Giáo dục

Hạn chế xét tuyển đại học sớm: Quyền lợi thí sinh bị ảnh hưởng?

Mỹ Hà 12/12/2024 14:49

Trong những năm gần đây, việc xét và trúng tuyển sớm vào đại học đã không còn là "chuyện lạ" đối với nhiều thí sinh lớp 12. Chính vì thế dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo với việc “siết” chỉ còn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm đang nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh.

Nhiều thí sinh chọn phương án xét tuyển sớm

Phan Phú Cường - học sinh lớp 12A1 - Trường THPT Nam Đàn 1 (Nam Đàn) đang nuôi ước mơ vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện, ngoài học thêm ở trường, Cường đang đăng ký một khóa ôn luyện trên mạng để tham gia kỳ thi đánh giá tư duy với hy vọng được xét tuyển sớm.

Với cùng một lúc ôn thi rất nhiều môn, thí sinh này cho biết, em chịu rất nhiều áp lực: Em đã tính toán đến phương án xét điểm thi tốt nghiệp nhưng điều này rất khó, bởi ngành học của em năm trước lấy 27,49 điểm, hơn 9 điểm/1 môn. Phương án khả thi và trúng tuyển sớm nhất hiện nay của em là kỳ thi đánh giá tư duy. Tuy nhiên, nếu bộ giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ khiến học sinh tăng phần lo lắng.

Giờ học của thầy và trò Trường THPT Nam Đàn 1. Ảnh - Mỹ Hà
Giờ học của thầy và trò Trường THPT Nam Đàn 1. Ảnh: Mỹ Hà

Cùng lớp 12 A1 với Cường, học sinh Nguyễn Thảo Vy cũng đã chuẩn bị khá nhiều phương án để xét tuyển vào đại học. Cá nhân em cũng khá tự tin vì liên tục 3 năm THPT em là học sinh giỏi, đã có chứng chỉ IELTS 7.0.

Nữ sinh này cũng đang dành thời gian để tập trung cho kỳ thi đánh giá năng lực. Với mong muốn được xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trước đây, Thảo Vy tin rằng, em sẽ sớm có một suất tuyển thẳng vì ngôi trường của em các năm trước đều dành 70% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm. Tuy nhiên, hiện nay khi nhận được thông tin Bộ sẽ “siết” chỉ tiêu chỉ còn 20% khiến Thảo Vy rất lo lắng

Hiện nay, chúng em không chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn rất nhiều kỳ thi khác nếu muốn có nhiều cơ hội vào đại học. Vì thế, nếu tập trung quá nhiều vào kỳ thi, em nghĩ việc học của mình sẽ bị ảnh hưởng.

Theo em, Bộ không nên áp đặt chỉ tiêu cho các trường đại học mà cần mở rộng đối với các phương thức xét tuyển khác nhau, miễn là đảm bảo được chất lượng thí sinh.

Học sinh Nguyễn Thảo Vy - Trường THPT Nam Đàn 1

Học sinh lớp 12 - Trường THPT Nam Đàn 1. Ảnh - Mỹ Hà
Học sinh lớp 12 - Trường THPT Nam Đàn 1. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương), Nguyễn Văn Toại, học sinh lớp 12 là một trong những thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy sớm nhất của trường bởi em đã tham dự kỳ thi từ năm lớp 11. Dù điểm số chưa cao nhưng Toại cho biết, em đặt mục tiêu rất lớn vào kỳ thi này, bởi đó là con đường ngắn nhất để em có thể vào được các trường đại học tốp đầu. Năm học này, Toại cũng vừa đạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh lớp 12 môn Toán nên em cũng hy vọng mình sẽ được xét tuyển thẳng theo diện tài năng.

Em thấy khá hụt hẫng khi Bộ đưa ra dự thảo chỉ dành 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm.

Điều này sẽ khiến cho những học sinh trường huyện như chúng em khó khăn hơn, bởi thường các trường khi xét theo diện tài năng sẽ ưu tiên nhiều hơn cho những học sinh ở các trường chuyên.

Học sinh Nguyễn Văn Toại - Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách

Đảm bảo quyền lợi của thí sinh

Phương án xét tuyển sớm đã bắt đầu được thực hiện tại nhiều trường đại học trong khoảng 6 - 7 năm trở lại đây. Theo đó, thay vì chỉ xét tuyển theo phương thức truyền thống là điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng đối với đối tượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì các trường có thêm nhiều phương thức xét tuyển khác, phổ biến nhất trong các năm qua đó là xét tuyển theo chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, các chứng chỉ quốc tế như ACT/SAT.

Gần đây, việc rất nhiều trường đại học tổ chức các kỳ thi riêng như kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy càng khiến cho nhiều thí sinh quyết định chọn các phương thức này thay cho chỉ một phương thức là điểm thi tốt nghiệp như trước kia. Một bộ phận khác, thường xét tuyển bằng điểm học bạ (thường là điểm lớp 10, 11 và điểm học kỳ 1 của lớp 12).

Năm học này lớp chúng tôi có gần 20 học sinh giỏi tỉnh nhưng các em không lựa chọn phương án xét điểm tốt nghiệp. Thay vào đó, 100% học sinh của lớp chọn thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực hoặc xét theo chứng chỉ ngoại ngữ.

Điều này cũng là lẽ bình thường vì những năm qua chỉ tiêu của các trường với phương án xét điểm tốt nghiệp rất ít và điểm trúng tuyển thường rất cao. Học sinh chọn các phương án khác sẽ giúp các em tăng cơ hội trúng tuyển.

Thầy giáo Đinh Anh Tuấn - chủ nhiệm lớp 12A1 - Trường THPT Nam Đàn 1

dscf2915.jpg
Giờ học của học sinh Trường THPT Thanh Chương 1. Ảnh: Mỹ Hà

Từ thực tế này, việc Bộ lấy ý kiến dự thảo chỉ dành 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm cũng để lại những băn khoăn, nhất là những trường tốp dưới. Nhiều quan điểm cho rằng, khi các trường đại học đã được giao tự chủ thì phải cho nhà trường chủ động trong quá trình xét tuyển.

Liên quan đến nội dung này, mới đây trả lời các cơ quan truyền thông, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm rõ hơn khái niệm “xét tuyển sớm”. Theo bà Thủy, cần có sự phân biệt giữa khái niệm “xét tuyển sớm” và “phương thức tuyển sinh”.

Việc xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào và các thí sinh vẫn có thể được sử dụng tất cả các phương thức xét tuyển mà các thí sinh đã chuẩn bị bao gồm xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…

Xung quanh vấn đề xét tuyển sớm hiện đang có những băn khoăn, lo lắng, nhất là khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang đến rất gần. Trả lời tại cuộc họp báo mới nhất của Chính phủ vào ngày 7/12/2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tiếp tục thông tin về vấn đề này và cho rằng, việc xét tuyển sớm có thể dẫn đến cuộc chạy đua giữa các nhà trường và làm tăng hồ sơ ảo, thiếu sự công bằng. Vì thế Bộ đã có những giải pháp để việc hạn chế xét tuyển sớm không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.

Chúng ta rút lại để tất cả các thí sinh tập trung vào đợt xét tuyển chung, đảm bảo công bằng, chất lượng, hiệu quả và thuận lợi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu về điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá tư duy và đánh giá năng lực lên hệ thống. Khi đó, các trường đại học chỉ cần xét tuyển và học sinh yên tâm học xong lớp 12, yên tâm ngồi lựa chọn.

Việc thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp học sinh không phải nạp hồ sơ qua đường giấy, không phải đến từng trường để nạp hồ sơ mà chỉ cần lựa chọn đúng ngành, đúng nghề phù hợp với bản thân một cách thuận lợi

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn

dscf2948.jpg
Học sinh Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương). Ảnh: Mỹ Hà

Về phương án xét tuyển sớm, qua thống kê, hiện nay tỷ lệ xét tuyển sớm chiếm đến hơn 40% của các trường đại học. Tuy nhiên, tỷ lệ xét tuyển bằng các kỳ thi riêng và bằng phương thức xét tuyển thẳng (học sinh tài năng, học sinh có chứng chỉ quốc tế) của các cơ sở đại học chiếm tỷ lệ không nhiều (khoảng 5%), còn lại là bằng hình thức học bạ, kết quả bậc THPT (chiếm khoảng 30%) và các phương thức khác (chiếm khoảng 14%).

Do đó nếu những học sinh có năng lực thực sự, cơ hội để các em trúng tuyển sớm vẫn rất cao.

Mỹ Hà