Giáo dục


Không nên đánh đố, tạo áp lực cho học sinh thi vào lớp 10 bằng môn thi thứ 3

Mỹ Hà 09/12/2024 15:14

Giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10 là mục tiêu mà ngành Giáo dục đang thực hiện. Tuy nhiên, điều này dường như khó khả thi khi cho đến thời điểm này, chưa có phương án tối ưu nào cho môn thi thứ 3.

Nhiều ý kiến trái chiều

Những năm trước đây, ngoài Ngữ văn và Toán, tiếng Anh là môn thi thứ 3 được hầu hết các tỉnh trên cả nước lựa chọn. Vì thế, đây vẫn là phương án được nhiều phụ huynh, học sinh mong muốn.

Nhưng bên cạnh đó, một số ý kiến lại nói rằng, nên thay đổi môn thi thứ 3 để giúp học sinh học đều các môn và đỡ áp lực cho các trường vùng khó.

bna_anh-my-ha-7-.jpg
Tiết học của học sinh Trường PT DTNTTHCS Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Nguyễn Văn Hải - Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc nội trú THCS Quế Phong cho biết: "Qua thực tế dạy học ở nhà trường tôi thấy rằng, so với nhiều vùng, miền khác, học sinh miền núi việc học tiếng Anh có rất nhiều thiệt thòi, thậm chí ngay cả hiện nay vẫn có những em trước khi lên THCS vẫn chưa được học tiếng Anh ở bậc tiểu học và chúng tôi phải “gom” các em lại thành một lớp để bồi dưỡng thêm. Để đảm bảo công bằng, tôi cho rằng, chọn phương án môn thứ 3 là một môn bất kỳ là phù hợp, không nên chỉ thi mỗi tiếng Anh, như thế giúp các em có thể phát triển toàn diện".

bna_gio-hoc-cua-hoc-sinh-truong-thcs-quang-trung-thanh-pho-vinh.-anh-my-ha.jpg
Tiết học của học sinh Trường THCS Quang Trung, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Trịnh Thị Hồng - giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên ở Trường THCS Quang Trung (thành phố Vinh) cho rằng, nên lựa chọn môn thứ 3 là một môn bất kỳ, không nhất thiết là môn tiếng Anh: "Nếu chỉ thi 3 môn Toán - Văn - tiếng Anh như trước đây thì học sinh có tâm lý chỉ học 3 môn này. Điều đó, dẫn tới lên cấp THPT các em cũng lựa chọn các môn tương tự và dẫn tới một thực tế là các khối ngành Tự nhiên học sinh sẽ không lựa chọn. Điều này sẽ dẫn đến mất cân bằng về nghề nghiệp, các trường kỹ thuật sẽ khó tuyển sinh. Xu hướng này trong bối cảnh hiện nay lại đi ngược với thế giới khi đang khuyến khích học sinh các khối ngành về STEM, khoa học. Ngược lại, nếu thi các môn khác thì lại tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh, nhất là với các môn tích hợp. Vì thế, nếu bốc thăm hoặc lựa chọn bất kỳ thì ngành Giáo dục cần công bố sớm để học sinh có thời gian đầu tư, khoanh vùng ôn tập", cô Hồng cho biết.

Qua tổng hợp của ngành Giáo dục, tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025, thành phố Vinh là địa phương có điểm thi tiếng Anh cao nhất với 6,75 điểm. Trong 20 huyện, thành, thị còn lại chỉ có 2 địa phương có điểm trung bình trên 5 điểm. Mức điểm tiếng Anh dao động chủ yếu từ 4,16 - 4,96 điểm. Cá biệt, có 6 huyện, điểm trung bình môn tiếng Anh chỉ dưới 4 điểm hoặc 3 điểm.

Toàn tỉnh, điểm trung bình môn tiếng Anh là 4,75 điểm. Mức điểm này chênh lệch khá nhiều so với điểm trung bình môn Ngữ văn là 7,25 điểm và điểm Toán là 5,82 điểm.

Không nên đánh đố, tạo áp lực cho học sinh

Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai kỳ thi vào lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới nên việc tổ chức kỳ thi càng được quan tâm. Chuẩn bị cho kỳ thi này, vào giữa tháng 10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Dự thảo quy chế tuyển sinh THCS, THPT và lấy ý kiến phương án thi tuyển vào lớp 10.

Theo đó, Bộ dự kiến tổ chức 3 môn thi gồm Toán, Ngữ văn và môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn, phải có sự thay đổi luân phiên qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.

Giờ học của học sinh Trường THCS Nghi Thủy - thành phố Vinh. Ảnh - Mỹ Hà
Tiết học của học sinh Trường THCS Nghi Thủy, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Qua gần 2 tháng lấy ý kiến, dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Thầy giáo Trần Việt Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Đức (thành phố Vinh) cho biết: "Hiện nay dù chưa có hướng dẫn về môn thi thứ 3 nhưng chúng tôi đang chỉ đạo tất cả các giáo viên dạy các môn học lớp 9 đều phải chuẩn bị tinh thần để giúp học sinh có kiến thức tối đa ở các môn học. Về cá nhân tôi cho rằng, dù thi với môn thi nào thì Bộ cũng cần công bố sớm để các nhà trường chủ động trong việc dạy và ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, nếu ấn định được môn thi cụ thể thì tốt hơn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh ở các nhà trường. Việc băn khoăn nếu chỉ thi 3 môn thì sẽ học lệch là điều không có cơ sở, bởi học sinh nếu muốn có kết quả tốt thì phải học đều tất cả các môn".

Giờ học Tiếng Anh của học sinh huyện Kỳ Sơn. Ảnh - Mỹ Hà
Tiết học tiếng Anh của học sinh huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Về dự thảo Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cho biết, hiện Sở chưa chốt môn thi thứ 3 và đang chờ quy chế hướng dẫn tuyển sinh THCS, THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm căn cứ xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp cho năm học 2025 - 2026.

Qua nhiều năm tổ chức kỳ thi lớp 10 ở cơ sở, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều băn khoăn với các phương án mà Bộ đưa ra. "Theo tôi, phương án tốt nhất là ngoài 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn thì môn thi thứ 3 phải do học sinh lựa chọn nhằm phù hợp năng lực của các em. Điều đó sẽ giúp học sinh thuận lợi khi lên THPT và các em sẽ chủ động lựa chọn tổ hợp học tập phù hợp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để làm được như vậy đòi hỏi công tác tổ chức thi, ra đề thi vất vả hơn và các nhà trường cũng gặp khó khăn khi tuyển chọn đầu vào. Ngoài ra, tôi cho rằng, quy định tổ chức môn thi thứ 3 phải thay đổi qua các năm là chưa phù hợp, gây khó khăn cho công tác tổ chức của các địa phương.

Thực tế, để thay đổi môn thi qua các năm, các Sở sẽ phải có phương thức để chọn năm nay thi môn này, năm sau thi môn khác theo hình thức bốc thăm. Hơn thế, với hình thức này cũng dẫn tới tình huống học sinh sẽ bỏ qua môn học mà kỳ thi trước đã thi. Vì thế, để học sinh tránh học lệch, học tủ hoặc để đạt mục tiêu “giáo dục toàn diện” là khó khả thi.

Chúng ta không nên áp đặt, đánh đố học sinh bằng cách bốc thăm hay thấp thỏm chờ đợi môn thi chỉ nhằm mục tiêu trang bị đều kiến thức tất cả các môn. Nên có cơ chế cộng điểm ưu tiên, khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 từ năm 2025 nhằm thúc đẩy việc học ngoại ngữ.
Ngoài ra, để thực hiện chủ trương lớn dần dần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, cũng cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy và nên đưa tiếng Anh trở thành môn thi thứ 3 để phù hợp với thực tế ở từng địa phương".

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Giờ học của học sinh Trường THCS Bến Thủy - thành phố Vinh. Ảnh - Mỹ Hà
Tiết học của học sinh Trường THCS Bến Thủy, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Mỹ Hà