Tô cam cùng Quỹ Vì tầm vóc Việt - Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ
Với thông điệp “Chung tay vì hạnh phúc đích thực của phụ nữ và trẻ em Việt Nam”, Quỹ Vì tầm vóc Việt (VSF) phối hợp cùng Tập đoàn TH và BAC A BANK triển khai chiến dịch TÔ CAM 2024 - Đoàn kết hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Diễn ra từ ngày 20/11 - 20/12, chiến dịch được tổ chức nhằm hưởng ứng Chiến dịch UNiTE của Liên hợp quốc và Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Chung tay vì hạnh phúc đích thực
Với thông điệp “Chung tay vì hạnh phúc đích thực của phụ nữ và trẻ em Việt Nam”, chiến dịch được triển khai nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy các hành động thiết thực hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực.
Nổi bật là sự kiện truyền thông trực tiếp tại hệ thống 25 cửa hàng TH True mart tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong đó, có 3 cửa hàng được trang trí booth cam- mỗi khách hàng mua sản phẩm màu cam và check in booth cam, chia sẻ thông điệp của chiến dịch kèm hashtag “TocamcungTH” sẽ nhận được phần quà từ ban tổ chức. Chương trình tương tác với khách hàng và quay thưởng may mắn dành cho 30 khách hàng cũng được tổ chức tại điểm Tô cam của các chi nhánh BAC A BANK.
Tại gần 100 chi nhánh, văn phòng làm việc của Tập đoàn TH và BAC A BANK trên toàn quốc sẽ được trang trí góc cam, kèm theo đó là các cuộc thi cá nhân, thi chụp ảnh check-in góc cam với quần áo, phụ kiện màu cam.
Sở dĩ chúng tôi chọn màu cam là màu biểu tượng của chiến dịch, bởi đây là màu sắc thu hút sự chú ý của cộng đồng; là sắc màu tươi sáng mang lại niềm hy vọng cho người bị bạo lực, nhưng đồng thời cũng là màu sắc mang tính cảnh báo về mức độ nguy hiểm của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.
Đại diện Quỹ Vì tầm vóc Việt
Đặc biệt, các hoạt động truyền thông trực tuyến trên báo chí, truyền hình và các nền tảng mạng xã hội được triển khai rộng rãi nhằm lan tỏa các thông điệp tôn trọng, bảo vệ phụ nữ và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Dự kiến, sẽ có 400 tin, bài báo chí và truyền thông được đăng tải trên các nền tảng trực tuyến, tiếp cận khoảng 900.000 người.
Trong thời gian diễn ra chiến dịch, các cuộc thi dành cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp cũng được tổ chức, nhằm tôn vinh nam giới hoặc nữ giới có các hành động đóng góp cho bình đẳng giới trong công sở, gia đình hoặc cộng đồng; các cuộc thi giữa các đơn vị văn phòng, chi nhánh; giải thưởng tương tác dành cho khách hàng checkin góc cam, viết câu tagline về chương trình Tô cam và dán tại góc cam của các chi nhánh.
600 triệu đồng hỗ trợ cải thiện sinh kế cho phụ nữ
Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 - Hành trình để thay đổi, thì tại Việt Nam có gần 2/3 phụ nữ (63%) đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng hoặc bạn tình của họ trong đời.
Bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến nhất, với gần một nửa (47%) số phụ nữ đã từng kết hôn, có bạn tình từng trải qua trong đời. Tiếp theo là bạo lực thể xác và/hoặc tình dục, với 1/3 phụ nữ (32%) đã từng trải qua 1 trong 2 hình thức bạo lực trong đời. Đặc biệt, có 8% trẻ em gái vị thành niên từ 15-19 tuổi đã từng bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục từ chồng hoặc bạn trai của họ, trong khi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 20 - 44 tuổi có tỷ lệ bị bạo lực thể chất và/hoặc tình dục cao nhất hiện nay.
Cứ 5 phụ nữ từng bị bạo lực thì có 4 người “không bao giờ chống trả”, có tới một nửa số phụ nữ bị chồng hoặc bạn tình bạo hành về thể xác và/hoặc tình dục chưa bao giờ kể với ai về chuyện này và đa số chưa bao giờ tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công hoặc chính quyền; trên 30% phụ nữ khuyết tật phải chịu bạo lực thể chất từ chồng hoặc bạn tình của họ.
Từ năm 2008, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã phát động Chiến dịch UNiTE (Đoàn kết) nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; làm mới các nỗ lực vận động chính sách; chia sẻ kiến thức và sự sáng tạo trong việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Chiến dịch kéo dài 16 ngày, từ 25/11 đến 10/12 hàng năm.
Từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam hưởng ứng Chiến dịch UNiTE bằng việc triển khai “Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”, diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm.
Chiến dịch “Tô cam cùng BAC A BANK, Tập đoàn TH - Đoàn kết hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho khách hàng và cán bộ, nhân viên doanh nghiệp về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời, thúc đẩy các hành động thiết thực để hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực. Có 12.000 cán bộ, nhân viên của Tập đoàn TH và BAC A BANK được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ chiến dịch.
Với mục tiêu xây dựng Quỹ Hỗ trợ cải thiện sinh kế, đồng hành, giúp đỡ phụ nữ bị bạo lực và có hoàn cảnh khó khăn, với mỗi sản phẩm màu cam khách hàng mua tại 25 cửa hàng TH True mart nói trên, VSF sẽ đóng góp 630 đồng, dự kiến hơn 400.000 sản phẩm được bán ra, tương đương với 300 triệu đồng; với mỗi cuốn sổ tiết kiệm “Người xây tổ ấm” được mở từ khách hàng, BAC A BANK sẽ đóng góp 63.000 đồng cho Quỹ Hỗ trợ sinh kế.
Như vậy, 600 triệu đồng sẽ được đóng góp cho Quỹ hỗ trợ nhằm cải thiện sinh kế cho các phụ nữ bị bạo lực và có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Quỹ hỗ trợ không lãi suất và vận hành xoay vòng.
Ngày 11/12, tại Nghệ An diễn ra Tọa đàm “Nam giới tiên phong hành động chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”. Với sự tham dự của 200 cán bộ, nhân viên các đơn vị thuộc Tập đoàn TH, tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới. Đồng thời, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho cán bộ, nhân viên Tập đoàn TH tiên phong trong công tác bình đẳng giới và hành động chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em.