Chính trị Pháp thêm bế tắc sau khi chính phủ bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Quốc hội Pháp tối 4/12 đã bỏ phiếu hạ bệ chính phủ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm “60 năm có một”. Việc Thủ tướng Michel Barnier bị “hất cẳng” xảy ra sau khi một liên minh cánh tả và phe cực hữu cùng cam kết lật đổ ông vì ông đã cưỡng ép quốc hội thông qua một dự luật ngân sách không được lòng dân mà không cần bỏ phiếu. Điện Élysée cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu trước toàn thể đất nước vào tối 5/12 (giờ địa phương).
331/557 phiếu bất tín nhiệm
Các nhà lập pháp của Pháp hôm 4/12 đã bỏ phiếu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier sau chỉ 3 tháng cầm quyền, một động thái lịch sử đẩy đất nước này vào tình trạng hỗn loạn chính trị sâu sắc hơn.
Lần đầu tiên trong hơn 6 thập kỷ, Hạ viện Quốc hội Pháp đã lật đổ chính phủ đương nhiệm, thông qua một động thái bất tín nhiệm do phe cực tả đề xuất và được phe cực hữu do bàMarine Le Pen đứng đầu ủng hộ.
Việc ông Barnier bị cách chức diễn ra sau các cuộc bầu cử Quốc hội bất thường vào mùa hè năm nay, sự kiện đã dẫn đến một quốc hội “treo” khi không đảng nào chiếm đa số, và phe cực hữu giữ vai trò then chốt cho sự tồn tại của chính phủ.
Tổng thống Emmanuel Macron giờ đây phải đối mặt với lựa chọn khó khăn trong việc tìm người kế nhiệm khả dĩ, khi nhiệm kỳ tổng thống của ông còn hơn 2 năm.
Quốc hội Pháp đã tranh luận về một kiến nghị do phe cực tả đưa ra trong một cuộc đối đầu liên quan đến ngân sách thắt lưng buộc bụng của năm sau, sau khi Thủ tướng nước này buộc thông qua dự luật tài trợ an sinh xã hội mà không cần bỏ phiếu hôm 2/12. Với sự ủng hộ của phe cực hữu, 331 nghị sĩ, tức đa số trong 577 thành viên của Quốc hội đã bỏ phiếu phế truất chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Yael Braun-Pivet xác nhận ông Barnier giờ đây sẽ phải "nộp đơn từ chức" lên Tổng thống Macron và tuyên bố phiên họp kết thúc.
Tổng thống Macron đã trở về Paris ngay trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra sau chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày tại Saudi Arabia. Sáng sớm 4/12, ông đã đi dạo qua sa mạc tại ốc đảo Al-Ula, một dự án du lịch biểu tượng của vương quốc dầu lửa, chiêm ngưỡng các di tích cổ. Sau khi hạ cánh, ông lập tức trở về Điện Élysée.
Hôm 3/12, ông Macron đã cáo buộc phe cực hữu của Le Pen về "chủ nghĩa cơ hội không thể chấp nhận" khi ủng hộ kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm này.
Không có cuộc bầu cử nào mới có thể được tổ chức trong vòng 1 năm kể từ cuộc bỏ phiếu mùa hè vừa qua, khiến càng thu hẹp các lựa chọn của ông Macron.
Laurent Wauquiez, lãnh đạo nhóm nghị sĩ cánh hữu trong Quốc hội, cho rằng phe cực hữu và cực tả phải chịu trách nhiệm cho cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, điều sẽ "đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn".
“Thất bại của ông ta”
Một số người đã đề nghị ông Macron nên từ chức để phá vỡ bế tắc, nhưng ông bác bỏ những lời kêu gọi ấy, gọi kịch bản như vậy là "hư cấu chính trị". "Thực sự không phù hợp khi nói những điều như vậy", ông Macron tuyên bố trong chuyến đi Saudi Arabia.
Eric Coquerel, một nghị sĩ cánh tả, cho rằng động thái bất tín nhiệm ông Barnier là "hồi chuông cáo chung cho nhiệm kỳ của ông Emmanuel Macron".
Trong bối cảnh các thị trường nơm nớp và nước Pháp chuẩn bị đối mặt với các cuộc đình công của khu vực công liên quan đến mối đe doạ cắt giảm việc làm, có thể dẫn tới các trường học đóng cửa, ảnh hưởng đến giao thông đường không và đường sắt, cảm giác khủng hoảng ngày tăng.
Các tổ chức công đoàn đã kêu gọi công chức, bao gồm giáo viên và nhân viên kiểm soát không lưu, đình công vào ngày 5/12 để phản đối các biện pháp cắt giảm chi phí được đề xuất bởi các bộ ngành liên quan trong mùa thu năm nay.
Trong khi đó, ông Macron dự kiến tổ chức một sự kiện quốc tế lớn vào ngày 7/12 tới nhân dịp khánh thành Nhà thờ Đức Bà sau vụ cháy năm 2019, với sự tham dự của ông Donald Trump trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông được bầu làm Tổng thống Mỹ tiếp theo.
Trang nhất của tờ Libération, một nhật báo cánh tả, đã đăng hình ảnh ông Macron – vị tổng thống có nhiệm kỳ kéo dài tới năm 2027, cùng tiêu đề "Thất bại của ông ta".
Chiến lược bị phá vỡ
Tuy vậy, trong một bài xã luận, tờ Le Monde lại cho rằng động thái của bà Le Pen có nguy cơ làm phật lòng chính các cử tri ủng hộ bà, như những người về hưu và doanh nhân, khi hạ bệ chính phủ.
"Chỉ trong vài phút, bà ấy đã phá vỡ chiến lược bình thường hóa mà bà luôn theo đuổi", tờ báo nhận xét.
Một số nhà quan sát cho rằng bà Le Pen, 56 tuổi, đang cố gắng lật đổ ông Macron trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc bằng cách hạ bệ ông Barnier.
Hiện bà Le Pen đang dính dáng đến một vụ xét xử tham nhũng gây chú ý. Nếu bị kết tội vào tháng 3 tới, bà có thể bị cấm tham gia cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Pháp.
Nhưng nếu ông Macron từ chức sớm, một cuộc bầu cử sẽ phải được tổ chức trong vòng 1tháng, tức có thể diễn ra trước khi bản án được đưa ra.
Các ứng viên cho vị trí thủ tướng mới hiện không nhiều. Bộ trưởng Quốc phòng trung thành Sebastien Lecornu và đồng minh trung dung của ông Macron, Francois Bayrou, là những cái tên tiềm năng.
Ở cánh tả, ông Macron có thể chọn cựu thủ tướng và bộ trưởng nội vụ thuộc Đảng Xã hội, Bernard Cazeneuve, một ứng viên sáng giá hồi tháng 9. Nhiều nguồn tin từ AFP cho hay ông Macron dự định nhanh chóng bổ nhiệm thủ tướng mới.
Đây là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công đầu tiên kể từ khi chính phủ của Georges Pompidou bị đánh bại vào năm 1962, khi Charles de Gaulle là Tổng thống.
Thời gian cầm quyền của chính phủ Barnier cũng là ngắn nhất so với bất kỳ chính phủ nào kể từ khi nền Đệ Ngũ Cộng hòa bắt đầu năm 1958.