Sức khỏe

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu giải pháp hạn chế tình trạng cán bộ y tế công lập thôi việc, bỏ việc

Phạm Bằng 06/12/2024 18:00

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Lê Thị Hoài Chung cho rằng, giải pháp đầu tiên là phải cải thiện môi trường làm việc, tạo tinh thần thoải mái cho cán bộ y tế yên tâm công tác, hăng say cống hiến, sáng tạo. Song, giải pháp căn cơ là phải nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế cơ sở công lập, muốn vậy giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ.

Ngày 6/12, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, bà Lê Thị Hoài Chung - Giám đốc Sở Y tế đăng đàn trả lời chất vấn.

bna_6272.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thuý An (đơn vị Anh Sơn) chất vấn tư lệnh ngành Y tế về các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp. Ảnh: Thành Cường

Người dân phải là khách hàng thông thái khi muốn làm đẹp

Chất vấn tư lệnh ngành Y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thuý An (đơn vị Anh Sơn) cho biết, trong nhiều năm gần đây, các cơ sở thẩm mỹ, dịch vụ làm đẹp xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh, nhất là thành phố Vinh.

Tuy nhiên, theo đại biểu An, qua phản ánh của cử tri và thực tế thì nhiều cơ sở đang hoạt động trái quy định, hoạt động khi chưa được cấp phép. Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Thuý An, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cho biết, theo quy định, thẩm mỹ chia ra 4 hình thức: Bệnh viện thẩm mỹ (Bộ Y tế cấp phép); Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ (Sở Y tế cấp phép); Cơ sở dịch vụ phun, xăm, thêu sử dụng thuốc tê dạng bôi (không phải cấp phép, cơ sở tự công bố lên Phòng Y tế cấp huyện); Spa làm đẹp (không phải loại hình y tế).

bna_6174.jpg
Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Như vậy, hiện nay chỉ có bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ là loại hình thẩm mỹ thuộc ngành Y tế quản lý.

Bà Chung cho biết, theo Quyết định số 2714 ngày 17/10/2024 về quy chế phân công, phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý các phòng khám chuyên khoa, phòng khám không phép, cơ sở thẩm mỹ, nhà thuốc, quầy thuốc,... trên địa bàn phụ trách.

bna_6334.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Sở Y tế chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các bệnh viện, phòng khám đa khoa, công ty, chi nhánh dược,...

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 550 cơ sở thẩm mỹ, trong đó có Bệnh viện RHM - Thẩm mỹ Thái Thượng Hoàng và 5 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc loại hình y tế, còn lại không phải là loại hình y tế nên không thuộc ngành y tế quản lý.

Giám đốc Sở Y tế nêu, trong thời gian qua, theo phản ánh, một số cơ sở tuy không thuộc loại hình y tế nhưng trong hoạt động đã lấn sân sang lĩnh vực y tế, gây ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế của người sử dụng dịch vụ.

Trước tình trạng đó, trong năm 2024, Sở Y tế đã phối hợp với Công an thành phố Vinh kiểm tra tại 10 cơ sở, trong đó xử phạt 4 cơ sở; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở; đóng cửa, dừng hoạt động 5 cơ sở sau khi có đơn thư phản ánh và vào cuộc của cơ quan chức năng.

bna_6395.jpg
Các vị đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của người dân để mỗi người dân là một khách hàng thông thái khi có nhu cầu thẩm mỹ, làm đẹp.

Đối các cơ sở thẩm mỹ, cũng cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thực hiện đúng phạm vi chuyên môn; nâng cao đạo đức, lòng tự trọng trong cung cấp các dịch vụ có chất lượng, đảm bảo. Truyền thông mạnh mẽ đối với các cơ sở vi phạm để người dân biết mà tránh.

Bên cạnh đó, bà Chung cho rằng, cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các cơ sở thẩm mỹ có nhiều phản ánh của công dân.

Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị thường xuyên rà soát, cập nhật, phân loại, lập danh sách cụ thể các cơ sở thẩm mỹ để thuận tiện cho công tác quản lý, theo dõi; chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các phòng, ban tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đại biểu Lê Thị Kim Chung - Tổ đại biểu huyện Quỳnh Lưu phát biểu chất vấn. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Lê Thị Kim Chung - Tổ đại biểu huyện Quỳnh Lưu phát biểu chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Kim Chung (đơn vị Quỳnh Lưu) về nguyên nhân và giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng thể thấp còi, Giám đốc Sở Y tế cho biết, đây là vấn đề đã được đưa vào các chỉ tiêu của Nghị quyết cũng như trong các báo cáo.

Năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Nghệ An là 24,4%, so với bình quân chung của cả nước (18%). Như vậy, Nghệ An cao hơn mức trung bình chung cả nước và nằm trong tốp yếu.

Về nguyên nhân, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, Nghệ An là tỉnh còn khó khăn, địa bàn rộng, dân số đông. Khi bắt đầu triển khai dự án suy dinh dưỡng, tỉnh có xuất phát điểm thấp tức là có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao, trong đó trẻ em thấp còi chiếm tỷ lệ cao.

bna_6276.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Khi bắt đầu triển khai dự án phòng, chống suy dinh dưỡng thì giảm 0,8 – 1%/năm và 3 năm gần đây giảm khoảng 0,6%. Khách quan đánh giá, công tác phòng chống suy dinh dưỡng đạt kết quả đáng khích lệ.

Nguyên nhân thứ hai là do nhận thức của người dân trong thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng, chuẩn bị bữa ăn hợp lý, quan tâm chăm sóc trẻ em ở vùng đồng bào khó khăn đang gặp nhiều hạn chế.

Việc tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng gặp nhiều khó khăn, vì vậy, việc phát hiện trẻ em suy dinh dưỡng kịp thời để có giải pháp cải thiện không phải là điều dễ dàng.

Việc truyền thông tư vấn ở các vùng sâu, vùng xa khó, đặc biệt với đối tượng phụ nữ mang thai và trẻ em.

bna_6164.jpg
Các vị đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Để cải thiện tình trạng này, trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cho rằng, cần tăng cường gói hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao sự hiểu biết của người dân về chế độ ăn đầy đủ, cân bằng và hợp lý; thực hiện nhóm chăm sóc sức khoẻ tại nhà; bổ sung Vitamin A và tẩy giun định kỳ đạt tỷ lệ cao.

Nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế là giải pháp căn cơ

Nêu câu hỏi chất vấn của đại biểu tới Giám đốc Sở Y tế, chủ tọa kỳ họp cho biết, hiện nay nhiều y, bác sĩ trong các cơ sở công lập nghỉ việc ra làm ngoài, nên thiếu nhân lực trong các cơ sở công lập và đề nghị ngành Y tế có giải pháp khắc phục.

bna_6241.jpg
Chủ tọa kỳ họp nêu câu hỏi của đại biểu đến Giám đốc Sở Y tế. Ảnh: Thành Cường

Trả lời câu hỏi chủ tọa kỳ họp nêu, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, đây là vấn đề ngành đang băn khoăn, trăn trở.

Song, theo quan điểm cá nhân, bà Chung cho rằng, đối với cán bộ y tế khi từ đơn vị công lập ra ngoài tư nhân thì không phải là "chảy máu chất xám". Bởi vì, trên cương vị công tác nào thì cũng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, cần có những giải pháp đối với vấn đề này.

Giám đốc Sở Y tế nêu con số: Trong năm 2022, số cán bộ xin nghỉ việc trong toàn ngành là 145 người, trong đó có 61 bác sĩ; năm 2023, có 74 cán bộ y tế nghỉ việc, trong đó có 22 bác sĩ; năm 2024, có 71 cán bộ y tế nghỉ việc, trong đó có 39 bác sĩ. Như vậy, tỷ lệ bác sĩ xin ra ngoài bệnh viện công lập chiếm 30-45%, chủ yếu ra các bệnh viện tư nhân hoặc mở phòng khám hành nghề riêng.

Theo bà Chung, việc cán bộ y tế đơn vị công lập xin ra ngoài có nhiều lý do khác nhau, trong đó đa số là thu nhập của cán bộ y tế trong hệ thống công lập còn thấp. Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân có thể trả gấp 6-7, thậm chí 10 - 20 lần.

bna_6167.jpg
Các vị đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Hệ thống các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh nhiều nên có nhiều chính sách thu hút. Khi bác sĩ ra ngoài, họ có thể thực hiện chuyên môn nhiều cơ sở khác nhau. Bên cạnh đó, môi trường làm việc tại các cơ sở y tế công lập có nhiều áp lực.

Muốn khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung cho rằng, giải pháp đầu tiên là phải cải thiện môi trường làm việc, tạo tinh thần thoải mái cho cán bộ y tế yên tâm công tác, hăng say cống hiến, sáng tạo.

Song giải pháp căn cơ là phải nâng cao thu nhập cho cán bộ y tế cơ sở công lập. Muốn vậy, giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ. Cùng đó, có chính sách thu hút cho nguồn nhân lực cao cho ngành Y tế.

bna_6290.jpg
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng trao đổi thêm về vấn đề nguồn nhân lực cho ngành Y tế. Ảnh: Thành Cường

Trao đổi thêm về vấn đề nguồn nhân lực cho ngành Y tế, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết, thời gian qua Sở đã phối hợp tốt với Sở Y tế để đảm bảo nguồn nhân lực cho ngành Y tế, để khám chữa bệnh cho người dân.

Năm 2022, khi Nghị định 08 không còn hiệu lực thi hành, Nghị định mới đang còn dự thảo, nắm thông tin từ các bệnh viện, một bộ phận lớn đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao đang được hợp đồng có nguy cơ rời bệnh viện công ra đơn vị khác, Sở đề xuất UBND tỉnh lấy cận dưới của dự thảo Nghị định mới, UBND tỉnh tạo điều kiện cho các bệnh viện tuyển thêm nhiều bác sĩ có trình độ làm việc tại y tế công lập.

Hàng năm, theo Quyết định số 01 của UBND tỉnh, trên cơ sở đề nghị của các bệnh viện và Sở Y tế, Sở Nội vụ đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh cử các cán bộ ngành Y tế đi đào tạo sau đại học và các chương trình nâng cao. Đến nay, đã có hơn 307 cán bộ ngành Y tế được hưởng chế độ cử đi đào tạo để nâng cao trình độ và qua đó giúp các bệnh viện công lập giữ chân các bác sĩ giỏi.

bna_6347.jpg
Các vị đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nội vụ, muốn giữ chân bác sĩ giỏi, trước hết là trách nhiệm của bệnh viện và ngành Y tế trong việc tạo môi trường làm việc tốt, thu nhập tốt hơn, được phát huy khả năng chuyên môn thì họ sẽ ở lại, còn không họ sẽ ra đi.

Đối với các bệnh viện tự chủ nhóm III, căn cứ nguồn thu của các bệnh viện vẫn có đủ điều kiện để tuyển dụng viên chức.

Phạm Bằng