Thể thao

Dàn trẻ Sông Lam Nghệ An đang ở vị trí nào?

Phú Châu 03/12/2024 11:10

Lãnh đạo - nhà đầu tư Sông Lam Nghệ An đang dựa vào lực lượng trẻ để “chinh chiến” ở V-League trong ít nhất 2 mùa giải gần đây. Điều đó hoàn toàn đúng khi sử dụng thế mạnh không ai có được là lực lượng đào tạo tại chỗ, am hiểu nhau từ các đội U, quen thuận với môi trường bóng đá nhờ được tập dượt, thi đấu giao hữu và các giải trẻ nhiều năm nay.

Nhưng có một thực tế không thể chối cãi là đào tạo trẻ lò Sông Lam Nghệ An đang dần tụt lại phía sau, thậm chí tụt xa so với lò Hà Nội FC, lò Thể Công Viettel, lò PVF…, kể cả lò đội hàng xóm Thanh Hóa cũng đang bám sát và vượt lên. Nhìn vào dàn trẻ Sông Lam Nghệ An hiện tại để xác định vị thế của họ trong làng V-League hay các đội trẻ quốc gia là một điều cần thiết.

Vương Văn Huy sẽ thi đấu tốt hơn khi quay trở lại cánh phải sở trường. Ảnh tư liệu: Xuân Thủy
Vương Văn Huy sẽ thi đấu tốt hơn khi quay trở lại cánh phải sở trường. Ảnh tư liệu: Xuân Thủy

Trước hết, cầu thủ từng có “mác” cao nhất của Sông Lam Nghệ An chính là thủ môn Văn Việt khi anh từng được gọi nhiều lần lên Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam. Tất nhiên, khi lên tuyển Việt Nam, Văn Việt chỉ giữ vị trí số 3-4, tức dự bị cho các đàn anh Văn Lâm, Nguyễn Filip và Đình Triệu. Ở U23 Việt Nam, các ông thầy cũng tin dùng Văn Chuẩn hơn là Văn Việt, tức thủ môn chính Sông Lam Nghệ An ở vị trí số 2, dự bị cho thủ môn chính U23 Việt Nam. Điều đó cho thấy Văn Việt là thủ môn dự bị sáng giá, được gọi lên tuyển như là quá trình chuẩn bị cho tương lai trong khung thành Đội tuyển Việt Nam nhờ những phẩm chất xuất sắc của anh. Đáng tiếc, lần gọi cho ASEAN Cup 2024 này, Văn Việt đã không có tên, có nhiều lý do nhưng chắc chắn các tuyển trạch viên nhìn vào thực tế thi đấu tệ hại của Sông Lam Nghệ An để “định giá” Văn Việt, dù anh vẫn là người xuất sắc nhất trong đội hình đội bóng chủ sân Vinh cho đến nay.

Cầu thủ thứ 2 cần được nói đến là hậu vệ Văn Cường, người từng thi đấu xuất sắc cho U23 Việt Nam thời Troussier ở giải U23 Đông Nam Á và cũng từng được gọi lên Đội tuyển Việt Nam như một cầu thủ “học việc” cho tương lai. Đáng tiếc, sau thời kỳ cho mượn ở Công an Hà Nội và chấn thương dai dẳng, Văn Cường vẫn chưa thực sự trở lại là chính mình nên mọi việc đối với tài năng trẻ này vẫn là dấu hỏi lớn?

Cầu thủ tiếp theo là Xuân Tiến, người cùng lứa với Văn Cường vô địch U17 quốc gia năm 2020, cũng được gọi vào đội 2 U23 Việt Nam dự giải Đông Nam Á sau đó. Bấy giờ, U23 Việt Nam được xây dựng thành 2 đội phục vụ cho 2 mục tiêu khác nhau. Xuân Tiến không được chọn đội U23 đi thi đấu châu lục là rất đáng tiếc. Sau đó, chấn thương và kỷ luật nội bộ khiến tài năng trẻ này rất khó khăn trong việc tìm lại chính mình. Câu chuyện tương tự cũng đến với Nam Hải khi phải vật lộn với chấn thương sau thành công với U23 Việt Nam nhưng vô cùng khổ sở với quá trình dài vắng bóng và tìm lại mình trên sân cỏ.

bna_a_th3392-2--c927daf9b764744ae59fa0441ef5e437.jpg
Hồ Văn Cường có khả năng tham gia tấn công khá ấn tượng. Ảnh tư liệu: Xuân Thủy

Hai tài năng trẻ lứa U19 Việt Nam là Nguyên Hoàng và Lê Đình Long Vũ có thể thi đấu hay ở các đội tuyển trẻ quốc gia nhưng về V-League lại là câu chuyện khác. Họ thực sự bị “ngợp” ở sân chơi V-League như thực tế chứng minh. Thật khó để “vọt tiến” xuất sắc như những đàn anh Văn Quyến hay Công Vinh trước đây dù người ta vẫn ghi nhận Nguyên Hoàng dần chững chạc và thực sự là niềm hy vọng lớn ở hàng thủ và Long Vũ từng kiến tạo cho đồng đội ghi bàn nhưng chừng đó là chưa đủ, hoàn toàn không đủ khi V-League hiện diện các đàn anh từng trải, tài năng, các ngoại binh khủng và thực sự không dễ để họ thi thố tài năng. Hãy xem Văn Đức hay Xuân Mạnh đang bở hơi tai như thế nào để tìm kiếm chỗ đứng trong đội hình, hay Ngọc Hải, Nguyên Mạnh vừa bị gạt ra khỏi đội tuyển quốc gia thì biết dàn trẻ Sông Lam hiện tại đang đứng ở đâu trên “bản đồ vị thế” của làng bóng đá?

Để thấy, dàn trẻ Sông Lam Nghệ An hiện tại không có vị trí trong đội tuyển quốc gia đã đành, nhưng vị trí ở U23 Việt Nam vẫn là dấu hỏi khi họ đang thi đấu trầy trật ở câu lạc bộ? Vậy nên, mới có chuyện mùa giải thoát xuống hạng mới qua đi lại đến cảnh đấu tranh chống xuống hạng mùa này, tức qua núi cao lại gặp núi cao hơn, ông Như Thuật phải nói thẳng ra chuyện bổ sung, thay thế lực lượng, cả nội và ngoại binh.

Dàn trẻ Sông Lam mất dần vị thế trên tuyển có nguyên nhân từ việc thi đấu quá sức, quá mức ở câu lạc bộ, thua và hòa nhiều hơn thắng cũng có thể khiến họ mất dần sự tự tin, sự thăng hoa cần thiết dẫn đến kết quả riêng và chung đều không đạt được. Không có đàn anh dìu dắt lại phải gắng sức có thể khiến họ thui chột tài năng, không thể phát triển đi lên như bình thường là điều thấy rõ. Hãy xem Văn Trường ở Hà Nội FC hay cầu thủ trẻ Ngọc Mỹ ở Đông Á Thanh Hóa sẽ thấy môi trường thuận lợi đang tiếp sức cho họ trưởng thành như thế nào. Còn với Long Vũ hay Nguyên Hoàng, thật khó để khẳng định khi được đưa lên sớm ở Đội 1 Sông Lam Nghệ An, họ sẽ tiến bộ hay thụt lùi và tương lai của họ có được rộng mở hay không?

Trong đời sống có câu “Khôn đâu đến trẻ” thì trong bóng đá cũng dễ liên tưởng “thắng đâu đến trẻ” như trường hợp của Sông Lam Nghệ An. Dàn trẻ Sông Lam có tiềm năng, đào tạo bài bản nhưng nếu được sử dụng không hợp lý, đốt cháy giai đoạn, không được quan tâm và đầu tư đúng mức, không có môi trường thực hành thuận lợi thì sẽ sớm đánh mất mình hoặc rất khó tìm lại chính mình, mà những minh chứng trên đây là cụ thể, sự thật nhãn tiền./.

Phú Châu