Thời sự

Giám đốc Sở Y tế: Tiếp tục tham mưu các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư khám, chữa bệnh chất lượng cao tại Nghệ An

Phạm Bằng 06/12/2024 14:16

Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cho biết trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp để tham mưu tỉnh ban hành các chính sách ưu đãi về đất, thuế... để thu hút các cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao đầu tư vào Nghệ An.

Ngày 6/12, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, bà Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế đăng đàn trả lời chất vấn.

Lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

HĐND tỉnh tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc quản lý của ngành Y tế xung quanh việc thực hiện cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay; Tình hình cung ứng thuốc, dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế, nhất là bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và bệnh nhân nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Việc thực hiện chỉ tiêu về chống suy dinh dưỡng của trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

bna_6093.jpg
Chủ toạ kỳ họp điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế còn khó khăn

Quan tâm đến vấn đề tự chủ trong các cơ sở y tế công lập, đại biểu Nguyễn Thị Hương (đơn vị Hưng Nguyên) nêu vấn đề, mặc dù các đơn vị được giao tự chủ nhưng không có cơ chế trả lương riêng cho bác sĩ giỏi để thu hút nhân lực chất lượng cao.

Cùng đó, các đơn vị tự chủ nhóm III, IV không được quyết định số lượng người làm việc. Công tác mua sắm, đấu thầu qua nhiều đơn vị. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết thực trạng, nguyên nhân và giải pháp.

bna_6143.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hương (đơn vị Hưng Nguyên) đặt câu hỏi về vấn đề tuyển dụng nhân lực chất lượng cao tại cơ sở y tế tự chủ. Ảnh: Phạm Bằng

Nhấn mạnh vấn đề thu hút bác sĩ giỏi, nguồn nhân lực cho các đơn vị tự chủ phải thực hiện theo quy định pháp luật và trả chế độ chính sách cho nguồn nhân lực cao cũng không được nằm ngoài quy định, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung biết, tại các đơn vị tự chủ nhóm III, nhóm IV, hàng năm đều được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt biên chế.

Tuy nhiên, đối chiếu theo Thông tư 03, số lượng người làm việc trong ngành Y tế của Nghệ An đến nay chưa đạt, trong khi hàng năm vẫn phải tiếp tục tinh giản biên chế. Thực tế là mỗi năm, ngành phải tinh giản 191 người, nên rất mong muốn các cấp quan tâm không nên tinh giảm biên chế của ngành nữa.

Trả lời về công tác tuyển dụng, theo Giám đốc Sở Y tế, đối với đơn vị tự chủ nhóm I, II, được tự xây dựng Đề án vị trí việc làm dựa trên nhu cầu, nguồn thu 3 năm liên tiếp. Sau đó, gửi Sở Y tế, Sở Nội vụ thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

bna_6174.jpg
Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung khẳng định, số lượng người làm việc trong ngành Y tế của Nghệ An đến nay chưa đạt, trong khi hàng năm vẫn phải tiếp tục tinh giản biên chế. Ảnh: Thành Cường

Đối với đơn vị tự chủ nhóm III, nhóm IV, theo quy định, Sở Nội vụ thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt thì ngành mới được thực hiện. Đây là việc làm cần thiết, để tránh những sai sót, tiêu cực trong tuyển dụng.

Giải trình nguyên nhân việc đấu thầu kéo dài, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cho rằng, theo quy định, công tác đấu thầu phải trải qua cung về mặt thời gian. Thực tế, công tác đấu thầu tổ chức mua sắm là việc làm khó, chưa kể cán bộ y tế thực hiện kiêm nhiệm nên cũng gặp nhiều khó khăn.

Đối với đơn vị tự chủ nhóm I, nhóm II, phân cấp cho thủ trưởng đơn vị thì được quyết mua sắm phục vụ các hoạt động, trừ hoạt động sự nghiệp mua xe ô tô và được mua vật tư tiêu hao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện một số văn bản chưa thực sự rõ ràng, cũng có khi còn gây tranh cãi và có nhiều cách hiểu khác nhau, vì vậy, còn chậm ở một số đơn vị.

bna_6282.jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

“Thẳng thắn nhìn nhận từ phía ngành, có lúc, có nơi, có đơn vị, có cán bộ thực hiện chưa chủ động, chưa linh động, chưa linh hoạt, còn e dè, còn sợ trách nhiệm, ngại những sai sót trong quá trình đấu thầu xảy ra…”, bà Chung nói.

Tham mưu định hướng chính sách ưu đãi để thu hút y tế tư nhân

Quan tâm vấn đề hệ thống mạng lưới cơ sở y tế, đại biểu Hồ Văn Đàm (đơn vị Quỳnh Lưu) đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết thực trạng và việc thu hút cơ sở y tế tư nhân thời gian qua; đánh giá chất lượng của các cơ sở y tế tư nhân. Ngành có chính sách gì thu hút các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao đầu tư vào Nghệ An?

bna_6154.jpg
Đại biểu Hồ Văn Đàm (đơn vị Quỳnh Lưu) đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết thực trạng và việc thu hút cơ sở y tế tư nhân thời gian qua. Ảnh: Thành Cường

Nhìn nhận việc thu hút nguồn lực xã hội hoá trong ngành Y tế có vai trò hết sức quan trọng khi nguồn ngân sách còn đang hạn hẹp, Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngành đã tham mưu thực hiện nhiều giải pháp triển khai phát triển y tế tư nhân.

Cho đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 4.000 cơ sở y, dược tư nhân, trong đó có 720 cơ sở hành nghề y, hơn 3.000 cơ sở hành nghề dược. Quy mô về y tế tư nhân Nghệ An đứng thứ 3 cả nước, sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Khả năng tiếp cận y tế chất lượng cao ở y tế tư nhân Nghệ An khá tốt, nhằm giảm quá tải bệnh nhân trong bệnh viện công lập.

Đánh giá chất lượng về hệ thống y tế tư nhân, bà Chung nêu, việc phát triển hạ tầng cũng như trang thiết bị cơ bản khang trang, đầy đủ, hiện đại. Đội ngũ cán bộ y tế ngày càng được cải thiện, có chất lượng cao; góp phần vào sự thành công trong công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Theo Bộ Y tế, mức tăng giá khám bệnh, chữa bệnh mới không tác động nhiều tới người dân. Ảnh Thành Chung (3)
Hoạt động khám chữa bệnh ở một cơ sở y tế tại Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Để tiếp tục phát huy hệ thống y tế tư nhân hiệu quả, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cho rằng, cần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; đảm bảo được lợi ích của người dân cũng như đảm bảo hợp pháp lợi ích của doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích tư nhân tham gia vào lĩnh vực Y tế.

"Ngành sẽ tiếp tục tham mưu, đưa ra các giải pháp tiếp tục triển khai quy hoạch mạng lưới y tế theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; phối hợp tham mưu định hướng chính sách ưu đãi về đất, thuế; khuyến khích các đơn vị y tế tư nhân tăng cường liên doanh, liên kết và tăng cường kiểm tra, giám sát, hạn chế các tiêu cực trong y tế tư nhân", bà Chung nêu.

bna_6162.jpg
Đại biểu Chu Đức Thái (đơn vị Diễn Châu) đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết thực trạng nhân lực, thiết bị và khả năng thực hiện các kỹ thuật chuyên môn tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Tham gia chất vấn, đại biểu Chu Đức Thái (đơn vị Diễn Châu) đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết thực trạng nhân lực, thiết bị và khả năng thực hiện các kỹ thuật chuyên môn tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An? Ngành có định hướng gì cho 2 bệnh viện này để người dân tin tưởng vào chất lượng 2 bệnh viện tuyến cuối này?

Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cho rằng, để người dân tin tưởng, lựa chọn đến khám chữa bệnh tại 2 bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, tăng cường hợp tác với các bệnh viện Trung ương, nâng cao chất lượng phục vụ, ứng dụng đề án khám chữa bệnh thông minh, làm sao để khoảng cách với các bệnh viện Trung ương ngày càng ngắn lại.

Tại phiên chất vấn, chủ toạ kỳ họp nêu câu hỏi, mặc dù Bệnh viện Da liễu Nghệ An được giao tự chủ nhóm II nhưng 4 năm qua hoạt động của bệnh viện gặp nhiều khó khăn, có thời điểm 8 tháng người lao động không được nhận lương. Một trong những nguyên nhân là do giao tự chủ nhóm 2 chưa phù hợp, hoạt động không hiệu quả, không chi trả được lương và các chế độ cho người lao động.

bna_6241.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình nêu câu hỏi liên quan đến Bệnh viện Da liễu Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Chia sẻ đây là vấn đề rất trăn trở của ngành, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Bệnh viện Da liễu Nghệ An được thành lập từ năm 2019, trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Chống phong da liễu tỉnh.

Đây là đơn vị sự nghiệp công lập tuyến tỉnh, thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhóm II. Việc thành lập Bệnh viện Da liễu là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước để đáp ứng trong việc khám, chữa bệnh da liễu chuyên sâu trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo bà Chung, trong thời gian qua, Bệnh viện chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, chưa phát huy được trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển bệnh viện; công tác quản lý thiếu khoa học, chưa chia sẻ với cán bộ, nhân viên, số lượng người dân đến khám ngày càng ít.

Bệnh viện Da liễu Nghệ An không đáp ứng nguồn thu, không thể trả lương cho cán bộ nhân viên đúng hạn. Ảnh: Thành Chung
Bệnh viện Da liễu Nghệ An không đáp ứng nguồn thu, không thể trả lương cho cán bộ, nhân viên đúng hạn. Ảnh: Thành Chung

Để giải quyết các khó khăn của bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở đã tổ chức nhiều buổi làm việc để nghe, đánh giá thực trạng, tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, điều động phân công 1 lãnh đạo Sở phụ trách, 1 dược sĩ, 7 điều dưỡng các bệnh viện khác hỗ trợ cho bệnh viện; rà soát, thành lập các khoa, phòng để có thể đáp ứng được yêu cầu, tăng thu dung bệnh nhân.

Để sớm khắc phục yếu kém trong hoạt động của bệnh viện, bà Chung cho rằng, đầu tiên yếu tố con người là hết sức quan trọng. Vì vậy, cần cải thiện nhân lực, tìm nhân lực đủ điều kiện, xây dựng đoàn kết; thành lập các khoa, phòng và hoàn thiện các điều kiện để tổ chức khám chữa bệnh tốt hơn, tìm mũi nhọn trong chuyên khoa da liễu.

Phạm Bằng