Kinh tế

Để lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng và bền vững ở Nghệ An

Mai Hoa 03/12/2024 08:58

Với lợi thế về diện tích rừng lớn, kinh tế lâm nghiệp được Nghệ An xác định là ngành kinh tế quan trọng với định hướng phát triển bền vững.

Đoàn công tác khảo sát mô hình ươm cây giống dược liệu tại xã Yên Hoà, huyện Tương Dương
Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội và lãnh đạo tỉnh khảo sát mô hình ươm cây giống dược liệu tại xã Yên Hòa, huyện Tương Dương. Ảnh: Mai Hoa

Đóng góp tích cực từ rừng

Nghệ An là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với tổng diện tích 1.018.788,24 triệu ha, chiếm gần 75% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Hiện đất có rừng hơn 1 triệu ha (bao gồm 790.352,86 ha rừng tự nhiên và 171.421,51 ha rừng trồng); đất chưa có rừng hơn 271 nghìn ha, trong đó, có 70.004,23 ha đã trồng rừng nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng.

Lâm nghiệp, từ một hoạt động xã hội hóa có vai trò, chức năng về môi trường và xã hội, thì nay đã khẳng định thêm vai trò là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Điều này được khẳng định bằng diện tích rừng trồng tăng hàng năm. Tính từ năm 2010 đến nay, hàng năm, diện tích trồng rừng luôn đạt hơn 15,000 ha/năm và tổng diện tích rừng trồng hiện có hơn 220.000 ha (bao gồm rừng mới trồng chưa có trữ lượng), trong đó, diện tích rừng sản xuất hơn 178.000 ha.

 Ở vườn ươm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Phù hoạt Quế Phong
Ở vườn ươm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Quế Phong). Ảnh: CSCC

Xét ở góc độ hiệu quả kinh tế, lâm nghiệp đã tăng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của tỉnh giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp luôn đạt trên 5,5%, riêng năm 2021 đạt 7,85%; năm 2022 đạt 9,07%; năm 2023 đạt 6,67%; Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ giai đoạn 2021-2023 đạt 821,25 triệu USD (năm 2021: 207 triệu USD; năm 2022: 344 triệu USD, năm 2023: 270,25 triệu USD) và 6 tháng đầu năm 2024 đạt 161 triệu USD.

Bên cạnh giá trị kinh tế, độ che phủ rừng Nghệ An tăng với tỷ lệ 58,33%; tăng tính đa dạng sinh học và hiện nay đang mở thêm cơ hội cho xuất khẩu tín chỉ carbon.

 Rừng săng lẻ Tương Dương. Ảnh- Mai Hoa
Rừng săng lẻ Tương Dương. Ảnh: Mai Hoa

Ngày 24/8/2024, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 895/QĐ-TTg về việc Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số cơ chế, chính sách, định hướng phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn 2026-2030. Quy hoạch lâm nghiệp mới sẽ tạo hành lang pháp lý để tỉnh xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển. Từ đó, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành Lâm nghiệp theo đúng định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điều đặc biệt hơn là thông qua phát triển kinh tế rừng, đã và đang tạo sinh kế bền vững cho người dân nhiều vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với huyện Quỳ Châu, địa phương có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, với hơn 95.000 ha, phân bổ ở 12/12 xã, thị trấn. Với lợi thế đó, gắn với làm tốt công tác bảo vệ rừng, những năm qua, huyện Quỳ Châu cũng đã tập trung chỉ đạo phát triển rừng trồng trên diện tích rừng sản xuất nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương. Theo đó, mỗi năm địa phương có diện tích rừng trồng là 3.000 ha và hiện tại diện tích rừng trồng đạt hơn 23.000 ha; doanh thu mỗi năm đạt hơn 350 tỷ đồng.

 Mô hình trồng chuyển đổi trồng cây gỗ nhỏ sang cây gỗ lớn
Mô hình chuyển đổi trồng cây gỗ nhỏ sang cây gỗ lớn. Ảnh: Mai Hoa

Tại huyện Tương Dương, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cũng tập trung chỉ đạo phát triển diện tích rừng trồng, mỗi năm trồng 1.000 - 1.500 ha, với tổng diện tích rừng trồng hiện đạt hơn 4.400 ha. Về giá trị kinh tế, theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hải Âu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tương Dương: Mỗi ha keo với chu kỳ 5-7 năm thì sẽ có nguồn thu nhập tương ứng 90-120 triệu đồng/ha và cây mét đạt 15-20 triệu đồng/ha/năm. Đây một nguồn sinh kế quan trọng cho người dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo; đặc biệt, góp phần làm thay đổi nhận thức, tư duy, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân.

Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp

Để phát huy cao hơn giá trị của rừng, những năm gần đây, trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, các địa phương đã chú trọng phát triển cây gỗ lớn và đa dạng hóa cây trồng. Ngoài rừng keo, bạch đàn, thông là chủ đạo, một số địa phương đã mở rộng diện tích trồng xoan, mét, quế, mỡ, bồ đề, lát,…; tuy nhiên, diện tích đó còn rất nhỏ; cây keo, bạch đàn vẫn đang chiếm diện tích lớn, với tổng hơn 150.000 ha trong tổng số hơn 208.000 ha rừng trồng toàn tỉnh.

Bên cạnh chưa đa dạng về cây trồng, thì cây keo đang được khai thác ở chu kỳ trồng 5 - 8 năm, thậm chí có nơi 4 năm đã khai thác, giảm năng suất rừng trồng, sản lượng gỗ và giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích rừng. Cụ thể, năng suất bình quân dao động chỉ đạt 70 - 150m3/ha, tương đương 15- 25m3/ha/năm và sản lượng khai thác hàng năm chỉ đạt khoảng trên dưới 1 triệu m3. Gỗ khai thác chủ yếu phục vụ sản xuất bột giấy, dăm gỗ, ván lạng, ván MDF, ván ghép thanh…

 Cán bộ huyện Tương Dương kiểm tra phát triển của cây mét
Cán bộ huyện Tương Dương kiểm tra phát triển của cây mét. Ảnh: CSCC

Nguyên nhân của thực trạng này, theo đồng chí Nguyễn Thị Anh Hường - Phó trưởng Ban Quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ: Do chưa có nghiên cứu một cách tổng thể về giống cây trồng, gắn với quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn giống cây lâm nghiệp phục vụ cho công tác trồng và phát triển rừng; ngược lại, hiện đang có tình trạng sử dụng giống không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đang khá phổ biến. Hiện tại, toàn tỉnh có 24 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, chủ yếu phục vụ các ban quản lý rừng phòng hộ và công ty lâm nghiệp, bên cạnh mô hình ươm nhỏ lẻ của hộ gia đình. Nhìn chung, quy mô sản xuất giống nhỏ, công nghệ lạc hậu, chủ yếu là ươm giống từ hạt và một phần từ hom, chất lượng giống thấp, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng; đồng thời, giống chủ yếu là keo các loại, bồ đề, mét, bạch đàn, thông, xoan ta, các loại cây ngập mặn, cây bản địa. Những hạn chế này là rào cản lớn cho việc xây dựng diện tích rừng trồng đảm bảo để được cấp Chứng chỉ rừng bền vững theo quy định của quốc tế.

 b12
Cán bộ Ban Quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ kiểm tra giống ươm tại huyện Quế Phong; Vườn ươm keo của người dân tại xã Tân Hương (Tân Kỳ); Vườn ươm cây trồng bản địa tại xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Phó trưởng Ban Quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ cũng nhấn mạnh: Giống là một trong những khâu quan trọng nhất, yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị rừng trồng, đặc biệt là rừng trồng sản xuất. Không có giống được cải thiện theo mục tiêu kinh tế thì không thể đưa năng suất rừng trồng lên cao. Theo các nghiên cứu cho thấy, giống được cải thiện có thể chiếm đến 50 - 60% năng suất rừng trồng. Vì thế, cải thiện giống cây rừng để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ, đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm thương mại từ gỗ là một yêu cầu cấp bách đối với ngành Lâm nghiệp Nghệ An - địa phương có gần 75% tổng diện tích tự nhiên được quy hoạch đất lâm nghiệp và lâm nghiệp được xác định là ngành kinh tế quan trọng. Đặc biệt, ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 376 phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có quy hoạch Nghệ An thành trung tâm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, trước đó, ngày 31/03/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509 về việc thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại các xã Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Hợp, Nghi Xá (Nghi Lộc) và xã Đại Sơn (Đô Lương) với diện tích 618 ha.

 Miền Tây Nghệ Am với sự đa dạng về hệ sinh thái để phát triển dịch vụ du lịch 1
Phát triển rừng, ngoài lợi ích trực tiếp về kinh tế còn góp phần đa dạng về hệ sinh thái để phát triển dịch vụ du lịch. Ảnh: CSCC

Để hiện thực hóa định hướng, mục tiêu, chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã lập Đồ án quy hoạch Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2045 với tổng diện tích quy hoạch là 618 ha, trong đó có trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô khoảng 48 ha tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, đã được HĐND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua. UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch xây dựng Dự án Trung tâm giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ. Ngoài Trung tâm Sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Nghi Lâm, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2024 - 2030" nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tại Quyết định số 350, ngày 20/02/2024.

Theo đó, một trong những nội dung cần tập trung là nâng cao năng lực quản lý giống cây lâm nghiệp với khâu đột phá sản xuất các loại giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao, xác định danh mục các loại cây trồng ưu tiên phù hợp cho từng địa phương trong tỉnh trên cơ sở khảo sát, đánh giá những ưu thế về đất đai, địa hình và thị trường tiêu thụ.

Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, bên cạnh thúc đẩy để sớm đưa vào vận hành Trung tâm Sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ, Nghệ An cũng đẩy mạnh khuyến khích các nhà đầu tư, cơ sở sản xuất hiện có nâng cấp và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong xây dựng nguồn giống, cơ sở sản xuất giống có quy mô, cung ứng giống ổn định, lâu dài theo yêu cầu chuỗi sản phẩm, sản xuất và cung cấp giống năng suất, chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần đáp ứng đủ nhu cầu 41.500.000 cây giống trồng rừng, đan xen; 1.500.000 - 2.000.000 cây giống lâm sản ngoài gỗ để trồng dưới tán rừng vào năm 2030.

4 nhóm loài giống cây trồng lâm nghiệp được xác định ưu tiên sản xuất, cung ứng:

Nhóm loài cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế, gồm các loại giống keo (trong đó, ưu tiên các dòng keo cung cấp cho chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn) và các loại giống bạch đàn.

Nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, gồm: lát hoa, sao đen, dầu rái, lim xanh, thông nhựa, muồng đen, chò chỉ, ràng ràng…

Nhóm cây lâm sản ngoài gỗ, gồm có nhóm cây cho dầu, nhựa (quế, thông nhựa, sở, cao su…); nhóm cây cho thực phẩm (tre lấy măng, trám, dổi lấy hạt…); nhóm cây cho nguyên liệu sản xuất thủ công mỹ nghệ (tre, lùng, mây, mét…); nhóm cây dược liệu (sâm puxailaileng, đẳng sâm, hà thủ ô, sa nhân tím, trà hoa vàng, mắc khén…).

Nhóm loài cây trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ngập nước; ưu tiên phát triển các cây bản địa hoặc những loài cây nhập nội đã được trồng lâu năm, sinh trưởng và phát triển phù hợp với hệ sinh thái tại địa phương để trồng rừng đặc dụng, phòng hộ đầy nguồn, biên giới; giống cây phi lao, keo lá bạc… để trồng rừng phòng hộ chắn cát ven biển; giống bần chua, trang, đước đôi… để trồng rừng ngập nước…

Mai Hoa