Khát vọng an cư của gần 100 hộ dân xã Yên Na sống tạm trên đất công trường
Từng là mặt bằng công trường xây dựng dự án thủy điện, tuy nhiên, khi dự án hoàn thành, khu đất này không được bàn giao cho chính quyền quản lý, khiến nhiều hộ dân tự ý đến lấn chiếm, dựng nhà. Ngoài ra, có nhiều hộ bỏ tiền mua lại từ các nhà thầu xây dựng.
Sống thấp thỏm trên đất công trường
Suốt nhiều năm nay, gần 100 hộ dân ở xã Yên Na (Tương Dương), luôn sống trong thấp thỏm bởi nguy cơ phải chuyển đi chỗ khác, trả lại đất cho chính quyền. Bởi khu đất nơi họ đang sống, từng là công trường xây dựng dự án thủy điện, theo quy định, sau khi dự án hoàn thành, chính quyền địa phương sẽ phải thu hồi.
“Ở đây cũng chẳng yên ổn gì, chính quyền liên tục yêu cầu di dời. Nhưng biết dời đi đâu bây giờ. Ngày xưa chúng tôi cũng bỏ tiền mua chứ có lấn chiếm đâu”, một người dân bày tỏ nguyện vọng, được chính quyền tạo điều kiện, cấp đất ở để ổn định lâu dài.
Một hộ dân khác thì nói rằng, hơn 10 năm trước, vì không muốn ở khu tái định cư do Nhà nước cấp, sau khi thấy công nhân rời đi, mặt bằng bỏ không, gia đình ông chuyển đến đây tự ý dựng nhà sinh sống.
"Chúng tôi muốn ở đây vì gần bản cũ ngày xưa, đây cũng gần với đường lớn nên thuận tiện. Biết ở như vậy là sai, nhưng đằng nào cũng lỡ dựng nhà rồi. Bây giờ chỉ muốn chính quyền tạo điều kiện, chúng tôi chấp nhận trả lại đất tái cư đã cấp để đổi lấy khu đất này.
Ông Vi Thanh Sơn - 60 tuổi, xã Yên Na (Tương Dương)
20 năm trước, để xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương đã giải phóng hơn 76 ha mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư mượn đất, để các nhà thầu làm nhà ở cho công nhân và làm khu nhà điều hành. Đến năm 2011, công trình thủy điện này hoàn thành, thay vì phải tháo dỡ nhà cửa, trả lại mặt bằng cho huyện, nhiều nhà thầu đã tự ý bán lại các dãy nhà ở của công nhân và nhà điều hành cho một số hộ dân ở địa phương.
Ngoài ra, nhiều hộ dân lân cận, vì nhiều nguyên nhân, cũng tìm đến khu đất này để dựng nhà, sinh sống. Đến nay, đã có 96 hộ dân sinh sống trên bãi công trường nằm ven Quốc lộ 48C này. Trong số đó, 78 hộ dân sinh sống bất hợp pháp, số còn lại do chính quyền địa phương bố trí đến khu vực này sinh sống sau đợt thiên tai, lũ lụt vào năm 2018.
Nhiều năm qua, UBND huyện Tương Dương đã vào cuộc để thu hồi hơn 76 ha đất kể trên, tuy nhiên, do trong số này, có nhiều hộ đã mua nhà ở của các nhà thầu thi công thủy điện và đang sinh sống nên việc thu hồi hết sức khó khăn.
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường Tương Dương, theo quy định, sau khi thực hiện xong dự án (từ năm 2010-2012) đối với phần diện tích chủ đầu tư không có nhu cầu sử dụng, trách nhiệm của chủ đầu tư phải hoàn trả mặt bằng sạch trước khi bàn giao cho chính quyền địa phương để đưa quỹ đất vào quản lý, không để lãng phí đất, không để người dân lấn chiếm.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó chủ đầu tư cũng như các nhà thầu không thực hiện hoàn trả mặt bằng để bàn giao đất, dẫn đến các hộ dân tự ý lấn chiếm đất để xây dựng nhà ở, cũng như sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm trong phạm vi đất của dự án. Mặt khác, các nhà thầu tự ý bán tài sản, như lán trại công nhân, nhà công vụ, trạm y tế… cho các hộ dân để sử dụng vào mục đích làm nhà ở và chăn nuôi… trái quy định, dẫn đến vướng mắc trong công tác bàn giao đất hiện nay.
Xã và huyện đã nhiều lần tổ chức họp, đến từng nhà vận động người dân trả lại mặt bằng nhưng người dân lại "năn nỉ" được huyện tạo điều kiện để sinh sống lâu dài tại đây. Năm 2022, huyện Tương Dương đã thành lập tổ liên ngành để kiểm tra, rà soát và đòi lại khu đất này. Sau đó, chủ đầu tư đã hoàn trả mặt bằng và tiến hành bàn giao cho UBND xã Yên Na và ban quản lý không để người dân tái lấn chiếm, với tổng diện tích 69,29 ha. Trong đó, chủ yếu là đất rừng sản xuất, đất công trình công cộng, đất nương rẫy…
Hiện nay, còn hơn 7 ha chưa thể bàn giao được do đang có tài sản là nhà ở của người dân. Trong đó, 96 hộ dân đang sinh sống trên diện tích 3,36 ha và trường tiểu học cũng như một số dãy nhà công nhân chưa được tháo dỡ.
Đề xuất hợp thức hóa
Theo một lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, sau khi kiểm tra, rà soát huyện đang dự kiến đề xuất lập phương án sử dụng đất đối với phần diện tích 3,36 ha cho 96 hộ đang sử dụng đất để nhân dân có đất làm nhà ở, sớm ổn định cuộc sống. “Nội dung này UBND huyện đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với chủ đầu tư, UBND xã Yên Na kiểm tra, rà soát từng đối tượng sử dụng đất theo hiện trạng, sau đó phân loại thành nhiều nhóm đối tượng”, vị này nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhóm đầu tiên có 36 hộ, là những người dân ở các khu tái định cư gần đó chuyển đến khu mặt bằng công trường sinh sống. Hiện nay, có 7 hộ trong số này nhà ở có nguy cơ sạt lở, phải di dời đến nơi ở mới an toàn trong phạm vi đất của khu mặt bằng công trường trả lại. Có 25 hộ xin ở lại tại chỗ, thực hiện theo phương án trả lại đất ở khu tái định cư mà Nhà nước đã bố trí, thay bằng thửa đất ở hiện tại, đối với phần diện tích vượt hạn mức, thì đề xuất cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở. Có 4 hộ thuộc diện tách hộ từ các hộ thuộc diện tái định cư của dự án thủy điện, xin được bố trí đất ở tại chỗ và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành.
Nhóm thứ 2 là những hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2018, nên dời đến khu mặt bằng này để sinh sống. Nhóm này có 18 hộ dân, đã từng được bố trí tái định cư tại khu tái định cư Khe Có Cánh. Hiện nay, đã có 16 hộ xây nhà ổn định, 2 hộ đang ở tạm khu ký túc trường tiểu học và nhà bố mẹ. Đây là những trường hợp được chính quyền giao đất ở tái định cư.
Nhóm thứ 3 gồm 15 hộ tự mua tài sản của các nhà thầu và cơi nới thành nhà ở. Trong đó, có 3 hộ thuộc diện đã có đất ở tại khu tái định cư của Dự án Thủy điện Bản Vẽ chuyển đến, cam kết sẽ trả lại đất ở khu tái định cư mà Nhà nước đã bố trí thay bằng thửa đất ở hiện tại. 12 hộ thuộc diện tách hộ từ các hộ có nguồn gốc thuộc tái định cư của Dự án Thủy điện Bản Vẽ, xin được bố trí đất ở tại chỗ và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành.
Nhóm cuối cùng gồm 27 hộ tự đến cơi nới, cải tạo đất để xây dựng nhà ở. Trong đó, 4 hộ từng được giao đất tái định cư nhưng đã chuyển nhượng cho người khác và 17 hộ thuộc diện tách hộ từ các hộ tái định cư của dự án thủy điện, xin được bố trí đất ở tại chỗ và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành. Tương tự, 6 hộ từ nơi khác đến cũng tự cải tạo, lấn chiếm đất để làm nhà ở, kinh doanh, cũng xin được bố trí đất ở tại chỗ và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định hiện hành.
"Theo luật Đất đai 2013, toàn bộ nhà dân đang sống ở đây phải tháo dỡ để bàn giao mặt bằng cho chính quyền quản lý. Nhưng Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực và theo quy định tại Điều 16 về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và Điều 8, Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã mở ra hướng xử lý dễ dàng hơn. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn thi hành luật và nếu đủ điều kiện sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xử lý theo hướng cấp đất cho người dân sinh sống lâu dài".
Ông Nguyễn Phùng Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương