Xã hội

Bộ sưu tập kỷ vật của người lính đặc công xứ Nghệ

Công Kiên 18/12/2024 08:56

“Đời lính gắn với những gian khổ và hiểm nguy nhưng cũng rất đỗi vẻ vang và oanh liệt, suốt quãng đời trai trẻ dành trọn cho việc cầm súng nên tôi luôn nâng niu, trân trọng những kỷ vật đời lính” – đó là lời tâm sự của cựu chiến binh Nguyễn Công Anh khi kể về những kỷ vật chiến trường.

Mỗi kỷ vật là một phần đời lính

Người thân của cựu chiến binh Nguyễn Công Anh (SN 1954) ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn) vẫn còn nhớ như in ngày ông xuất ngũ trở về, trên lưng là chiếc ba lô nặng trĩu. Chiếc ba lô được mở ra, ai cũng bất ngờ vì trong đó nào võng vải, màn tuyn, nào cặp lồng, bi đông và chiếc ống thở, toàn là những vật dụng gắn với cuộc sống hàng ngày của người lính đặc công nước.

bna_1(1).jpg
Ông Nguyễn Công Anh bên những kỷ vật đời lính. Ảnh: Công Kiên

Những đồ vật ấy được ông lưu giữ cẩn thận suốt mấy chục năm qua, trở thành kỷ vật quý giá, được chủ nhân nâng niu, trân trọng, trở thành “bảo tàng ký ức” về đời lính từng kinh qua trận mạc. Ông dành riêng một chiếc tủ để cất giữ những kỷ vật chiến trường, chỉ mở ra khi có đồng đội đến thăm, con cháu tụ họp hoặc lúc nhớ về những năm tháng quân ngũ.

Ông Nguyễn Công Anh nhập ngũ đầu năm 1974, thuộc quân số Sư đoàn 305 (Bộ Tư lệnh đặc công), được huấn luyện cách đánh luồn sâu, tiềm nhập vào các mục tiêu chính là cảng, tàu thuyền và đồn bốt của địch. Vào chiến trường, ông được điều về Lữ đoàn 316, hoạt động ở vùng Đông Nam Bộ, nhất là khu vực tiếp giáp với Sài Gòn.

Đơn vị đặc công của Nguyễn Công Anh được tung vào chiến trường với mục tiêu cọ xát để từng bước tiến tới trận quyết chiến ở Sài Gòn – Gia Định. Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), đơn vị của ông tiếp tục hành quân sang Campuchia chiến đấu chống lại lực lượng Khơ me đỏ, giúp đỡ nhân dân thoát khỏi họa diệt chủng của Pôn Pốt.

bna_2(3).jpg
Ông Nguyễn Công Anh xem lại bức thu viết từ hồi ở chiến trường Campuchia. Ảnh: Công Kiên

Với ông Nguyễn Công Anh, mỗi kỷ vật gắn bó với một phần của đời lính, là kỷ niệm theo suốt cuộc đời. Chiếc ba lô gắn liền với những cuộc hành quân, chiến đấu, gần như là vật bất ly thân của người lính giữa chiến trường.

Võng vải, màn tuyn gắn với những cuộc hành quân qua những cánh rừng và giấc ngủ chập chờn bởi tiếng súng nổ xa xa. Còn cặp lồng, bi đông gắn với những bữa ăn hàng ngày, cả nơi doanh trại lẫn chiến hào khói lửa.

Đặc biệt, chiếc ống thở bằng nhựa là dụng cụ thiết thân của người lính đặc công nước, được dùng mỗi khi lặn xuống sông, bí mật tiếp cận tàu, thuyền, bến cảng hay kho bãi của địch.

“Đến nay, tôi vẫn xem những kỷ vật ấy như những người bạn thân thiết và không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Mấy tháng trước có người tìm đến hỏi mua một vài kỷ vật để trưng bày ở nhà riêng nhưng tôi đã từ chối, bởi đó là kỷ niệm thiêng liêng”, ông Anh nói.

bna_3(3).jpg
Những vật dụng của người lính trận đang được ông Nguyễn Công Anh lưu giữ. Ảnh: Công Kiên

Bộ sưu tập kỷ vật chiến trường của CCB Nguyễn Công Anh còn có tấm vải dù, chiếc la bàn và cuốn album là chiến lợi phẩm khi cùng đơn vị tiến công giải phóng Sài Gòn, tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày Đại thắng mùa Xuân 1975. Trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975, Nguyễn Công Anh có mặt trong đội hình của cánh quân phía Tây Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Lúc ấy, địch đầu hàng, tháo chạy tán loạn và bỏ lại nhiều thứ, ông nhặt tấm vải dù, chiếc la bàn và cuốn album làm kỷ niệm của giờ phút huy hoàng không phải ai cũng dễ dàng có được. Rồi từ đó, những kỷ vật ấy lại theo bước chân người lính trên những chặng đường hành quân và những trận chiến một mất, một còn.

Những bức thư từ chiến trường

Cùng với những vật dụng của người lính và chiến lợi phẩm thu được khi tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Công Anh còn lưu giữ những bức thư được viết trên đường hành quân, giữa 2 trận đánh.

bna_4(1).jpg
Bức thư ông Nguyễn Công Anh viết từ hồi ở chiến trường Campuchia. Ảnh: Công Kiên

Trong một bức thư ông viết ở Công Pông Thơm ngày 22/10/1979 có đoạn: “Cha mẹ ạ! Hôm nay vẫn một trong những ngày gian khổ ở chiến trường Campuchia. Đơn vị con đang tiếp tục làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Pôn Pốt, tình hình căng thẳng, song có người trong đơn vị về nước công tác con tranh thủ ghi mấy dòng về thăm sức khỏe cha mẹ và các em, kẻo trông mong”.

Người lính ấy đã bộc bạch tình cảm của mình, ở đó có sự hòa quyện giữa nghĩa nước và tình nhà: “Nghĩ tới gia đình, cha mẹ và các em nhiều đêm không thể nào ngủ được, cứ trằn trọc trên chiếc võng, nghĩ từng nào nhớ và thương cha mẹ và các em từng đó. Song vì nhiệm vụ cách mạng mà con đành tạm gác tình cảm gia đình riêng tư để công tác”.

bna_5.jpg
Những tấm ảnh đồng đội đang được ông Nguyễn Công Anh lưu giữ. Ảnh: Công Kiên

Với bức thư được viết năm 1980 gửi cho chị gái, khi đơn vị đã chuyển ra đóng quân tại tỉnh Hà Nam Ninh: “Chị ạ! Mấy ngày em về tranh thủ không ngờ em không được gặp mẹ nữa. Tưởng mẹ vẫn đau ốm như những lần trước em về, nghĩ từng nào càng thương nhớ mẹ từng đó. Lớn lên em chưa giúp đỡ được gì trong gia đình, nhất là mẹ trong những ngày đau ốm không một ngày săn sóc. Đến lúc mẹ qua đời cũng không được gặp mẹ lần cuối, rất mong chị tha lỗi và thông cảm cho em. Trong thời gian đó, thư từ em không gửi về được nên gia đình không biết hòm thư để ghi thư báo tin cho em...”.

Hành trang ngày về của CCB Nguyễn Công Anh còn có những tấm ảnh thời lính và đồng đội được lưu giữ trong cuốn album chiến lợi phẩm, các loại giấy tờ vẫn được cất giữ nguyên vẹn.

bna_6(1).jpg
Chiếc la bàn, chiếc ca và cuốn album – những chiến lợi phẩm đang được ông Nguyễn Công Anh lưu giữ. Ảnh: Công Kiên

“Hơn 13 năm quân ngũ, tham gia 2 cuộc chiến tranh vệ quốc, bao lần đối mặt với cái chết và không ít lần chứng kiến cảnh đồng đội ngã xuống nơi chiến hào nên tôi luôn trân trọng những gì thuộc về cuộc đời người lính. Bởi lẽ, chỉ có người lính trực tiếp cầm súng mới hiểu hết sự khốc liệt của mỗi cuộc chiến và giá trị cuộc sống hòa bình...”, ông Anh tâm sự.

Trong ngôi nhà của mình, ông dành nơi trang trọng nhất để treo tấm “Bảng Gia đình vẻ vang” của gia đình có người tòng quân đánh Mỹ. Những bộ quân phục, những tấm huân, huy chương cũng được người lính năm xưa luôn nâng niu, cất giữ cẩn thận và mặc trong những dịp trang trọng.

Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa đã bước vào tuổi già nên tôi lưu giữ những kỷ vật đời lính để con cháu hiểu hơn về những gian khổ, hy sinh và ý chí dũng cảm, chiến công vẻ vang của cha ông mình trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.

Ông Nguyễn Công Anh

Công Kiên