Quốc tế

Mỹ 'tiến thoái lưỡng nan' ở Syria

Mỹ Nga 07/12/2024 14:15

Cuộc tấn công bất ngờ vào Aleppo của các nhóm phiến quân Syria đã khiến Mỹ rơi vào tình thế khó khăn, khi đang duy trì hơn 4.000 quân tại đây với nhiệm vụ chống khủng bố.

Một tấm áp phích về Tổng thống Syria bị hư hại sau một cuộc tấn công lớn của phiến quân tràn vào thành phố Aleppo. Ảnh: Reuters
Một tấm áp phích về Tổng thống Syria bị hư hại sau một cuộc tấn công lớn của phiến quân tràn vào thành phố Aleppo. Ảnh: Reuters

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder ngày 2/12 đã nhấn mạnh Mỹ "không có bất kỳ liên hệ nào” đến việc các nhóm phiến quân, lần đầu tiên sau 8 năm, nhanh chóng nổi dậy và tiến lên chiếm Aleppo – thành phố lớn thứ hai của Syria.

“Tôi xin khẳng định, Mỹ không hề liên quan đến các hoạt động mà phiến quân đang tiến hành ở Aleppo và xung quanh vùng Tây Bắc Syria, dưới sự chỉ đạo của Hayat Tahrir al-Sham (HTS)” - Tướng Ryder nói, đồng thời nhấn mạnh rằng, Mỹ đang thúc giục các bên giảm leo thang.

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Mỹ được Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nêu rõ hơn, khi chỉ ra Washington từ lâu đã xem HTS là tổ chức khủng bố, vì vậy, Mỹ thực sự lo ngại về mục tiêu của HTS. Đồng thời, giới chức Mỹ cho rằng, xung đột Syria căng thẳng trở lại là do Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad “phụ thuộc quá nhiều vào hỗ trợ từ Nga và Iran”, nhưng không tìm kiếm giải pháp chính trị lâu dài.

“Vậy nên, đây là một tình huống phức tạp. Mỹ đang theo dõi và giữ liên lạc chặt chẽ với các đối tác trong khu vực về vấn đề này”, ông Sullivan cho biết.

Theo hãng TASS ngày 3/12, Thiếu tướng Pat Ryder cho biết, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm chung của Mỹ đã sử dụng đường dây nóng với Nga để đảm bảo rằng, có kênh liên lạc mở, vì thực tế là lực lượng của Mỹ và Nga ở Syria hoạt động ở địa bàn khá gần nhau. Ông Ryder không đi vào chi tiết về những liên hệ giữa hai bên, song lưu ý rằng, Nga và Mỹ có cơ chế liên lạc để ngăn chặn “những tính toán sai lầm tiềm ẩn”.

Mỹ triển khai lực lượng tới Syria dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama với lý do chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Dù đã rút phần lớn lực lượng khỏi Syria sau khi IS này bị đánh bại, Mỹ vẫn duy trì một số căn cứ quân sự và tiếp tục phối hợp với một số nhóm vũ trang đối lập với Chính phủ Syria, chủ yếu là các lực lượng người Kurd, với danh nghĩa ngăn chặn IS trỗi dậy.

Sau 8 năm “nằm im thở khẽ”, phiến quân đang lợi dụng việc các lực lượng hậu thuẫn Tổng thống al-Assad suy yếu để trỗi dậy ở Syria. Phiến quân đã nhận thấy cơ hội mới khi lực lượng Hezbollah ở Liban hứng chịu nhiều tổn thất trong cuộc chiến với Israel, trong khi Iran chịu nhiều áp lực, và Nga đang hoàn thành các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Mỹ Nga