Những nữ giám đốc biến nông sản Nghệ An thành sản phẩm OCOP giá trị
Từ những nông sản như ngô, khoai, đậu, lạc... 2 nữ giám đốc trẻ ở Nghệ An đã xây dựng thành công các sản phẩm sữa hạt, bột ngũ cốc dinh dưỡng đạt chuẩn OCOP được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Bà mẹ trẻ và thương hiệu Mami farm
Là một bà mẹ trẻ, trong quá trình chăm sóc con nhỏ, chị Trần Thị Thúy Hằng nhận thấy nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng các sản phẩm thiên nhiên, sản phẩm sạch, hữu cơ ngày càng cao. Từ nhu cầu thiết yếu của bản thân, được sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, chị Thúy Hằng đã mày mò, nghiên cứu và biến các loại hạt như đậu đen, xanh lòng, đậu trắng,... thành bột ngũ cốc.
Quá trình phát triển, chị Thúy Hằng thành lập Công ty Mamifarm - chuyên chế biến các sản phẩm bột dinh dưỡng, sữa hạt có lợi cho sức khỏe theo từng đối tượng khách hàng. Sau khi thấy sản phẩm uy tín, có lượng khách đông, vợ chồng chị quyết định mở nhà xưởng sản xuất lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ, nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng các sản phẩm tự nhiên tăng cao, thương hiệu Mami farm cũng được nhiều người biết đến.
Với sự tâm huyết, cách làm bài bản, sự đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ, hiện đại, các sản phẩm sữa hạt dinh dưỡng nhãn hiệu Mamifarm nhanh chóng khẳng định được thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường. Các sản phẩm sữa hạt dinh dưỡng của Mamifarm cũng được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Với trụ sở khang trang, nhà xưởng sạch sẽ, hệ thống máy móc đầy đủ, chị Hằng và 12 cán bộ, công nhân viên công ty hàng ngày nhập đậu, ngô, bầu bí của bà con quanh vùng và sấy, xay, chế biến bột rồi đóng gói sản phẩm bán ra thị trường. Với sự năng động của tuổi trẻ, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia, sản phẩm sữa hạt Mamifarm hiện có nhiều dòng sản phẩm loại dùng phổ biến, loại dùng riêng cho phụ nữ và loại dùng cho bệnh nhân tiểu đường.
Sữa hạt xanh của Mamifarm có hương thơm đặc trưng của các loại đậu, được tinh chế từ 25 loại đậu và hạt cao cấp gồm: Óc chó đỏ, óc chó vàng, hạnh nhân, macca, yến mạch, đậu đen xanh lòng, đậu xanh, đậu ngự, đậu ván, đậu trắng, đậu đỏ Đà Nẵng, đậu huyết, đậu gạo, đậu Hà Lan, hạt chia, hạt điều, bí xanh Ấn Độ, hạt sen, vừng, ngô nếp, nếp cẩm, gạo lứt đỏ…
Sữa được đóng gói nhỏ, tiện dụng mang theo để pha cùng nước sôi ấm, dùng cho bữa phụ hoặc bữa sáng. Đặc biệt, các dòng sữa hạt Mamifarm được chứng minh là tốt cho tiêu hóa, giảm mỡ máu, đảm bảo an toàn thực phẩm... nên càng được thị trường đón nhận.
Đến nay, mỗi năm Mamifarm bao tiêu hàng chục tấn nông sản cho nông dân các huyện như: Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương. Mỗi tháng chị tiêu thụ được khoảng 5.000 hộp sản phẩm, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.
Nói về định hướng trong thời gian tới, chị Hằng cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, biến các nông sản thành các sản phẩm đẳng cấp, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Chị cũng đang trăn trở, xây dựng vùng nguyên liệu sạch theo hướng gieo trồng hữu cơ để chủ động nguồn cho nhà máy. Đặc biệt, Mamifarm đang nghiên cứu, thuê đất trồng đậu và một loại hạt ở huyện Kỳ Sơn, nơi có khí hậu và điều kiện thiên nhiên đặc trưng để sản xuất sản phẩm sạch.
Mầm lúa mỳ đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế
Đối với chị Đặng Thị Tâm - Giám đốc Công ty An An Agri, việc nghiên cứu thị trường và tìm hướng đi riêng biệt cũng đưa tới những thành công. Nhận thấy giá trị cao của mầm lúa mỳ, một loại mầm của hạt nhập khẩu, chị đã quyết tâm sản xuất mầm lúa mỳ ngay tại đồng đất Diễn Châu trên diện tích đất còn bỏ hoang lâu nay.
Chị An cho biết: Điều kỳ diệu trong mầm cây lúa mỳ đó chính là chất diệp lục (chlorophyll). Đây được xem là “máu” xanh bởi có nét tương đồng với Hemoglobin của tế bào hồng cầu. Chất diệp lục chính là dạng cô đặc năng lượng mặt trời, tiếp thêm cho cơ thể con người khả năng chiến đấu và đẩy lùi bệnh tật. Chất này bảo vệ con người khỏi tia X, bức xạ điện tử, giải độc cơ thể.
Với khát vọng chinh phục thị trường nước ngoài, được sự hỗ trợ của chuyên gia đến từ Nhật Bản, chị quyết tâm cải tạo đất theo quy trình sinh học, xử lý triệt để mầm bệnh bằng con đường sinh học và sau đó gieo trồng hạt lúa mỳ để gặt mầm khi đến độ nhất định.
Sau khi đoạt giải Ba cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" của tỉnh Nghệ An năm 2020, chị được tiếp sức từ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nghệ An khi hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KH&CN là Công ty An An Agri do chị làm Giám đốc. Đồng thời, triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trồng và chế biến một số sản phẩm dinh dưỡng từ mầm cây lúa mỳ trên địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An”.
Chị Tâm cho biết, trước đó, chị đã trồng bắp cải sạch, cà chua, cải xoăn, các sản phẩm sạch theo đơn hàng của một số đối tác nước ngoài để chế biến sản phẩm cho trẻ em và được một số chuyên gia chú ý tư vấn hỗ trợ sản xuất. Chị thậm chí nhận được đơn hàng bột rau 22 tấn/tháng đi Nhật Bản nhưng không đủ sức thực hiện. Quyết tâm thực hiện từ mô hình nhỏ, chị An đã cùng các cộng sự nghiên cứu sâu về kỹ thuật trồng và chế biến mầm lúa mỳ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Từ mô hình khởi nghiệp “0 đồng”, chị Đặng Thị Tâm đã thành công khi khai thác tiềm năng, thế mạnh đất đai của quê hương để làm giàu trên chính quê hương. Chỉ trong thời gian ngắn, các sản phẩm từ lúa mỳ của Công ty An An Agri Diễn Châu cũng được gắn nhãn OCOP, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Để đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Nhật, Mỹ, chị An cùng các đồng nghiệp phải chăm chút tất cả các khâu sản xuất như xử lý đất sạch mầm bệnh, không sử dụng phân bón hóa học, lựa chọn hạt giống đạt chuẩn, chăm sóc hoàn toàn bằng hữu cơ, kiểm soát các chỉ số hữu cơ trong đất; tăng cường khả năng thoát nước, thoát khí, xử lý côn trùng gây hại...
Nhờ sự kiên trì, tỉ mỉ và được sự hướng dẫn của các chuyên gia, Công ty An An Agri đã đạt được chứng nhận hữu cơ USDA - chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt nhất do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp. Khi nhận được chứng nhận hữu cơ, chị đã bật khóc vì xúc động, không thể tin mình đã làm được việc có ý nghĩa cho quê nhà. Từ đây, sản phẩm của chị đã vào được các thị trường khó tính nhất.
Chị Thúy Hằng, chị Tâm là 2 trong số rất nhiều phụ nữ trẻ khác ở Nghệ An đã khởi nghiệp thành công từ tiềm năng, thế mạnh địa phương; biến các nông, lâm sản đặc hữu của địa phương trở thành các sản phẩm OCOP chất lượng, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Con đường khởi nghiệp của họ đã chứng minh rằng, nông sản Nghệ An hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu mạnh nếu có cách làm đúng đắn, phù hợp.