Vựa cam Đồng Thành (Yên Thành) bắt đầu vào vụ thu hoạch
Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng thời điểm này, những đồi cam ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành đã chín vàng rực. Người dân bắt đầu thu hoạch cam sau 1 năm chăm sóc.
Mới sáng sớm tinh sương, tại vườn cam xum xuê, trĩu quả của gia đình ông Trương Văn Biên ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành đã nhộn nhịp thương lái đến thu mua. Ông Biên cho biết: “Vườn cam bắt đầu thu hoạch từ nay cho đến Tết Nguyên đán, thường chúng tôi sẽ chọn những quả cam chín mọng, độ ngọt đã đạt đỉnh để thu hoạch trước.
Sản phẩm được chia ra 2 loại, cam loại 1 bán với giá 45.000 đồng/kg, cam loại 2 có giá 35.000 đồng/kg, giá so với mọi năm tăng cao hơn. Thời điểm này khách hàng từ nhiều nơi gọi điện đặt hàng, nên nhân công phải thu hái hàng ngày.
Được biết, vườn cam của gia đình ông Biên có diện tích 4,8 ha, trong đó, 80% là giống cam Xã Đoài lòng vàng, 20% là giống cam Vân Du, ước tính vụ này đạt trên 20 tấn quả/ha.
Để có được vườn cam có năng suất cao, chất lượng tốt, ông Biên đã nhờ chuyên gia từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tư vấn về kỹ thuật chăm sóc. Ngoài chăm sóc theo quy trình VietGAP, ông Biên còn sử dụng ớt cay, tỏi, gừng... để pha chế thành chế phẩm sinh học để sản phẩm cam an toàn khi sử dụng.
Gần đó là chủ vườn cam Đại Việt. Chủ trại cam này cho biết, đồi cam của gia đình có diện tích hơn 10 ha, bắt đầu thu hoạch từ hơn 1 tuần qua. Tư thương từ khắp nơi về thu mua, mỗi ngày bán được 1-2 tấn cam, dự kiến cao điểm thu hoạch 4-5 tấn cam, phải thuê hàng chục người hái cam liên tục trong nhiều ngày mới kịp xuất bán ra thị trường.
“Năm nay sản lượng có giảm, do thời gian vừa qua có mưa, cam bị rụng quả khá nhiều. Tuy nhiên, ước tính kết thúc vụ thu hoạch khoảng trên 100 tấn cam, bán được trên 3 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 1,6 tỷ đồng", chủ vườn cam Đại Việt chia sẻ.
Anh Lê Văn Minh - một tư thương chuyên thu mua cam ở huyện Diễn Châu chia sẻ: Vùng cam xã Đồng Thành rất chất lượng, có mùi hương đặc trưng, vị ngọt thanh mát, mẫu mã đẹp, được khách hàng gần xa ưa chuộng. Mỗi ngày tôi thu mua từ 4-6 tấn cam Đồng Thành cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Bắc, và thành phố Vinh.
Ông Ngô Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đồng Thành cho biết: Toàn xã hiện có hơn 125 ha cam Vinh, chủ yếu là giống cam ngon như Xã Đoài lòng vàng, Vân Du… Trong số này, trên 70 ha cam được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm cam đạt chất lượng cao nên cam Đồng Thành được nhiều khách hàng biết đến. Chủ yếu tư thương từ khắp nơi trong tỉnh đổ về thu mua để đưa đi bán ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam. Tính đến thời điểm này, toàn xã đã thu hoạch được khoảng trên 200 tấn cam.
Tuy không được mùa như mọi năm do thời tiết, song năm nay lại được giá. Toàn xã Đồng Thành ước tính thu hoạch đạt 1.300 tấn cam, cho thu nhập trên 42 tỷ đồng. Xã đang khuyến khích người dân sử dụng chế phẩm sinh học thay thuốc trừ sâu nhằm tạo ra sản phẩm “cam sạch” đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Cam đang trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân Đồng Thành “thay da đổi thịt”. Nhiều hộ gia đình nơi đây có doanh thu lên đến hàng tỷ đồng/ năm từ cây cam.
Thời gian tới, xã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng cam để tạo vùng cam chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm phát triển theo hướng bền vững.