Xe

Cách xử lý an toàn khi ô tô mất phanh

Minh Phương (tổng hợp) 10/12/2024 09:17

Mất phanh là sự cố nguy hiểm khi tham gia giao thông trên đường, đòi hỏi tài xế cần bình tĩnh xử lý an toàn để tránh gây tai nạn hoặc tổn thất cho xe.

Nguyên nhân khiến ô tô mất phanh

Xe ô tô mất phanh chủ yếu do một số nguyên nhân sau:

- Áp suất dầu phanh: Phanh ô tô hoạt động được là nhờ áp suất thủy lực bên trong. Vì vậy, nếu dầu phanh rò rỉ trong đường ống dẫn dầu phanh hoặc xi lanh thì hệ thống phanh không đủ áp lực để giảm tốc. Hậu quả là phanh bị chậm, thậm chí dẫn tới mất phanh.

- Không khí lọt vào hệ thống phanh: Đạp phanh nhưng phanh yếu hoặc không hiệu quả thì có thể không khí đã lọt vào bên trong hệ thống. Không khí lọt vào đường ống dẫn dầu phanh gây tắc nghẽn khiến xe không tạo đủ áp suất cho phanh hoạt động.

- Lỗi bộ điều khiển ABS: Một số trường hợp hiếm gặp khiến xe mất phanh là bộ điều khiển ABS bị lỗi. Đôi khi hệ thống ABS lỗi làm ngăn cản van nạp/xả khiến xe mất phanh.

- Đạp phanh liên tục: Thói quen đạp phanh liên tục trong thời gian dài dễ khiến bố phanh bị cháy, dẫn đến phanh hoạt động kém hiệu quả.

Cách xử lý khi ô tô mất phanh

Nếu bị mất phanh khi di chuyển, tài xế cần bình tĩnh và xử lý tuần tự theo các bước sau:

Giữ bình tĩnh

Trước hết, người lái cần giữ bình tĩnh khi sự cố xảy ra. Sự hoảng loạn có thể khiến tài xế xử lý mọi việc không chính xác.

Bật đèn cảnh báo khẩn cấp

Khi thấy dấu hiệu mất phanh, tài xế cần quan sát phía trước và sau xe để tránh va chạm. Sau đó bật đèn cảnh báo khẩn cấp, nháy đèn pha để cảnh báo các phương tiện khác chủ động tránh, đảm bảo an toàn.

Giảm chân ga

(Ảnh minh họa)
Ảnh minh họa.

Cách xử lý được khuyên áp dụng nhiều nhất khi xe mất phanh là giảm chân ga hoặc bỏ chân ga. Nếu đang di chuyển trên đường đông hoặc xuống dốc thì tài xế không nên bỏ chân ga, chỉ cần giảm ga. Bởi nếu bỏ chân ga cho xe chạy tự do dễ khiến xe va chạm với phương tiện khác, gây hậu quả nghiêm trọng.

Không tắt máy

Tài xế tuyệt đối không tắt máy xe vì tắt máy đồng nghĩa với việc làm xe mất trợ lực lái. Lúc này, tài xế khó điều khiển xe để tránh phương tiện khác.

Hơn nữa, tắt máy còn khiến xe rơi vào trạng thái chạy tự do theo lực quán tính, rất nguy hiểm.

Chuyển về số thấp

Tài xế có thể tận dụng phanh động cơ bằng cách chuyển xe về số thấp. Với hộp số tự động, người lái chỉ cần chuyển sang chế độ bán tự động hoặc chuyển qua lẫy chuyển số trên vô lăng. Với hộp số sàn, tài xế chuyển cần số về số 1 hoặc số 2.

Tuy nhiên, khi xe đang chạy tốc độ cao đột ngột bị ép về số thấp có thể phá hủy hệ thống truyền động, làm xe bị vỡ máy càng nguy hiểm hơn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng khi xử lý xe mất phanh, không nên chuyển về số thấp ngay từ đầu. Thay vào đó, chuyển số theo từng cấp.

Đạp phanh liên tục

Hãy thử đạp phanh liên tục vì xe mất phanh có thể chỉ vì mất áp suất dầu phanh tạm thời. Đạp phanh liên tục có thể lấy lại áp suất dầu phanh.

Dùng phanh tay

Phanh được thiết kế để sử dụng khi ô tô dừng hẳn. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp có thể dùng phanh tay để tạo lực hãm. Lưu ý, chỉ dùng phanh tay để hãm khi xe đang chạy ở tốc độ thấp. Nếu dùng phanh tay khi xe chạy ở tốc độ cao có thể khiến xe bị khóa bánh, mất độ bám dẫn đến xe bị mất lái.

Minh Phương (tổng hợp)