Giáo dục

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An: Cần lan tỏa những giá trị văn hoá tốt đẹp của Việt Nam và xứ Nghệ

Mai Hoa 06/12/2024 13:02

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm chất vấn bày tỏ lo ngại trước sự phát triển, du nhập văn hoá mang tính ngoại lai, thái quá không phù hợp trong âm nhạc, thời trang, cách ăn mặc, ứng xử…; cần quan tâm có giải pháp định hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc nói chung và bản sắc văn hoá Nghệ An nói riêng.

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi điều hành phiên chất vấn với lĩnh vực văn hóa, thể thao. Ảnh: Thành Cường
Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi điều hành phiên chất vấn với lĩnh vực văn hóa, thể thao. Ảnh: Thành Cường

Đại biểu chất vấn về giáo dục văn hoá trong học sinh

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Lục Thị Liên (huyện Con Cuông) cho rằng: Hiện nay, sự phát triển và du nhập mạnh mẽ của văn hoá hiện đại, công nghệ AI đã, đang làm cho một bộ phận không nhỏ người dân, cộng đồng cuốn theo trào lưu mới, nhất là lớp trẻ. Điều đáng lo ngại là sự xuất hiện những yếu tố văn hoá mang tính ngoại lai, thái quá không phù hợp trong âm nhạc, thời trang, cách ăn mặc, ứng xử…

Từ thực tiễn nêu trên, các cấp, ngành liên quan có giải pháp định hướng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc nói chung và bản sắc văn hoá Nghệ An nói riêng?

bna_5990.jpg
Đại biểu Lục Thị Liên (huyện Con Cuông) chất vấn bày tỏ lo lắng khi văn hoá mang tính ngoại lai đang tác động tiêu cực đến văn hoá dân tộc. Ảnh: Thành Cường

Cũng quan tâm đến tác động tiêu cực từ văn hóa ngoại lai, internet, mạng xã hội, đang làm mất đi những giá trị đạo đức truyền thống, mối quan hệ gắn kết gia đình suy giảm, xung đột thế hệ và tan vỡ gia đình gia tăng; đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) chất vấn các ngành đã có những giải pháp gì để khắc phục các vấn đề này, nhằm củng cố “tế bào” gia đình và vai trò của nó trong giai đoạn hiện nay?

bna_6030.jpg
Đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) chất vấn về giải pháp để khắc phục các vấn đề nhằm củng cố “tế bào” gia đình và vai trò của nó trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: Thành Cường

Chất vấn tại kỳ họp, đại biểu Mong Văn Tình (huyện Quế Phong) khẳng định: Thời gian qua, tỉnh đã rất quan tâm có nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người…

Đại biểu đề nghị các ngành làm rõ kết quả và giải pháp nào để tiếp tục thực hiện các nội dung nêu trên trong thời gian tới.

bna_5999.jpg
Đại biểu Mong Văn Tình (huyện Quế Phong) nêu câu hỏi chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Cần “quốc tế hoá” những giá trị văn hoá tốt đẹp của Việt Nam và xứ Nghệ

Trước các vấn đề được đại biểu HĐND tỉnh nêu câu hỏi chất vấn, chủ toạ điều hành phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thái Văn Thành và Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh trả lời chất vấn.

Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thái Văn Thành khẳng định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển quê hương, đất nước. Sự phát triển văn hóa xứ Nghệ cũng nằm trong dòng chảy sự phát triển văn hoá dân tộc. Vì vậy, muốn làm tốt văn hoá thì phải làm tốt văn hoá Việt Nam, đó là hiện đại hoá văn hoá Việt Nam và hiện đại hoá văn hoá xứ Nghệ...

Hiện nay, ngành Giáo dục – Đào tạo Nghệ An cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI, vừa giữ gìn bản sắc văn hoá xứ Nghệ cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vừa hiện đại hoá những giá trị văn hoá Việt Nam. Đây chính là thực hiện “văn hoá số”; tuy nhiên “văn hoá số” hiện nay của Việt Nam và Nghệ An còn mỏng.

bna_6036.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thái Văn Thành trả lời chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp thuộc thẩm quyền trách nhiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Mặt khác, cần “quốc tế hoá” những giá trị văn hoá tốt đẹp của Việt Nam và quê hương trên trường quốc tế. Nghệ An đã được UNESCO công nhận Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại. Thành phố Vinh là 1 trong 2 thành phố đầu tiên trong cả nước được UNESCO công nhận là thành phố học tập toàn cầu. Hiện đại hoá văn hoá phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kỷ nguyên số hiện nay.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là phải đem các giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam và con người xứ Nghệ ra trường quốc tế. Thời gian qua, Sở Giáo dục – Đào tạo cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hoá – Thể thao triển khai chương trình giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12 theo cấp độ nâng dần với trình độ và thẩm thấu văn hóa của học sinh. Nội dung được tập trung giáo dục tiềm lực, kinh tế, lịch sử, địa lý; đặc biệt là giá trị truyền thống cách mạng quý báu, truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người, văn hoá xứ Nghệ thông qua phối hợp với Bảo tàng Nghệ An, các di tích lịch sử - văn hóa để giúp học sinh trải nghiệm, thẩm thấu các giá trị văn hoá.

 Một tiết dạy học kết nối giũa giáo viên và học sinh Trường tiểu học Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh) với trường Tiểu quốc tế Indonesia
Một tiết dạy học kết nối giũa giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh) với Trường Tiểu quốc tế Indonesia. Ảnh: CSCC

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển bền vững giáo dục miền núi Nghệ An; HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho 83 trường nội trú, bán trú ở miền núi. Trong các trường này, Sở Giáo dục – Đào tạo đã và sẽ tiếp tục đưa các giá trị hiện đại vào, đồng thời tổ chức các câu lạc bộ, chương trình nhằm duy trì, phát huy, lan toả các bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có chương trình “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng dân tộc”.

Mặt khác, ngoài cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc” có tính quốc gia, quốc tế, thì có cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi” đã được Sở Giáo dục – Đào tạo và Sở Văn hoá - Thể thao thống nhất triển khai trong năm tới. Cũng theo đó, tất cả các nhạc cụ độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số sẽ đưa vào chương trình các trường học đã được HĐND tỉnh hỗ trợ kinh phí để hoạt động.

 Tăng cường các hoạt động ngoại khoá tại địa chỉ _đỏ_ cho học sinh trung học phổ thông ở huyện Con Cuông
Tăng cường các hoạt động ngoại khoá tại "địa chỉ đỏ" cho học sinh Trung học phổ thông ở huyện Con Cuông. Ảnh: Mai Hoa

Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo nhấn mạnh: Để phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, không chỉ yếu tố truyền thông, điều quan trọng, muốn có năng lực gìn giữ, phát huy được thì phải thông qua các hoạt động và hành vi, thông qua giao tiếp, ứng xử, thông qua tạo môi trường để duy trì, phát triển và phát huy. Về trách nhiệm, ngành Giáo dục – Đào tạo tiếp tục có kế hoạch phối hợp với các ngành, địa phương để tập trung và tăng cường hơn trong thời gian tới.

Ngoài phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; đại biểu Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao cũng đã trả lời với nhiều giải pháp đã được ngành Văn hoá - Thể thao triển khai thời gian qua và tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh hơn trong thời gian tới liên quan đến củng cố, phát huy vai trò và các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gắn với xây dựng bộ chuẩn mực văn hoá gia đình để tuyên truyền và triển khai thực hiện.

Xây dựng, phát huy giá trị con người thông qua tục ngữ, ca dao

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Đình Toàn (huyện Đô Lương) về giải pháp tăng cường giáo dục cho học sinh phổ thông tiếp cận và hiểu sâu rộng hơn về tục ngữ, ca dao xứ Nghệ; Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Thái Văn Thành cho rằng: Trải qua bốn nghìn năm lịch sử, văn hoá Việt Nam là sự giao thoa các “làn sóng” văn hoá phương Bắc và phương Tây; song văn hoá Việt Nam truyền thống và sâu sắc nhất vẫn là văn hoá phong kiến, văn hoá Phật giáo và bằng trí tuệ, bản lĩnh, sáng tạo, trong quá trình phát triển đã đúc kết, gìn giữ và để lại những câu tục ngữ, ca dao ngắn gọn, sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện nhằm giáo dục cho các thế hệ sau.

Nếu ai cũng học và làm theo đúng ca dao, tục ngữ, làm tốt nhiệm vụ, vị trí, đúng vai của mình thì xã hội rất tốt đẹp. Trong tục ngữ, ca dao có từng chủ đề, như nhóm giáo dục về đạo làm người, đối nhân xử thế, tôn trọng và hỗ trợ giúp đỡ người khác, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng dân tộc; nhóm vấn đề nỗ lực vươn lên để sáng tạo…

bna_6048.jpg
Đại biểu Trần Đình Toàn (huyện Đô Lương) nêu câu hỏi chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Mai Hoa

Đại biểu Thái Văn Thành cũng cho biết, thời gian qua, ngành đã lồng ghép trong chương trình giáo dục địa phương, trong môn văn học, lịch sử, địa phương và trải nghiệm môn học thông qua xây dựng các câu lạc bộ “văn học dân gian”, câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật…; các cuộc thi viết văn, thi thơ…, cũng tạo môi trường, điều kiện để học sinh tiếp cận và thẩm thấu kho tàng tục ngữ, ca dao của dân tộc.

Mặt khác, qua truyền đạt của giáo viên trên bục giảng và trong các chương trình, hoạt động cũng áp dụng các câu tục ngữ, ca dao và các hoạt động trong thực tiễn để minh hoạ cho học sinh, góp phần thẩm thấu các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc trong học sinh.

“Khi học sinh có sự thẩm thấu các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc và tham gia các hoạt động giao lưu văn hoá quốc tế, sẽ góp phần thúc đẩy lan toả giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc của Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, khi học sinh thẩm thấu được các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, thì sẽ có sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại; cái gì là “luồng gió mát”, cái gì là “luồng gió độc”, học sinh sẽ tự “bài xích”, văn hoá độc hại, lai căng bị đẩy lùi, chỉ duy trì và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa của thế giới”, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo nhấn mạnh.

Mai Hoa