Nghệ An tăng nguồn vốn huy động làm 'đòn bẩy’ cho tăng trưởng tín dụng
Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng liên tục tăng sẽ là cơ hội cho các tổ chức tín dụng mở rộng cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và thuận lợi trong thực hiện các chính sách tiền tệ.
Nguồn vốn huy động, cho vay tiếp tục tăng trưởng tốt
Với nền kinh tế còn nhiều biến động và các kênh đầu tư khác chưa ổn định, gửi tiết kiệm đang là phương án an toàn được nhiều người lựa chọn, đồng thời hỗ trợ ngân hàng đảm bảo nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày càng tăng.
Theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, đến ngày 31/12/2024, nguồn vốn huy động tại địa bàn (không tính Ngân hàng Phát triển) ước đạt 264.872 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 32.528 tỷ đồng, bằng 14% (mức cùng kỳ năm 2023 là 16,3%).
Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 324.485 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 28.706 tỷ đồng, bằng 9,7% (tốc độ tăng năm 2023 là 8,9%). Nếu không tính Ngân hàng Phát triển, tổng dư nợ ước đạt 316.275 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 30.053 tỷ đồng, bằng 10,5% (tốc độ tăng năm 2023 là 9,9%). Trong đó, dư nợ trung dài hạn ước chiếm 39% tổng dư nợ, dư nợ bằng VNĐ ước chiếm 98,8% tổng dư nợ.
Dư nợ tập trung một số ngành như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 29,9% tổng dư nợ; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 17,9% tổng dư nợ; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15% tổng dư nợ; Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 8,5%; Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 3,9% dư nợ toàn địa bàn.
Tỷ lệ nợ xấu của ngành Ngân hàng Nghệ An luôn được duy trì ở mức thấp (dưới 2%) so với mặt bằng chung của cả nước.
Dư nợ một số chương trình chính sách tín dụng ước đến thời điểm 31/12/2024 là: Cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn toàn địa bàn ước đạt 143.158 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, chiếm 44% dư nợ toàn địa bàn. Cho vay xuất khẩu ước đạt 2.500 tỷ đồng, so với đầu năm giảm 12,6%. Cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt 20.546 tỷ đồng, tăng 1,3% so với đầu năm, chiếm 6,3% dư nợ toàn địa bàn. Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ còn 68 tỷ đồng. Cho vay ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP và Thông tư 25/2015/TT-NHNN đạt 469,9 tỷ đồng với 1.349 khách hàng. Cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ước còn 76 tỷ đồng. Cho vay các dự án lớn của tỉnh (vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên) mà ngân hàng đang tài trợ: Hiện có 49 dự án lớn của tỉnh hiện đang được 15 ngân hàng trên địa bàn cho vay với dư nợ là 12.430 tỷ đồng, tổng số tiền cam kết tài trợ gần 20.000 tỷ đồng; đã giải ngân 18.220 tỷ đồng.
Nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế
Thực thi chính sách tiền tệ, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN để cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, qua đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Cụ thể, triển khai thực hiện tốt các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Tăng cường tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng. Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản (dự kiến quy mô triển khai Chương trình khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng). Đến ngày 31/10/2024, doanh số giải ngân lũy kế của Chương trình trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt 33.015 triệu đồng.
Đối với Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng (đến nay gói này đã tăng lên 145.000 tỷ đồng) cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã công bố danh sách 03 dự án đáp ứng điều kiện pháp lý để được tiếp cận vay vốn theo Nghị quyết 33/NQ-CP.
Các Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tích cực tiếp cận, tiếp nhận đề nghị vay vốn của chủ đầu tư. Tổ chức nhiều buổi làm việc giữa các ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn chưa phát sinh số liệu giải ngân theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Đẩy mạnh triển khai cho vay đối với lĩnh vực xanh, đã có 13 tổ chức tín dụng phát sinh cho vay tín dụng xanh với dư nợ đạt 21.710 tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ toàn địa bàn, trong đó dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 75%.
Duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Mặt bằng lãi suất cho vay được kiểm soát và lãi suất cho vay mới giảm khoảng 3% so với từ đầu năm 2022 đến nay.
Triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó đặc biệt là việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư 02/2023/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024). Lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến
31/10/2024, đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 207 lượt khách hàng, với tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu lại là 2.583,6 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, những tháng cuối năm, các ngân hàng đang tăng tốc huy động vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng, giúp đảm bảo thanh khoản ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm sản xuất và kinh doanh. Nhu cầu vốn mang tính mùa vụ đang tăng cao trong những tháng cuối năm, nhưng với việc các ngân hàng tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi, tăng quy mô gói tín dụng nên doanh nghiệp không còn "khát vốn" như những thời điểm trước.