Kinh tế

Nghệ An chuẩn bị hơn 10.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết Ất Tỵ 2025

Thu Huyền 17/12/2024 14:21

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành Công Thương và doanh nghiệp đang tích cực dự trữ lượng hàng hóa, dồi dào, giá cả bình ổn.

Hơn 10.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng

Hiện nay, các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đang triển khai đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025.

Trước đó, các đơn vị đã chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa hợp lý và kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu dịp cuối năm.

iện nhiều doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng phục vụ thị trường Tết. Ảnh- Thu Huyền
Hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Thu Huyền

Các đơn vị phân phối như Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Nghệ An, Công ty TNHH TM Nam Long, hệ thống các siêu thị: Go! Vinh, MM Mega Market, Winmart,... các cửa hàng tiện ích như Winmart+, Bibigreen,... và trung tâm thương mại, các nhà phân phối hàng hóa, các chợ và các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết với tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trong đó: Công ty cổ phần Thương mại Nam Long chuẩn bị nguồn hàng dầu ăn phục vụ Tết có tổng giá trị khoảng 69 tỷ đồng; Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh chuẩn bị nguồn hàng gạo tẻ các loại phục vụ Tết khoảng 3,2 tỷ đồng; Siêu thị Go! Vinh chuẩn bị hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị hơn 118,4 tỷ đồng; Trung tâm MM Mega Market chủ động hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị khoảng 13 tỷ đồng; Siêu thị Mường Thanh Phủ Diễn gần 2,6 tỷ đồng; Siêu thị Winmart Bến Thủy gần 07 tỷ đồng; Siêu thị Lotte hơn 35,2 tỷ đồng; Siêu thị The City Đô Lương gần 16 tỷ đồng. Ngoài ra, các hệ thống siêu thị, chợ và chuỗi cửa hàng tiện lợi khác khoảng 4.000 tỷ đồng.

Thị trường hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Thu Huyền
Thị trường hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Thu Huyền

Theo bà Dương Thị Lệ Mỹ - quản lý siêu thị Go! Vinh (Nghệ An), dự báo tình hình thị trường năm nay vẫn chững hơn so với năm trước. Với siêu thị Go! Vinh dự kiến tăng trưởng khoảng 15%. Siêu thị cũng đã tiến hành trữ hàng hoá để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu cũng như sức mua cho người dân, đặc biệt là trữ hàng hoá thiết yếu, nhu yếu phẩm, trong đó gạo, thực phẩm, rau quả, bánh kẹo, rượu, bia... sẽ được dự trữ cao hơn so với các hàng hoá khác. Tổng mức dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ mua sắm của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới của Go! Vinh khoảng hơn 118 tỷ đồng.

Các thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu có kế hoạch dự trữ khoảng 297.000m3 (khoảng 5.800 tỷ đồng), trong đó các thương nhân đầu mối, phân phối như Công ty Xăng dầu Nghệ An có kế hoạch dự trữ khoảng 208.500m3, Công ty CP Kinh doanh tổng hợp Đô Lương 3.150m3, Công ty CP Hàng Hải Phúc An khoảng 3.230m3, Công ty TNHH Lưu Nga 2.305m3 và các thương nhân đầu mối, phân phối khác khoảng 80.000m3.

Một số doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh mở rộng hệ thống phân phối, thực hiện cũng đã thực hiện đăng ký phối hợp với các đơn vị bán lẻ mở các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ Tết nguyên đán, như: Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH TM Nam Long với các điểm bán tại các huyện Diễn Châu, Đô Lương, Thái Hòa và các huyện miền núi...

Hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh dịp Tết chủ yếu ở các kênh cơ bản: kênh bán hàng truyền thống, gồm 27 trung tâm thương mại; 79 siêu thị, 371 chợ dân sinh, hơn 600 cửa hàng tiện lợi, hơn 3.000 cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã; 17 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Cùng với đó là các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện (qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…) của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.

Hội viên nông dân HTX Dược liệu Phủ Quỳ quảng bá sản phẩm qua nền tảng số. Ảnh: TP
Dịp cuối năm, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP cũng đẩy mạnh sản xuất, cung ứng hàng hóa ra thị trường. Ảnh: TP

Dự kiến vào thời gian sát Tết, người dân tại các địa phương tăng nhu cầu mua sắm Tết tại các chợ, các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn. Hầu hết các cửa hàng quần áo, giày dép, thực phẩm, đồ gia dụng… đều chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ phục vụ nhu cầu của người dân, cung cầu hàng hóa tăng so với những ngày trước Tết nhưng mức tăng phù hợp với quy luật của thị trường, chưa có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, khan hiếm hàng hóa, sốt giá trên thị trường.

Giải pháp để ổn định nguồn cung và quản lý giá cả hàng hóa

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành Công Thương Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường. Sở Công Thương cũng đang tích cực đôn đốc các doanh nghiệp tích cực triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước, Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 26/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.

Chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa; Chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng khả năng tiếp cận cho các đối tượng người dân có thu nhập trung bình và thấp, người dân các vùng nông thôn, miền núi và các vùng bị thiệt hại do thiên tai.

Đoàn liên ngành kiểm tra thị trường mứt, kẹo tại chợ Vinh. Ảnh: T.H
Cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra thị trường dịp cuối năm. Ảnh: Thu Huyền

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh dự trữ đầy đủ, chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường và cam kết đảm bảo đủ cung ứng xăng dầu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025, bán hàng đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian đăng ký góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.

Cơ quan chức năng, các địa phương sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng kiểm tra về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, kiểm tra chất lượng, đo lường, giá bán xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết: Nhìn chung, thị trường tiêu dùng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm hiện chưa có biến động nhiều, tương đối ổn định. Các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu triển khai đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2025, chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa hợp lý và kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu dịp cuối năm.

Thu Huyền