Đồng chí Trương Nghiệm và những đóng góp cho phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Đồng chí Trương Nghiệm (bí danh Đông), sinh năm 1907, trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước tại làng Ngọc Bội, xã Hoàng Trường, tổng Hoàng Trường, phủ Diễn Châu, huyện Đông Thành (nay là xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu), tỉnh Nghệ An.
Dù gia đình nghèo, nhưng Trương Nghiệm vẫn được cha là ông Trương Tụy và mẹ là bà Thị Thuýnh tạo điều kiện cho ăn học như các bạn trong làng. Sau một thời gian theo học tại trường làng, Trương Nghiệm đành phải nghỉ học ở nhà làm ruộng để phụ giúp gia đình phần nào vượt qua khó khăn.
Hàng ngày, chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột dã man của chính quyền thực dân, phong kiến đối với Nhân dân, lại được tiếp thu nhiều tư tưởng mới thông qua sách báo yêu nước tiến bộ được bí mật truyền Diễn Châu, Trương Nghiệm cũng như nhiều thanh niên trẻ tràn đầy nhiệt huyết khác đã nhanh chóng được giác ngộ cách mạng. Như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, anh hăng hái tham gia tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, các sách báo tiến bộ trên quê hương mình.
Sau khi Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập một thời gian ngắn, đến tháng 9/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở tổng Hoàng Trường cũng nhanh chóng ra đời gồm các đồng chí: Trương Châu, Chu Trang, Chu Đàn, Hồ Nhiếp, Hồ Xiển, Chu Toàn, Chu Huệ, Hồ Hùng, Trương Nghiệm, Lê Ty, Lê Tài.
Hai chi bộ Vạn Phần, Hoàng Trường được Kỳ bộ giao nhiệm vụ xung kích trong những ngày đầu vận động thành lập đảng trong xứ. Đồng chí Trương Nghiệm được chi bộ phân công phụ trách công tác tuyên huấn, vận động Nhân dân tham gia phong trào yêu nước. Với nhiệm vụ được giao, đồng chí đã ra sức tìm tòi, nghiên cứu cách thức tuyên truyền sao cho phù hợp với trình độ của Nhân dân, đặc biệt chú ý đến thói quen, tập tục của bà con để khéo léo đưa nội dung vận động đi vào người dân một cách tự nhiên, phù hợp. Nhờ trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của đồng chí Trương Nghiệm, chỉ sau một thời gian ngắn, đông đảo quần chúng Nhân dân đã thay đổi về nhận thức, sẵn sàng đứng lên đấu tranh chống lại chính quyền thực dân, phong kiến, đòi quyền lợi về cho mình.
Dù kẻ địch khủng bố, đàn áp gắt gao, nhưng đồng chí Trương Nghiệm vẫn tích cực hoạt động, đặc biệt trong công tác xây dựng các tổ chức quần chúng, trong đó có lực lượng Tự vệ đỏ. Đồng chí là một trong những tổ trưởng đứng mũi chịu sào, hăng hái tuyển chọn những thanh niên ưu tú có sức khỏe lẫn lập trường kiên định, ngày đêm luyện tập để tham gia hoạt động cách mạng, bảo vệ quần chúng Nhân dân.
Khi làn sóng đấu tranh của Nhân dân Nghệ Tĩnh lan rộng ra nhiều địa phương trong hai tỉnh, thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai đã tăng cường khủng bố trắng hòng dập tắp phong trào cách mạng của quần chúng. Trước tình hình mới, ngày 22/10/1930, Ban Chấp hành Phủ ủy lâm thời mở cuộc họp mở rộng với sự tham gia của đại diện 4 liên chi: Vạn Phần, Lý Trai, Thái Xá và Hoàng Trường, quyết định phát động phong trào đấu tranh và lên kế hoạch cho cuộc biểu tình toàn huyện vào dịp kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga.
Ngày 26/10/1930, với sự chuẩn bị chu đáo, Chi bộ Hoàng Trường đã tổ chức cuộc biểu tình đòi giảm sưu, hoãn thuế, bỏ lệ tuần canh… Đồng chí Trương Nghiệm cùng đội Tự vệ đỏ đã hăng hái tham gia, bảo vệ an toàn cho quần chúng Nhân dân, đồng thời còn tổ chức bắt giữ những tên tay sai, phản động, canh gác theo dõi mọi hoạt động của bọn quan lại góp phần vào thắng lợi của các cuộc đấu tranh.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 13 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, Phủ ủy tiếp tục tổ chức cuộc tổng biểu tình kéo về phủ lị đưa yêu sách, đòi giảm sưu, giảm thuế, tịch thu lúa, ruộng đất công của nhà giàu chia cho dân nghèo.
Sáng hôm 7/11/1930, tiếng trống từ đình làng Long Ân vang lên rộn rã thúc dục quần chúng về điểm tập trung. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, đồng chí Trương Nghiệm cùng lực lượng Tự vệ đỏ và Nhân dân tổng Hoàng Trường tập hợp tại cánh đồng Nu làng Mỹ Quan, rồi dọc theo Quốc lộ 1A tiến vào phủ lỵ. Đoàn người rầm rập tiến bước, với băng cờ, khẩu hiệu, tiếng hô vang khẩu hiệu hòa cùng tiếng reo hò của quần chúng thành một dòng người hùng hậu theo hướng phủ lỵ xông lên. Khí thế cuộc đấu tranh như nước vỡ bờ khiến Tri phủ Võ Vọng lo sợ, phủ đường rối loạn, tên chỉ huy đồn Diễn Châu đã huy động lính tập trung súng ống nhả đạn vào đoàn biểu tình, đồng thời điện cho các đồn cầu Giát, Yên Thành và Vinh ra hỗ trợ.
Mặc cho đạn địch bắn ra như mưa, cờ đỏ búa liềm vẫn tung bay phấp phới, băng cờ khẩu hiệu vẫn được giương cao. Đoàn biểu tình chỉ cách phủ lỵ khoảng 10 km, nhưng kẻ địch đã đóng chặt cửa thành, đoàn người dồn lại, phía sau bọn lính cho xe đuổi theo bắn loạn xạ, nhiều người ngã xuống, máu của quần chúng, đảng viên nhuộm đỏ cả khúc sông Bùng. 30 người hy sinh tại chỗ, 8 người bị thương địch đưa ra xử bắn tại Bến Tải để uy hiếp tinh thần đấu tranh của quần chúng. Dù cuộc đấu tranh của quần chúng bị đàn áp dã man nhưng không làm nao núng tinh thần của những người thanh niên yêu nước như đồng chí Trương Nghiệm. Luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh, không ngại hy sinh, gian khổ, đồng chí Trương Nghiệm bằng tinh thần tiên phong, gương mẫu đã trở thành tấm gương cộng sản tiêu biểu và tạo được niềm tin yêu trong quần chúng Nhân dân.
Sau cuộc biểu tình đẫm máu này, thực hiện chỉ thị của Phủ ủy Diễn Châu, biến đau thương thành hành động, đồng chí Trương Nghiệm cùng Nhân dân trong tổng cũng đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh để tưởng nhớ những người ngã xuống, tố cáo tội ác của địch và kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh. Tổ chức đảng và quần chúng dần được củng cố, phát triển. Ban Chấp hành Phủ ủy được kiện toàn, các Ban Chấp hành liên chi cũng được sắp xếp lại, chi bộ ghép Hoàng Trường được tách thành 4 chi bộ mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào. Đồng chí Trương Nghiệm hoạt động trong Chi bộ B cùng nhiều đồng chí đảng viên khác.
Sau khi chính quyền Xô viết ra đời ở nhiều địa phương, thực dân Pháp đã tăng cường đàn áp khủng bố phong trào đấu tranh của quần chúng. Phong trào cách mạng của tổng Hoàng Trường vì thế cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khe Sanh, một khu vực hiểm trở, kín đáo giáp ranh với 3 huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, đã được Chi bộ B chọn làm nơi lưu trú bí mật để chỉ đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân.
Ngày 16/8/1931, đồng chí Trương Nghiệm bị bắt tại Diễn Châu. Sau một thời gian bị giam cầm tra tấn, dụ dỗ mua chuộc không thành công, tháng 12/1931, đồng chí bị địch kết án 3 năm tù giam, 2 năm quản thúc theo bản án 195 ngày 1/12/1931 của Tòa án Nam t
Triều tỉnh Nghệ An. Đến ngày 16/1/1932, đồng chí bị địch đưa vào giam tại Nhà tù Phan Rang. Tết năm 1933, đồng chí Trương Nghiệm được tha tù(1).
Trở về quê hương, đồng chí móc nối với các đồng chí khác để tiếp tục hoạt động. Bước sang năm 1936, các cuộc đấu tranh công khai nửa hợp pháp, tổ chức nhiều hội nghị thảo luận, lập các bản dân nguyện đòi đại xá cho chính trị phạm, tự do đi lại, tự do lập hội… diễn ra sôi nổi. Năm 1937, đồng chí Võ Giá và đồng chí Hồ Thị Hiệu – Bí thư đã tổ chức củng cố lại Chi bộ Hoàng Trường gồm 6 đảng viên, trong đó có đồng chí Trương Nghiệm. Với chủ trương hoạt động bí mật, đồng chí Trương Nghiệm đã cùng với chi bộ đảng lợi dụng chính sách cải lương của thực dân Pháp tổ chức cho quần chúng đấu tranh hợp pháp, chống bọn tay sai, cai xếp, ăn gian tiền công của phu đào nông giang, chống lại một số tên Lý trưởng tham ô tiền bạc của dân. Nhờ những nỗ lực của đồng chí Trương Nghiệm và chi bộ, phong trào đã thu được nhiều thắng lợi, góp phần khích lệ tinh thần và tạo niềm tin trong quần chúng Nhân dân, tạo cơ sở và tăng thêm sức mạnh cho các đảng viên hăng say hoạt động.
Năm 1939, sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, trước tình hình mới, Xứ ủy, Tỉnh ủy và Phủ ủy Diễn Châu đã phát động phong trào đấu tranh đòi bỏ dự án tăng thuế của Khâm sứ Trung Kỳ. Thông qua các hình thức sinh hoạt ở nông thôn, các chi bộ đã tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân ký tên vào bản dân nguyện gửi cho Viện Dân biểu. Từ đây, phong trào cách mạng ở Hoàng Trường lại tiếp tục phát triển, tạo được khí thế đấu tranh mới, nhiều quần chúng ưu tú được kết nạp vào đảng. Chi bộ Hoàng Trường tiếp tục được củng cố lại, gồm các đảng viên: Hồ Thị Hiệu (Bí thư), Hồ Kham, Hồ Phan, Chu Phương, Chu Thế, Trương Nghiệm, Chu Thừa. Đồng chí Trương Nghiệm cùng các đảng viên khác trong chi bộ trở thành những hạt nhân xây dựng phong trào. Với kinh nghiệm hoạt động trong đội Tự vệ đỏ, đồng chí Trương Nghiệm được giao phụ trách một trong những tổ chức quan trọng là Hội Nông dân cứu quốc.
Trước sự phát triển của phong trào cách mạng mới, thực dân, phong kiến lại tìm mọi cách để dập tắt. Chúng ra sức lùng sục bắt giam cán bộ đảng, triệt phá các tổ chức cách mạng. Ngày 1/9/1943, đồng chí Trương Nghiệm bị bắt lần thứ 2. Sau gần một năm giam cầm, tra tấn và mua chuộc, đến tháng 7/1944, đồng chí bị địch kết án 3 năm tù giam, 3 năm quản thúc theo bản án số 154 ngày 19/7/1944 của Tòa án tỉnh Nghệ An. Đến Tết năm 1945, đồng chí được trả tự do(2).
Trong cách mạng tháng 8/1945, đồng chí đã cùng Nhân dân Nghĩa Đàn đấu tranh giành chính quyền thắng lợi. Đến năm 1947, đồng chí được cử ra Thanh Hóa công tác, rồi trở về địa phương làm việc trong bộ máy chính quyền xã. Trải qua nhiều năm cống hiến không mệt mỏi, đồng chí được nghỉ hưu theo chế độ(3).
Năm 1989, đồng chí mất tại quê nhà trong niềm tiếc thương của gia đình, dòng họ, quê hương.
Suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặc biệt trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Trương Nghiệm đã trở thành người chiến sĩ cộng sản được tôi luyện qua chông gai, thử thách, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, luôn sát cánh cùng Nhân dân trong các cuộc đấu tranh. Dù bị bắt giam, tra tấn nhiều lần trong lao tù đế quốc nhưng đồng chí vẫn không hề nao núng, luôn giữ vững khí tiết kiên trung trước Đảng, trước Nhân dân. Ghi nhận những đóng góp của đồng chí Trương Nghiệm, Đảng và Nhà nước ta đã công nhận đồng chí là cán bộ lão thành cách mạng.
Chú thích:
(1), (2) Theo Hồ sơ tù của đồng chí Trương Nghiệm lưu tại Bảo tàng XVNT
(3) Nghệ An –Những tấm gương cộng sản tập 6, Nxb Nghệ An, tr119,120