đến thu mua tại vườn. Khi công việc nhiều, cần thêm nhân lực, vợ chồng ông Giai tạo thêm việc làm cho bà con trong xóm, với mức phí trả cho nhân công là 200 nghìn đồng/người/ngày.
Vốn quê gốc Thanh Hóa, nhưng do hoàn cảnh khó khăn, từ năm 1980 ông Nguyễn Sỹ Giai đã theo gia đình O (cô ruột) dượng - là công nhân Lâm trường Phú Phương lên sinh sống ở mảnh đất Quế Phong. Đến năm 1985, ông Giai trở thành công nhân Lâm trường Phú Phương và quyết tâm lập nghiệp, sinh sống ở mảnh đất miền Tây Nghệ An này.
Do có sự am hiểu nhất định về nông lâm nghiệp, ông quyết tâm không để đất bỏ hoang, mà tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển mô hình VACR kết hợp để phát triển kinh tế gia đình.
Đặc biệt, vào năm 2018 khi thôn Lâm Trường đạt chuẩn nông thôn mới, Chi bộ thôn ra Nghị quyết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bắt đầu từ cải tạo vườn tạp sang mô hình cho giá trị kinh tế cao, trên cương vị người đứng đầu, ông Nguyễn Sỹ Giai quyết tâm “phải làm cho ra tấm, ra món” để đảng viên và người dân trông vào. Kết quả đến nay, gia đình ông đã có mô hình VACR kết hợp cho thu nhập cao.
Ông còn cất công lên tận các địa phương lân cận như huyện Nghĩa Đàn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật làm vườn, đưa giống ổi, bưởi sạch về trồng thành công ở vườn nhà.
Hiện tại dù đã có tuổi, con đã trưởng thành (cô con gái đầu lấy chồng ở TP. Vinh, cậu con trai lập nghiệp ở Quế Phong, cô út lập gia đình, sinh sống ở Nhật Bản), nhiều người khuyên Bí thư Chi bộ Nguyễn Sỹ Giai nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn chăm chỉ lao động bởi “mình không xắn tay vào làm và chứng minh bằng kết quả sao mà tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được”.
Tinh thần đảng viên đi trước cũng được ông lan toả và nhận được sự đồng tình của tập thể Chi bộ thôn Lâm Trường. Hiện trong thôn không có đảng viên là hộ nghèo, một số đảng viên tuổi cao vẫn làm kinh tế giỏi như các ông Lê Nam Đông, với mô hình kinh doanh điện tử điện lạnh, ông Phạm Đình Tạo vừa kinh doanh, vừa phát triển kinh tế trang trại vườn rừng…
Từ sự tiên phong của đảng viên, người dân thôn Lâm Trường tích cực phát triển kinh tế đa ngành nghề, XKLĐ… mang lại thu nhập ổn định. Thôn có 181 hộ, 847 khẩu nhưng chỉ còn 7 hộ nghèo thuộc diện bất khả kháng ( già cả, neo đơn, tàn tật…), trở thành một trong những đơn vị có kinh tế khá của xã Tiền Phong; bình quân thu nhập đạt 39 triệu đồng/ người/ năm.
"Thà ít mà tốt"
Bận rộn với việc làm kinh tế, thế nhưng hàng chục năm qua, ông Nguyễn Sỹ Giai vẫn luôn làm “tròn việc Đảng, trọn việc dân”. Từ năm 2003, khi thôn Lâm Trường được tách ra và thành lập thôn mới, ông Giai đã được tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ thôn cho đến bây giờ.
Cùng với việc trăn trở để ban hành các Nghị quyết phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế, Bí thư Nguyễn Sỹ Giai và Chi uỷ Chi bộ thôn Lâm Trường luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sinh hoạt đảm bảo nghiêm túc, bám sát quy định nhưng ngắn gọn, linh hoạt, gắn với thực tiễn ở địa bàn; đồng thời phát huy cao vai trò nêu gương của từng đảng viên, bởi như Bác Hồ dạy “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”.
“Không chỉ đảng viên tại chỗ mà chi bộ yêu cầu các đảng viên nơi cư trú càng phải nêu gương, từ việc giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân theo Quy định số 213-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến việc tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương, từ đó làm cơ sở đánh giá, xếp loại đảng viên một cách nghiêm túc”- Bí thư Chi bộ Nguyễn Sỹ Giai cho hay.
Công tác phát triển Đảng cũng được Bí thư Chi bộ Nguyễn Sỹ Giai và Chi ủy Chi bộ thôn Lâm Trường đặc biệt quan tâm, nhưng không chạy theo số lượng mà tuân thủ phương châm “thà ít mà tốt”.
Trong điều kiện nguồn ngày càng khan hiếm do lao động trẻ đi học, đi làm hoặc xuất khẩu lao động khá đông, nhưng việc sàng lọc, chọn “hạt giống” để bồi dưỡng kết nạp vẫn được Chi bộ thôn Lâm Trường duy trì khá tốt.
Bình quân mỗi năm Chi bộ thôn Lâm Trường kết nạp được từ 1-2 đảng viên mới (năm 2022 kết nạp được 2 đồng chí từ Chi đoàn Thanh niên và Thôn đội trưởng; năm 2023, kết nạp được 1 đảng viên mới từ nguồn Chi hội Phụ nữ; năm 2024 kết nạp 2 đảng viên từ nguồn Chi đoàn Thanh niên và Chi hội Nông dân, còn 2 hồ sơ chuẩn bị dự nguồn cho năm sau).
Nhờ làm tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn, từ chỗ ban đầu sau khi tách và thành lập xóm mới, Chi bộ thôn Lâm Trường chỉ có 5 đảng viên, nay chi bộ đã có số đảng viên đông đảo lên đến 47 đồng chí. “Các đảng viên sau khi kết nạp đều được giao nhiệm vụ cụ thể để nâng cao vai trò, trách nhiệm và cũng tạo động lực để họ phát huy khả năng, sở trường, đóng góp cho việc dân, việc xóm” - ông Nguyễn Sỹ Giai chia sẻ.
“Dân vận khéo” việc gì cũng thành công!
Theo chia sẻ của ông Sầm Việt Hùng- Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong, huyện Quế Phong: Thôn Lâm Trường không chỉ là một trong những đơn vị đi đầu trong giảm nghèo bền vững, mà còn tiên phong trong xây dựng nông thôn mới. Làm nên bức tranh đó có đóng góp không nhỏ từ kinh nghiệm dân vận khéo của Bí thư Chi bộ “miệng nói, tay làm” Nguyễn Sỹ Giai.
Chẳng nói đâu xa, chỉ tính trong vòng 2 năm trở lại đây, ông Nguyễn Sỹ Giai đã cùng với chi bộ, ban quản lý thôn vận động các doanh nghiệp, các cơ quan đóng chân trên địa bàn và huy động sức dân đóng góp kinh phí nâng cấp tu sửa nhà văn hoá; ủng hộ 154 triệu lắp hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, gồm 100 bóng trên các trục đường của thôn hướng tới các tiêu chí “ sáng- xanh- sạch- đẹp”.
Thôn Lâm Trường cũng là đơn vị hoàn thành bê tông hoá 100% đường giao thông nông thôn đầu tiên của xã và hiện đang phát động tu sửa nâng cấp, mở rộng đợt mới…
Bên cạnh đó, nhờ sâu sát và làm tốt công tác hoà giải, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn ổn định, không xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp lớn.
Theo Bí thư Chi bộ Nguyễn Sỹ Giai: Muốn người dân tin tưởng và làm theo, trước hết bản thân người cán bộ phải gương mẫu “nói đi đôi với làm”, đi đầu trong mọi hoạt động để quy tụ sự đoàn kết trong Chi bộ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Chẳng hạn như trước đây, khi có chủ trương triển khai xây dựng con đường liên xã đi qua địa bàn, nhiều người dân nhất trí hiến đất mở đường, tuy nhiên cũng có người tiếc đất nên vẫn ngần ngại khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh việc sát cánh cùng cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà làm công tác tư tưởng, ông Nguyễn Sỹ Giai cùng gia đình còn gương mẫu hiến 2.000m2 đất vườn để làm đường. Từ đó, lan toả phong trào hiến đất, hiến cây mở đường trong nhân dân.
Là đại biểu HĐND xã nhiều khoá liền, ông Nguyễn Sỹ Giai luôn chú trọng đến công tác vận động quần chúng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến chính đáng của nhân dân, từ đó tìm ra cách giải quyết thấu tình, đạt lý đối với các vấn đề nảy sinh ở địa bàn. Những vấn đề ngoài thẩm quyền, ông cùng với Chi ủy Chi bộ, Ban cán sự thôn kiến nghị, đề xuất lên trên để giải quyết, trả lời kịp thời cho dân.
Trong cuộc sống đời thường, người “đứng mũi chịu sào” ở thôn Lâm Trường ấy luôn giữ tác phong niềm nở, gần gũi, sẵn lòng giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Trước đây, từng theo học ngành điện, là Chủ nhiệm HTX Dịch vụ điện năng của xã, nên giờ ông Nguyễn Sỹ Giai kiêm thêm công việc cộng tác viên của ngành Điện lực, phụ trách dịch vụ điện nông thôn địa bàn xã Tiền Phong, bao gồm thu tiền điện, sửa chữa những hư hỏng nhỏ…
Mỗi khi có người gọi nhờ sửa dù trưa hay tối ông đều xách đồ nghề đi không nề hà, không kể địa bàn xa hay gần với thái độ nhiệt tình, vui vẻ. Đối với người có hoàn cảnh khó khăn, ông hỗ trợ miễn phí nên được nhiều người yêu quý.
Tận tâm, tận tụy trong việc Đảng, việc dân, Bí thư Chi bộ thôn Lâm trường Nguyễn Sỹ Giai đã nhiều lần được cấp uỷ, chính quyền xã Tiền Phong, huyện Quế Phong tuyên dương, khen thưởng Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu, điển hình “Dân vận khéo”, được UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác hoà giải cơ sở. Thế nhưng, vị Bí thư Chi bộ “tròn việc Đảng, trọn việc dân” ấy chân thành bộc bạch “phần thưởng lớn nhất với tôi là niềm tin của cấp uỷ, chính quyền, sự tín nhiệm của nhân dân”.