Giáo dục

Nhà giáo trẻ tiêu biểu đồng hành với học sinh vùng khó Quỳ Châu

Mỹ Hà - Tiến Hùng 04/12/2024 21:26

Thầy giáo Hà Cảnh Dinh - Trường THCS Hoàn Lãm là đại diện duy nhất của Nghệ An được gặp gỡ, vinh danh tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2024. Đây cũng là “quả ngọt” cho thầy giáo trẻ đã gắn bó với ngôi trường vùng khó của huyện miền núi Quỳ Châu.

Không muốn học sinh bỏ học

Thầy giáo Hà Cảnh Dinh (SN 1993) là người dân tộc Thái và cũng là một người con lớn lên tại huyện vùng cao Quỳ Châu. Ngày bé, dù điều kiện học tập gặp nhiều khó khăn nhưng với truyền thống của gia đình, anh luôn khát khao được trở thành giáo viên. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp khoa Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, anh chọn về quê để vừa làm giáo viên dạy Âm nhạc vừa đảm nhiệm công tác tổng phụ trách đội. Đây cũng là thử thách đối với người giáo viên trẻ này bởi trước đó những kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm dường như anh đều bắt đầu từ số không. Hành trang mang theo là tình yêu nghề, tình yêu học trò mà bố anh - một giáo viên tiểu học truyền lại.

Thầy giáo Hà Cảnh Dinh nhận bằng khen của Hội Liên hiệp thanh niên tại Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô. Ảnh: NVCC
Thầy giáo Hà Cảnh Dinh nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp thanh niên tại Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô. Ảnh: NVCC

Trường THCS Hoàn Lãm là một trường vùng cao đặc biệt khó khăn, nằm ở xã Châu Hoàn, cách trung tâm thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu 40km đường rừng, với 2 phân hiệu, mỗi phân hiệu cách nhau khoảng 10km, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số.

Thời điểm thầy giáo Hà Cảnh Dinh mới về công tác, nhiều nơi ở đây còn chưa có điện lưới và vì điều kiện còn nhiều vất vả, thiếu thốn, điều kiện đi lại khó khăn nên tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn diễn ra. Nhiều em, sau hè hoặc sau kỳ nghỉ tết là theo bố mẹ vào Nam đi làm ăn xa, có em lại bỏ học lấy chồng, lấy vợ.

“Ngay cả bây giờ nguy cơ bỏ học vẫn còn xảy ra” - thầy Dinh kể về thực trạng ở Trường THCS Hoàn Lãm và những ngôi trường vùng cao.

Năm học trước, Ngân Thị Hà - học sinh lớp 9A là thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn Giáo dục công dân của trường. Thế nhưng dù học tốt và đã học đến năm cuối cùng của bậc THCS, Hà cũng đã quyết định bỏ học sau khi kết thúc học kỳ I và về Tết với gia đình. Sau này qua tìm hiểu, nhà trường mới biết vì hoàn cảnh khó khăn nên nghỉ tết xong là Hà theo anh chị trong bản ra Bắc Ninh làm công nhân.

Tiếc cho cô học trò chăm chỉ, thầy Dinh và giáo viên chủ nhiệm đã hai lần vào nhà vận động gia đình và trực tiếp nhiều lần gọi điện cho Hà và chị gái để mong em trở lại trường. Thời điểm Hà về, kỳ thi học sinh giỏi huyện chỉ còn 3 ngày và không phụ lòng thầy cô, Hà đã giành giải Ba cấp huyện. Kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, em đã thi đỗ và nay đã là học sinh của Trường PTTH DTNT của tỉnh.

Thầy giáo Hà Cảnh Dinh nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NVCC
Thầy giáo Hà Cảnh Dinh nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NVCC

Có rất nhiều lý do khiến học sinh không muốn đi học như hoàn cảnh khó khăn, học kém, thiếu động lực để cố gắng.

Vì thế, là một giáo viên, nhất là một giáo viên tổng phụ trách đội tôi phải tích cực phối hợp với các giáo viên khác trong trường để thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em, hiểu được từng hoàn cảnh để có biện pháp vận động học sinh tới trường.

Ngoài ra, giáo viên cũng phải bám bản, bám học sinh, sẵn sàng giúp đỡ, đồng hành với những học sinh khó khăn. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi đó là 5 năm trở lại đây, trường không có học sinh bỏ học. Hơn thế, sĩ số học sinh không chỉ được giữ vững mà còn liên tục tăng lên. Bà con dân bản cũng rất tin tưởng các thầy giáo, cô giáo, gặp khó khăn, trở ngại đều đến trường để chia sẻ cùng thầy cô.

Thầy giáo Hà Cảnh Dinh

Phát huy sức trẻ của giáo viên vùng cao

Tháng 11 vừa qua, thầy giáo Hà Cảnh Dinh là 1 trong 60 nhà giáo tiêu biểu được nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và tham gia chương trình“Chia sẻ cùng thầy cô”.

Trở về từ chương trình này, thầy Dinh tâm sự rằng mình “thật nhỏ bé” nếu so với những đồng nghiệp, những thầy cô giáo đang công tác tại các huyện miền núi phía Bắc, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, những thầy cô giáo giảng dạy trong các trường chuyên biệt hay đang công tác tại các trường giáo dưỡng của Bộ Công an. “Khi chọn công việc của một người thầy giáo, tôi chỉ tâm nguyện lớn nhất đó là làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, xây dựng được một môi trường giáo dục thân thiện, tạo hứng thú để các em vui vẻ đến trường. Tôi cũng chưa từng nghĩ đến những khó khăn, vất vả. Sau chương trình này, nghe các câu chuyện cảm động của các thầy cô giáo tôi lại có thêm động lực để gắn bó với trường lớp và tin vào con đường mà mình đã lựa chọn” - thầy Dinh nói thêm.

Thầy giáo Hà Cảnh Dinh và các học trò. Ảnh - Mỹ Hà
Thầy giáo Hà Cảnh Dinh và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Trên thực tế, dù không công tác ở ngôi trường với những đối tượng đặc thù nhưng địa bàn xã Châu Hoàn và Diên Lãm từng là những điểm nóng về tình trạng buôn bán ma túy và số người nghiện cao của huyện Quỳ Châu.

Ngay ở Trường THCS Hoàn Lãm cũng có không ít học sinh có bố mẹ đi tù vì buôn bán ma túy. Từ thực tế này, là giáo viên Tổng phụ trách Đội, điều thầy Dinh trăn trở nhất đó là làm sao để các em học sinh không còn mặc cảm khi đến trường, xây dựng cho các em một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, là điểm tựa khi các em gặp khó khăn.

Để làm được điều đó, những năm qua, thầy Dinh đã phối hợp với Công an xã, các tổ chức đoàn thể xã tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống cho đội viên thông qua các chủ đề về phòng chống ma túy cho học trò, phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử; giáo dục trợ giúp pháp lý về bạo lực học đường và nạn xâm hại trẻ em, hướng dẫn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn.

Thầy giáo Hà Cảnh Dinh
Thầy giáo Hà Cảnh Dinh và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Những buổi sinh hoạt đội, sinh hoạt chuyên đề của nhà trường cũng được triển khai một cách thiết thực và ý nghĩa. Như với hoạt động “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”; “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”… các em đã từng bước được bồi đắp những giá trị nhân văn, về tình cảm gia đình, tình bạn bè, tình thầy cô.

Ngoài ra, công tác giáo dục đạo đức đội viên được thầy tổ chức dưới nhiều hình thức hấp dẫn như: Tuyên truyền qua bảng tin, qua các chương trình phát thanh măng non, qua các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi đội. Từ hoạt động này đã khơi dậy trong đội viên nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều việc làm đẹp.

Giờ học của thầy giáo Hà Cảnh Dinh và các học trò. Ảnh - Tiến Hùng
Giờ học của thầy giáo Hà Cảnh Dinh và các học trò. Ảnh: Tiến Hùng

Sau 6 năm về công tác tại trường, thầy đã có các biện pháp, giải pháp thực hiện hiệu quả trong việc hỗ trợ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, giúp đỡ người học có hoàn cảnh khó khăn trong học tập; có biện pháp, giải pháp vận động được nhiều người học đến trường và duy trì sĩ số học sinh ở cả 2 phân hiệu và được cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên tuyên dương.

Liên tục từ năm 2019, thầy giáo Hà Cảnh Dinh đều tham gia các kỳ thi giáo viên dạy giỏi huyện và đều đạt thành tích cao. Năm 2023, thầy đã đạt giải giáo viên Tổng phụ trách Đội cấp tỉnh, được trao giải giáo viên trẻ tiêu biểu và nhiều năm được giấy khen với thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

Tôi đánh giá cao sự năng động, nhiệt huyết và sáng tạo của thầy giáo Hà Cảnh Dinh. Thầy đã đem sức trẻ đến với ngôi trường vùng cao này và cùng với tập thể nhà trường xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, ý nghĩa để các em học sinh thấy gắn bó, thấy vui khi đến trường.

Thầy giáo Phạm Đức Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàn Lãm (Quỳ Châu)

Mỹ Hà - Tiến Hùng