Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Hoàng Vận - người cán bộ kiên trung của Đảng Cộng sản Việt Nam

TS. Nguyễn Văn Trung 12/12/2024 11:23

Đồng chí Hoàng Vận (bí danh Thế), sinh năm 1896, tại thôn Xuân Hoà, xã Tràng Cát (nay thuộc xóm Thường Xuân, xã Nam Cát), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong gia đình nông dân khá giả. Bố là Hoàng Ngọc Đàm, mẹ là Hoàng Thị Mị. Lúc còn nhỏ, Hoàng Vận đã được theo học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, lớn lên Anh là thợ may nổi tiếng trong vùng.

Trong quá trình lịch sử của dân tộc, người dân Tràng Cát đã góp công sức to lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, phong trào yêu nước chống Pháp trên địa bàn Nam Đàn diễn ra quyết liệt với cuộc khởi nghĩa của Vương Thúc Quý, Vương Thúc Mậu ở Kim Liên (1886 -1887) thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng tham gia trong đó có nhân dân Tràng Cát. Đồng thời, tại Tràng Cát thời gian này, phong trào Cần Vương được tập hợp do 3 ông Tú Điềm, ông Tú Cả và ông Cử nhân Nguyễn Độ khởi xướng. Thực dân Pháp đã sử dụng vũ lực đàn áp và dập tắt phong trào. Đầu thế kỷ XX, nhà ái quốc Phan Bội Châu (quê xã Xuân Hòa, Làng Đan Nhiệm) đã khởi xướng phong trào Đông Du, nhằm gieo ươm những hạt giống cho phong trào cách mạng. Tại Tràng Cát, nhiều người dân yêu nước đã hướng đến con đường đấu tranh, cứu nước của Phan Bội Châu. Từ nửa sau những năm 20 của thế kỷ XX, tinh thần yêu nước của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Tràng Cát nói riêng đã được soi sáng bởi lý tưởng cộng sản do Nguyễn Ái Quốc truyền bá, mở ra con đường giành độc lập, tự do đúng đắn. Từ những hạt giống đỏ đầu tiên trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đến sự ra đời của các tổ chức đảng ở nhiều địa phương trong tỉnh là những tiền đề hết sức quan trọng mở ra một triển vọng cho cuộc đấu tranh giải phóng lật đổ ách cai trị của đế quốc - phong kiến.

Tại Tràng Cát, Hoàng Vận và một nhóm thanh niên yêu nước đã tiên phong giác ngộ theo ánh sáng con đường cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn. Nhằm chuẩn bị cho việc thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản tại xã Tràng Cát, Hoàng Vận cùng các quần chúng yêu nước, cách mạng đã lập ra các tổ chức như phường tranh, phường hiếu nghĩa, phường cấy,... để giúp nhau trong cuộc sống và tuyên truyền cách mạng đến Nhân dân.

Chân dung đồng chí Hoàng Vận.
Chân dung đồng chí Hoàng Vận.

Một sự kiện quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hoàng Vận là vào đầu năm 1930, theo giới thiệu của đồng chí Nguyễn Gia Hào(1), Hoàng Vận được trực tiếp nói chuyện, bàn luận với đồng chí Lê Xuân Đào về Đảng Cộng sản, về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Sẵn có tinh thần yêu nước, cách mạng, cùng kiến thức hiểu biết sâu rộng, giữa Hoàng Vận và đồng chí Lê Xuân Đào đã thể hiện sự tâm đầu, ý hợp. Sau hai ngày nói chuyện, theo gợi ý của đồng chí Lê Xuân Đào, Hoàng Vận đã tự nguyện giúp đỡ tài chính cho Đảng dưới hình thức góp vốn đi buôn gỗ(2).

Sau khi Đảng bộ huyện Nam Đàn được thành lập ngày 25/4/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các chi bộ đảng đã lần lượt ra đời. Với sự giúp đỡ tích cực của cấp trên và sự nỗ lực hoạt động của các chiến sĩ cách mạng tại địa phương, vào ngày 8/9/1930, Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Tràng Cát được tổ chức với sự tham dự của 8 đảng viên. Hội nghị đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng trước mắt để lãnh đạo phong trào cách mạng xã nhà và bầu Ban Chấp hành Chi bộ gồm 5 đồng chí, do đồng chí Hoàng Vận làm Bí thư.

Sự ra đời của Chi bộ Đảng đánh dấu một bước ngoặt mới đối với phong trào cách mạng tại Tràng Cát. Cũng từ đây, các phong trào đấu tranh của quần chúng trong xã có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, trực tiếp là Bí thư Hoàng Vận, một cao trào cách mạng diễn ra mạnh mẽ tại địa phương, dẫn đến sự ra đời của chính quyền Xô viết xã Tràng Cát.

Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 4/1931, nhân dân Tràng Cát hòa chung với nhân dân các huyện trong tỉnh Nghệ An vùng lên đấu tranh dưới những hình thức khác nhau. Đồng thời, những chủ trương lớn đề ra tại Hội nghị thành lập chi bộ đều được tổ chức thực hiện. Trước hết là công tác vận động nhân dân vào các hội quần chúng cách mạng, nhằm cô lập bọn hương chức quan lại, tay sai. Nông hội Đỏ là tổ chức được phát triển rộng và nhanh, tất cả người dân trong 7 thôn từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái hay trai đều được kết nạp vào Nông hội Đỏ. Ban Chấp hành Nông hội ở các thôn gọi là Thôn bộ nông, ở xã gọi là Xã bộ nông. Chi bộ đã chỉ đạo cử ra từ 3 - 5 người vào Ban Chấp hành Nông hội thôn để hướng dẫn hội viên hoạt động. Bộ phận thường trực của Ban Chấp hành Nông hội xã gồm có 5 người. Các hội quần chúng khác như “Phụ nữ Giải phóng”, “Thanh niên Cộng sản”, đội “Đồng tử quân” (Thiếu niên) lần lượt ra đời,... Tính đến thời điểm sau khi thành lập chi bộ, toàn xã đã vận động được 389 hội viên thuộc các hội(3).

Đối với thanh niên, các thôn chưa tổ chức được ban chấp hành, song toàn xã lựa chọn một số thanh niên tiêu biểu hăng hái hoạt động để vận động thành lập tổ chức Thanh niên Cộng sản. Chi bộ phân công các đồng chí đảng viên theo dõi nắm phong trào. Ngoài các tổ chức nói trên, các thôn còn lập ra Hội cứu tế Đỏ để tập hợp hàn sĩ, phú hữu trong các thôn thành một lực lượng. Hội tân trợ cách mạng cũng được tổ chức. Những thôn có phong trào khá, chi bộ xúc tiến việc hình thành bộ máy ban chấp hành để duy trì và phát triển các hình thức hoạt động phù hợp.

Đồng thời, chi bộ đã chỉ đạo thành lập đội Tự vệ Đỏ xã Tràng Cát với 59 hội viên(4). Các hội viên tham gia đội Tự vệ Đỏ là những quần chúng hăng hái trong các cuộc đấu tranh, có sức khỏe, có tinh thần gan dạ.

Ngày 12/9/1930, nông dân Hưng Nguyên cùng với công nhân Trường Thi, Bến Thủy có cuộc tổng biểu tình đưa yêu sách lên viên tri phủ đòi phải hoãn, giảm thuế, giảm sưu, giảm giờ làm, tăng lương,... Hàng ngàn nông dân thuộc các xã, tổng Nam Kim, Lâm Thịnh (Nam Đàn), trong đó có nhân dân Tràng Cát giương cao lá cờ búa liềm kéo thẳng về Nhà ga xe lửa Yên Xuân, rồi tiến thẳng ra phủ đường Hưng Nguyên. Chi bộ đã bí mật tổ chức đoàn gồm 10 đồng chí trực tiếp đi tham gia cuộc biểu tình(5).

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Nam Đàn về phối hợp hành động trong đấu tranh và hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Công hội Đỏ Vinh - Bến Thuỷ, chi bộ đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Vận để bàn và quyết nghị các biện pháp, đẩy mạnh phong trào đấu tranh trong quần chúng. Phát triển các thắng lợi bước đầu, chi bộ tiếp tục lãnh đạo các tổ chức quần chúng tiến hành đấu tranh trực diện với bọn hào lý trong xã trên một số mặt, đưa các yêu sách đòi quyền lợi.

Ngày 9/10/1930, nhân dân trong xã tổ chức biểu tình trấn áp bọn phản cách mạng, hô vang các khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”, “Đả đảo đế quốc phong kiến”, “Đả đảo cường hào gian ác”. Ngày 21/10/1930, nhân dân toàn xã tập trung tổ chức lễ truy điệu những đồng chí đã hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 tại huyện Hưng Nguyên.

Ngày 30/10/1930, được Tự vệ Đỏ làm nòng cốt, nhân dân Tràng Cát đã trừng trị tên Nguyễn Lơng về tội liên lạc với bọn mật thám Pháp để truy bắt các chiến sĩ cách mạng. Ngày 5/11/1930, Tự vệ Đỏ bố trí lực lượng trừng trị tên bang tá Nguyễn Mặc về tội rủ rê một số phần tử chống đối cách mạng.

Ngày 15/3/1931, nông dân toàn xã mít tinh tại dăm Chợ Mới biểu dương lực lượng, lên tiếng cảnh cáo một số tên cường hào tiếp tay cho bọn phản động, tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương của Đảng, quyết định tịch thu một số công điền, công thổ chia cho dân cày. Kết quả chung trong cao trào đấu tranh này đã tịch thu 91 mẫu ruộng công bị bọn cường hào chiếm đoạt. Thu hồi tiền công quỹ gồm 930 quan, 100 hộc lúa, vay 260 hộc lúa và 95 quan tiền của nhà giàu để cứu đói nhân dân(6).

Trước những kết quả nêu trên, chi bộ tiếp tục lãnh đạo thực hiện các chủ trương: Xóa bỏ công nợ, bao gồm các loại nợ họ, làng, thôn, nợ xã, hội văn, hội võ, nợ tư không đòi mà cũng không trả; về địa tô, tại các làng tá điền gặt nửa phần của mình, nửa còn lại của địa chủ, điền chủ phải trả công gặt thì tá điền mới gặt.

Chủ trương của chi bộ đối với địa chủ, cường hào là phải bãi bỏ lễ tiết, biếu xén, đốt hết sổ sách công nợ, riêng nợ tư nếu đòi thì hoãn hoặc chưa trả, sưu thuế năm 1930, nông dân không nạp cho chính quyền phong kiến.

Cũng như một số địa phương khác ở Nam Đàn, tại Tràng Cát, trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, một số hào lý bị truất quyền hoặc chùn tay, hoặc nằm im, có tên bỏ trốn. Chính quyền Xô viết ra đời, một không khí hồ hởi, đoàn kết trong các thôn, khích lệ thêm ý chí đấu tranh của quần chúng. Các tệ nạn xã hội như: rượu chè, cờ bạc, trộm cắp và mê tín dị đoạn lần lượt bị xoá bỏ. Đồng thời, chi bộ đã vận động, tổ chức cho nhân dân cải cách một số tập tục cũ cho phù hợp.

Từ giữa năm 1931, thực dân Pháp và tay sai tập trung đàn áp phong trào cách mạng tại Tràng Cát rất khốc liệt. Đến tháng 7/1931, đồng chí Hoàng Vận bị địch bắt và giam tại Nhà lao Vinh. Ngày 16/1/1932, Toà án Nam triều tỉnh Nghệ An đã ban hành Bản án số 39, kết án Hoàng Vận 9 năm tù khổ sai và 5 năm quản thúc.

Tại Nhà lao Vinh, bất chấp những thủ đoạn tra tấn man rợ và mua chuộc của kẻ thù, đồng chí tiếp tục tham gia tổ chức các cuộc họp chính trị, ra tờ báo “Báo của nhà tù” để cổ vũ các bạn tù giữ vững chí khí, tinh thần của người cách mạng(7). Vì lẽ đó, ngày 1/7/1932, Viện Cơ mật ban hành Quyết định số 816 và ngày 20/7/1932, Khâm sứ Trung Kỳ đã có ý kiến tăng mức án của Hoàng Vận thêm 2 năm và đày đi Buôn Ma Thuột. Đến năm 1934, đồng chí được giảm án 2 năm tù. Ngày 23/7/1936, đồng chí Hoàng Vận được trả tự do về làng nhân dịp 160 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Pháp.

Trong những tháng năm tù đày, những đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù cũng không thể khuất phục được tinh thần cách mạng, trái tim yêu nước cháy bỏng của đồng chí Hoàng Vận. Trở về địa phương, đồng chí tiếp tục bắt liên lạc với các đảng viên trong xã và cấp trên nhằm khôi phục lại chi bộ đảng. Đầu tháng 11/1937, đồng chí Nguyễn Hà Sâm, Huyện ủy viên huyện Nam Đàn được cử về xã Tràng Cát để tổ chức Hội nghị khôi phục lại chi bộ đảng. Hội nghị tổ chức tại nhà ông Hoàng Thi, thuộc xóm Đồng, thôn Phú Nhuận, với sự tham dự của 4 đồng chí, gồm: Nguyễn Hà Sâm, Hoàng Vận, Hoàng Chín và Nguyễn Chấp Trung(8). Hội nghị bàn hai nội dung chính:

Một là, cử đồng chí Hoàng Vận làm Bí thư Chi bộ.

Hai là, tổ chức phát triển phong trào quần chúng, phát triển đảng viên và bàn một số công tác mà chi bộ cần tập trung lãnh đạo như: Tổ chức khôi phục, phát triển các hội trong quần chúng, hội hiếu, hội lợp nhà, hình thức thăm hỏi khi có hiếu, hỷ; đưa cán bộ, đảng viên vào làm nòng cốt và ra sức vận động, tập hợp những người có cảm tình với cách mạng.

Sự kiện này đánh dấu bước phục hồi về tổ chức của Đảng tại Tràng Cát, cả 7 thôn trong xã cũng khôi phục được tổ chức đảng trong thôn của mình. Đây là tiền đề để chi bộ, đứng đầu là đồng chí Bí thư lãnh đạo phong trào dân chủ tại địa phương đạt những kết quả to lớn. Tiêu biểu là phong trào tiếp đón J.Goda, chống dự án tăng thuế 1938,...

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An về việc đón tiếp phái đoàn điều tra thuộc địa Đông Dương do J.Goda đến Nghệ An, từ đầu năm 1937, cán bộ, đảng viên Nam Đàn tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân lấy chữ ký dân nguyện, những người không biết chữ thì điểm chỉ. Ngày 22/2/1937, Tỉnh uỷ Nghệ An ra thông báo về việc vận động nhân dân Nam Đàn xuống Vinh đón tiếp phái đoàn điều tra thuộc địa Đông Dương và đưa yêu sách. Ở xã Tràng Cát, đồng chí Hoàng Vận cùng một số đảng viên khác đã vận động được hàng trăm người trong xã và vùng lân cận ký vào lá đơn yêu sách dân nguyện để gửi cho phái đoàn J.Goda khi vào Vinh. Các đồng chí Hoàng Vận, Hoàng Chín, Hoàng Duy cùng với trên 10 đại biểu đại diện cho dân các thôn trong xã đã đi xuống tận Vinh dự buổi đón tiếp đoàn J.Goda. Các bản dân nguyện cùng hàng trăm chữ ký, điểm chỉ của nhân dân Tràng Cát đã được trao lại cho đại biểu của tỉnh để trao cho J.Goda và phái đoàn điều tra thuộc địa Đông Dương của Pháp.

Năm 1938, thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ về “Chống dự án tăng thuế”, Huyện ủy Nam Đàn triệu tập cuộc họp tất cả các Bí thư chi bộ trên địa bàn huyện tại thôn Yên Lão (Kim Liên). Tại Hội nghị này, Huyện ủy đã lập ra các ban chuyên môn để giúp Huyện ủy chỉ đạo công tác huấn luyện đảng viên, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia “Chống dự án tăng thuế” và phong trào cách mạng trong những năm tới. Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ Tràng Cát đã nỗ lực, cố gắng để truyền đạt chủ trương của Xứ ủy, Tỉnh ủy và Huyện ủy tới từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp theo, đồng chí Hoàng Vận đã triệu tập Hội nghị chi bộ để triển khai hai nội dung cần hành động. Một là: Tổ chức cuộc mít tinh quần chúng phản đối dự án này; hai là: Hội họp, lấy chữ ký vào đơn gửi lên tòa Khâm sứ và Viện Dân biểu Trung Kỳ để phản đối dự án tăng thuế. Nhân dân Tràng Cát đã hòa chung phong trào đấu tranh sôi nổi của nhân dân huyện Nam Đàn và của Nghệ An, buộc Chính phủ tay sai phải bãi bỏ Dự án tăng thuế năm 1938.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng phải tận dụng các khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để tổ chức tập hợp quần chúng, đi đôi với việc sử dụng báo chí công khai làm phương tiện tuyên truyền, giáo dục quần chúng, trong những năm 1937 - 1939, một số thôn trong xã phát triển các lớp học ban đêm chống nạn mù chữ. Các tổ chức Đoàn Thanh niên Dân chủ, Hội Phụ nữ Giải phóng ra đời. Các hội ái hữu tương tế như đưa ma, đám cưới, lợp nhà, chơi họ,... được thành lập khá rộng rãi. Qua đó, chi bộ tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng đến nhân dân,... Các hoạt động trên đem lại quyền lợi thiết thực hằng ngày cho quần chúng nên ngày càng ăn sâu, lan rộng trong các tầng lớp nhân dân và trở thành phong trào mang tính quần chúng rộng rãi. Nhân dịp đón Xuân Nhâm Dần, vào tháng 2/1939, đồng chí Hoàng Vận đã tiến hành các hoạt động đòi mở lễ hội thờ Đức Thánh Mẫu ở làng Xuân Hòa, qua đó để tổ chức tuyên truyền chủ trương của chi bộ Đảng. Sự kiện này đã lọt vào sự theo dõi của mật thám Pháp, chúng cho đây là tổ chức “hoạt động chính trị trá hình”.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, do chính sách khủng bố trắng của địch, đến khoảng tháng 4/1941, Chi bộ Tràng Cát chỉ còn đồng chí Bí thư Hoàng Vận cùng 5 đảng viên và phải rút vào hoạt động bí mật. Tại địa phương, trong con mắt của đế quốc và tay sai, đồng chí Hoàng Vận là “cựu tù chính trị nguy hiểm” nên chúng quản thúc và theo dõi hết sức gắt gao. Mặc dù bị kẻ thù kìm kẹp, quản thúc, song đồng chí Hoàng Vận vẫn tìm mọi phương thức hoạt động để củng cố tổ chức đảng, duy trì, nhen nhóm ngọn lửa cách mạng trong quần chúng nhân dân. Báo cáo của Tri huyện Nam Đàn gửi thực dân Pháp, vào năm 1943 đồng chí Hoàng Vận “tiếp tục đấu tranh đòi nới lỏng kiểm soát các tù chính trị cũ”(9).

Do ảnh hưởng từ những đòn tra tấn của địch trong quãng thời gian tù đày cùng với nỗ lực hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ dưới sự theo dõi, kìm kẹp vô cùng gắt gao của kẻ thù, sức khỏe đồng chí Hoàng Vận ngày càng giảm sút và đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà vào năm 1943. Với những cống hiến to lớn của bản thân, đồng chí Hoàng Vận đã được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng “Tổ quốc ghi công” vì “đã hy sinh trong khi đấu tranh với địch” vào năm 1972; và “đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc” vào năm 2005.

Trải qua 47 tuổi đời, 13 năm tuổi Đảng, đồng chí Hoàng Vận đã có công lao to lớn đối với quá trình ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Tràng Cát. Dưới sự lãnh đạo của BCH Chi bộ, đứng đầu là đồng chí Bí thư Hoàng Vận, phong trào cách mạng 1930 - 1931 đã diễn ra sôi sục, mạnh mẽ dẫn đến sự ra đời của chính quyền Xô viết tại Tràng Cát. Qua các năm tháng bị tù đày, đồng chí là tấm gương tiêu biểu cho khí phách kiên cường của người cộng sản, góp phần thắng lợi của quá trình đấu tranh khôi phục tổ chức Đảng, phong trào cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những năm 1937 - 1943, cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, cũng như quá trình xây dựng lực lượng chuẩn bị giành chính quyền ở Tràng Cát đã hòa chung phong trào cách mạng của cả tỉnh gắn với vai trò của đồng chí Bí thư Hoàng Vận.

Là thế hệ đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Hoàng Vận đã nêu tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng của người cộng sản kiên trung. Thể hiện trước hết là lòng trung thành vô hạn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Là tấm gương của ý chí kiên cường và dũng cảm không chịu khuất phục trước kẻ thù. Ở đồng chí còn thể hiện tinh thần, trách nhiệm, ý chí bền bỉ, quyết tâm cao vì sự nghiệp giải phóng quê hương, vì ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Chú thích:
(1) Nguyễn Gia Hào (1905-1986) người xã Tràng Cát, được đồng chí Lê Xuân Đào giác ngộ cách mạng và kết nạp Đảng tại Hưng Nguyên vào tháng 6/1930 là cán bộ Lão thành cách mạng.
(2) Nguyễn Gia Hào(1966), Hồi ký con đường dẫn đến vinh quang 1928 – 1945, Lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
(3),(4),(5),(6),(8) BCH Đảng bộ xã Nam Cát (2023), Lịch sử Đảng bộ xã Nam Cát (1930 – 2020), Nxb Nghệ An, tr. 29; 30;31; 34; 48
(7),(9) Tóm tắt lý lịch của người hoạt động cách mạng (tài liệu thu được của mật thám Pháp). Bản dịch ngày 22/11/2002, Lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

TS. Nguyễn Văn Trung