Kinh tế

Bài 3: Sản xuất xanh và chống sa mạc hóa

Nhóm P.V Kinh tế 05/12/2024 13:51

Nền nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh. Sản xuất xanh trong nông nghiệp là nhằm đảm bảo nền nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh nói chung.

TIEU DE BAI 3
TIEU DE BAI 3
Tit phu 1

Trong cái lạnh đầu cuối năm, từ triền đê ven sông Lam nhìn ra vùng đất bãi, trải dài dưới chân cầu Yên Xuân là một màu xanh ngút mắt, trù phú của dưa chuột, của sâm ngưu bàng. Ít ai biết rằng, dăm bảy năm về trước, vùng bãi này toàn là cát xót, bạc màu, chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt, chỉ có cây lau, sậy mọc quá đầu người. Bao nhiêu năm, vùng bãi này chỉ bỏ hoang, làm nơi chăn thả trâu, bò do không cây nào sống nổi.

su-dung-xo-dua-de-cai-tao-dat-o-nghia-dan(1).jpg
Sử dụng xơ dừa để cải tạo đất. Ảnh: Thanh Phúc

Cho đến khi Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1982), chàng trai từ Lâm Đồng vào Nghệ An vào ký hợp đồng thuê vùng đất này của xã Long Xá (Hưng Nguyên), mặc cho nhiều người bảo anh “khùng”, bởi đất bạc màu, xa xấu thế này, trồng cây gì nên ăn?...

Thành thuê người, thuê máy, san gạt, cải tạo đất. Đất bạc màu, hay bị xói mòn, rửa trôi nên chỉ còn cách cải tạo duy nhất là bổ sung dinh dưỡng cho đất. Anh mua phân chuồng, mua xơ dừa, mua cây phân xanh cùng các loại thân cây ngô, cây đậu, lạc phối trộn, dùng men vi sinh ủ hoai mục làm thức ăn cho đất… Quá trình canh tác, chỉ làm cỏ bằng sức người với sự hỗ trợ của máy móc, chỉ sử dụng phân hữu cơ: Phân chuồng, phân vi sinh từ các chế phẩm sinh học; bón các loại đạm tự ngâm ủ; sử dụng hệ thống tưới tự động…

dung-men-vi-sinh-bien-rom-ra-thanh-phan-huu-co(1).jpg
Dùng men vi sinh biến rơm rạ thành phân hữu cơ. Ảnh: Thanh Phúc

Ròng rã, Thành vừa sản xuất vừa cải tạo đất, 7ha đất bãi cát trắng hoang hóa ở xã Long Xá đã biến thành vùng đất trù phú, màu mỡ. “Mỗi năm, tôi bón vào đất hàng tấn phân bò hoai mục, hàng tấn phân vi sinh ủ hoai bằng men vi sinh. Đồng thời, bón đạm đầu cá được xử lý bằng công nghệ sinh học. Nhờ đó, tôi chuyên canh cây màu, đặc biệt là dưa chuột, bí xanh, sâm ngưu bàng cho năng suất cao…”, anh Thành phấn khởi nói.

su-dung-che-pham-sinh-hoc-u-ca-tap-len-men-thanh-dam-de-bon-cho-cay-trong(1).jpg
Sử dụng chế phẩm sinh học ủ cá tạp lên men thành đạm để bón cho cây trồng. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện nay, từ 7ha đất bãi, mỗi năm, mang lại thu nhập cho Nguyễn Văn Thành 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 25 lao động địa phương với mức lương bình quân 6-7 triệu đồng/tháng. Toàn bộ diện tích đất sản xuất của anh được cấp giấy chứng nhận hữu cơ Việt Nam. Ngoài ra, anh còn liên kết với hơn 40 hộ dân ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn canh tác hữu cơ với hơn 2.00ha bí xanh, dưa chuột, mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân vùng bãi.

Tại huyện Đô Lương, năm 2023, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân huyện đã triển khai mô hình sản xuất than sinh học làm phân bón cho 20 hộ dân ở trên địa bàn huyện. Theo đó, các hộ sử dụng lò đốt biochar với cấu tạo đơn giản, nguyên liệu cho lò đốt sinh học này là các loại phế phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ như vỏ trấu, rơm rạ, vỏ dăm gỗ, các loại cành cây, lá cây, lá rau, cỏ… đã phơi khô khoảng 70%. Sau khi đốt các phế phẩm nông nghiệp khoảng 5 tiếng sẽ cho thu hoạch than sinh học. Than sinh học giúp cải thiện độ tơi xốp của đất, khả năng giữ nước rất cao, chống thất thoát bay hơi hay ngấm vào tầng sâu sau khi tưới trong mùa nắng; chống xói mòn đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn có lợi sống trong đất, thu hút và giữ nguồn dinh dưỡng để nhả dần ra cho cây trồng…

anh-le-van-dung-nong-dan-xa-thinh-son-dung-cong-nghe-dot-yem-khi-de-xu-ly-rac-thai-thanh-than-sinh-hoc-bon-cho-cay-trong(1).jpg
Anh Lê Văn Dũng, nông dân xã Thịnh Sơn (Đô Lương) dùng công nghệ đốt yếm khí để xử lý rác thải thành than sinh học, bón cho cây trồng. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Nguyễn Bá Châu – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đô Lương cho biết: “Qua thực hành và ứng dụng sản phẩm cho thấy giảm thiểu rác thải sinh hoạt, tận dụng được nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp; đồng thời, tạo thêm cho sản xuất nông nghiệp một loại phân bón hữu cơ chất lượng cao. Thời gian tới, mô hình sẽ được nhân ra diện rộng. Ngoài ra, hiện nay, chúng tôi cũng triển khai song song với mô hình nuôi ruồi lính đen, sâu canxi từ men vi sinh và chất thải, làm thức ăn phục vụ chăn nuôi”.

nhung-vung-dat-mau-mo-nho-duoc-cai-tao-khi-ung-dung-cnsh-va-trong-trot(1).jpg
Những vùng đất màu mỡ nhờ được cải tạo khi ứng dụng CNSH và trồng trọt. Ảnh: T. P

Hiện nay, trước những tổn thương do bệnh tật, dịch bệnh, con người đã nhận thức ra và quan tâm sức khỏe của mình. Sản xuất theo phương pháp hữu cơ để thay thế phương pháp sản xuất vô cơ bắt đầu được chú trọng.

Vì vậy, nhu cầu phân bón hữu cơ là rất lớn. Ước tính mỗi năm số lượng phân hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tối thiểu khoảng 90.000 tấn. Trong khi đó, lượng phân chuồng và phế phụ phẩm trong trồng trọt lại rất nhiều sẽ thành nguyên liệu đáp ứng tốt để xử lý thành phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học nhằm tái sử dụng phế phụ phẩm, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và làm sống lại hệ vi sinh vật hữu ích cải tạo đất.

dung-che-pham-sinh-hoc-de-u-phan-vi-sinh-tu-phu-pham-nong-nghiep.-anh-t.p(1).jpg
Dùng chế phẩm sinh học để ủ phân vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: T.P

Nghệ An là một trong những trung tâm sản xuất mía đường của cả nước với 3 nhà máy lớn và diện tích mía hiện còn gần 25.000 ha, tổng sản lượng mía mỗi năm đạt gần 1,6-1,7 triệu tấn mía. Cùng với đó là lượng phụ phẩm, bã mía thải ra môi trường rất lớn. Trăn trở trước vấn đề môi trường, đồng thời mong muốn chế biến được thức ăn từ bã mía chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm thức ăn chăn nuôi dự trữ cho gia súc từ phụ phẩm cây mía. Đây là lô sản phẩm khoa học công nghệ được đặt hàng thông qua hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ giữa Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An với Nhật Bản. Tháng 8/2024 vừa qua, Nghệ An đã vinh dự xuất khẩu lô thức ăn cho gia súc từ bã mía sang Nhật bản, mở ra triển vọng lớn về bảo vệ môi trường và tạo nguồn hàng hóa mới, lô hàng được phía Nhật đánh giá cao.

lo-san-pham-thu-nghiem-san-xuat-thuc-an-du-tru-cho-gia-suc-tu-phu-pham-cay-mia-duoc-van-chuyen-de-ban-giao-cho-doi-tac-nhat-ban.-anh-thanh-le(1).jpg
Lô sản phẩm thử nghiệm sản xuất thức ăn dự trữ cho gia súc từ phụ phẩm cây mía được vận chuyển để bàn giao cho đối tác Nhật Bản. Ảnh: Thanh Lê

Ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh – đơn vị chủ trì thực hiện Đề án "Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025” cho rằng, kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh khá đơn giản, không cần vốn đầu tư nhiều nên người dân có thể tự làm để phục vụ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình hoặc trang trại. Với việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết tốt vấn đề môi trường, đồng thời tạo thêm nguồn phân bón hữu cơ tái đầu tư trở lại cho cây trồng, hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, bền vững. Thời gian qua, với sự phát triển của khoa học công nghệ nhiều phế phụ phẩm trong nông nghiệp đã được các doanh nghiệp, trang trại, nông dân tận dụng lại, đưa nó trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp hay nhiều lĩnh vực khác. Đây là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp sạch, thực hành nông nghiệp tốt của nông dân Nghệ An.

Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm Nghệ An sử dụng khoảng 700 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi sử dụng để lại khoảng 70 tấn chai lọ, vỏ bao phần lớn được vứt bỏ lại trên đồng ruộng, dưới mương nước... Cùng với sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hàng năm toàn tỉnh đã sử dụng một khối lượng phân bón vô cơ các loại khá lớn. Trung bình mỗi năm đã sử dụng trên 60.000 tấn phân đạm urê, 100.000 tấn lân, 45.000 tấn kali và 60.000 tấn phân hỗn hợp NPK các loại. Toàn bộ khối lượng phân bón vô cơ nói trên, cây trồng chỉ hấp thụ tối đa 50% tùy loại. Bên cạnh đó, một thời gian dài nuôi tôm thâm canh, lạm dụng hoá chất, thức ăn công nghiệp; chất thải nuôi tôm không được xử lý triệt để đã để lại những hậu quả khôn lường…

Lượng phân vô cơ không được cây trồng hấp thụ hết, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất lớn, gây suy thoái đất trồng trọt, làm ô nhiễm nguồn nước và tăng lượng phát thải khí nhà kính làm tác động xấu đến môi trường. Những vùng đất hoang hóa, chai cứng, cây trồng kém năng suất, chất lượng nông sản giảm; những vùng nuôi tôm ô nhiễm nặng, dịch bệnh trên tôm hoành hành, tôm chết, người nuôi thua lỗ nặng… Do đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học vào cải tạo đất, nuôi tôm cân bằng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhu cầu bức thiết.

Tit phu 2

Gần 25 năm gắn bó với con tôm, ông Nguyễn Cường (SN 1970) ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) đã trải qua những bước thăng trầm, lận đận. Có lúc, tưởng chừng như đứt vốn, trắng tay… “Bắt đầu nuôi tôm từ năm 2002, theo hình thức quảng canh. Những năm đầu, thắng lớn, mỗi năm thu về tiền tỷ. Thế nhưng, do biến động của thời tiết, dịch bệnh do một thời gian dài lạm dụng hóa chất nên tôm bệnh, chết. Tôi lâm vào cảnh trắng tay”.

mo-hinh-nuoi-tom-cong-nghe-cao-cua-ong-nguyen-cuong-dien-chau-(1).jpg
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Cường (Diễn Châu). Ảnh: Thanh Phúc.

Năm 2022, ông Cường dốc toàn bộ vốn liếng 20 năm nuôi tôm tích góp được để cải tạo khu vực nuôi tôm, chuyển từ nuôi tôm trên ao lót bạt sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, theo hướng an toàn sinh học. “Khi ứng dụng công nghệ cao vào ao nuôi tôm khép kín 3 giai đoạn, có mái che tự động điều hòa nhiệt độ, tôi đã nuôi được 4 vụ/năm. Đặc biệt, nuôi công nghệ cao, an toàn sinh học nên ít công chăm sóc, ít phải sử dụng kháng sinh cho tôm và đảm bảo an toàn dịch bệnh”, ông Cường cho hay. Từ thành công đó, đến nay, ông mở rộng diện tích lên 20 ao nuôi tôm, 6 ao nuôi áp dụng mô hình công nghệ khép kín, 2 ao ương, 3 ao xử lý chất thải. Sản lượng xuất bán tôm thương phẩm đạt 150 tấn/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/người/tháng.

nuoi-tom-cong-nghe-sinh-hoc-giup-tom-phat-trien-nhanh-sach-benh(1).jpg
Nuôi tôm công nghệ sinh học giúp tôm phát triển nhanh, sạch bệnh. Ảnh T. P

Nhằm khắc phục tác động của diễn biến thời tiết bất thường, một số hộ nuôi tôm tại huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đã ứng dụng công nghệ Biofloc để nuôi tôm thâm canh 2-3 giai đoạn cho hiệu quả gấp 2-3 lần so với phương pháp nuôi truyền thống.

Công nghệ Biofloc là quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi thủy sản không cần thay nước. Biofloc tập hợp một khối các chất hữu cơ lơ lửng trong nước như các loại tảo đơn bào, tảo đa bào, phân, thức ăn dư thừa, xác vi sinh vật, vi khuẩn và kể cả động vật không xương sống,… Khối này có khả năng đồng hóa các loại chất thải hữu cơ chuyển thành sinh khối của vi khuẩn trong thời gian rất ngắn nhằm cải thiện môi trường nước mà không cần ánh sáng như các loại tảo. Đồng thời là thức ăn cho động vật thủy sản với hàm lượng chất dinh dưỡng cao.

ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-de-nuoi-tom-cong-nghe-cao-o-thi-xa-hoang-mai(1).jpg
Ứng dụng công nghệ sinh học để nuôi tôm công nghệ cao ở thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Lê Duy Khánh, một hộ nuôi tôm ở Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) cho biết, ứng dụng công nghệ Biofloc giúp anh chia quá trình nuôi tôm thành 3 giai đoạn khác nhau theo tuổi tôm. “Áp dụng cách này giúp tôi nuôi tôm với mật độ dày hơn nhưng vẫn dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước. Ngoài ra, nuôi trong nhà kính giúp hạn chế chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm, đồng thời kiểm soát được sự dao động môi trường nước; giúp tôm sinh trưởng tốt, phát triển đồng đều, giảm tối đa rủi ro so với phương pháp nuôi tôm truyền thống”, anh Khánh cho biết thêm.

che-pham-men-sinh-hoc-duoc-su-dung-phoi-tron-thuc-an-cho-tom-nuoi(1).jpg
Chế phẩm men sinh học được sử dụng phối trộn thức ăn cho tôm nuôi. Ảnh: T.P

Có thể khẳng định, ứng dụng các sản phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học hay công nghệ sinh học tiến bộ nói chung trong nuôi tôm là một giải pháp cần thiết để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, hướng đến phát triển bền vững. Cùng với đó, giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm tôm sạch, không kháng sinh để nâng cao sức cạnh tranh cho tôm thương phẩm trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Trước thách thức về biến đổi khí hậu, hạ tầng một số vùng nuôi ngày một xuống cấp, ô nhiễm nguồn nước, gần đây, một số hộ nuôi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới trong đầu tư và quy trình công nghệ nuôi. Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ sinh học không sử dụng kháng sinh, hóa chất, ứng dụng chế phẩm sinh học trong cải tạo môi trường nuôi đang dần hình thành, cần được nhân rộng.

Không chỉ thế, Nghệ An còn triển khai nhiều mô hình công nghệ sinh học hiệu quả ở miền núi.

Nhóm P.V Kinh tế