'Bóng cũ mùa xưa': Chuyến tàu về miền ký ức
Có những miền ký ức nằm im trong ngăn kéo thời gian, tưởng đã phủ bụi mờ nhưng chỉ cần một câu chữ, một hình ảnh nhỏ bé cũng đủ để đánh thức tất cả. “Bóng cũ mùa xưa” của Trịnh Đình Nghi giống như ngọn gió lùa nhẹ qua ký ức ấy, nhặt từng mảnh vỡ thời gian, từng thanh âm xa ngái để ghép lại một bức tranh quê trọn vẹn và đầy ắp tình người.
Đọc cuốn tản văn “Bóng cũ mùa xưa” của nhà văn Trịnh Đình Nghi do Nxb Hội Nhà văn phát hành tháng 12/2024. Tập tản văn là một cuộc trở về sau những cuộc "đi bụi”, không ồn ào mà lặng lẽ, thong dong như bước chân người xưa qua cánh đồng chiều muộn. Đọc “Mùa gặt xưa và nay,” thấy hiện ra bóng mẹ gánh lúa nặng trĩu vai, bóng cha nhễ nhại mồ hôi giữa cái nắng cuối vụ. Những nồi cơm gạo mới, bát canh cua đồng sóng sánh hay với nồi canh “ngó khoai” mộc mạc, dân dã bỗng thành hương vị xa xỉ của một thời đã qua. Để rồi, giữa những trang văn, ta giật mình nhận ra, hạnh phúc đôi khi chỉ là một nồi “cá diếc kho lá phèn đen”, là “mùa cá mòi” thơm lừng mùi riềng, tương, gợi lại bữa cơm nhà đầy ắp tình thân thương dù chẳng mấy dư dả.
Trong “Bóng cũ mùa xưa”, Trịnh Đình Nghi dẫn ta đi qua những mùa hoa gạo cháy rực giữa trời, qua mùa hoa xoan tím rắc đầy kỷ niệm. Những “Tiếng trống làng” giòn giã trong những mùa lễ hội hay trong mùa Trung thu, tiếng trẻ con reo vang trong đêm trăng sáng. Những hình ảnh chân thực về cái Tết Nguyên Đán đầm ấm khi lòng người hoan hỉ, bỏ lại muộn phiền năm cũ, cùng nhau “phóng sinh” để đón một khởi đầu mới tinh khôi. Giữa đêm giao thừa, tắm mình trong thứ nước lá thơm truyền thống, người ta như được gột sạch lớp bụi đời, nhẹ nhàng và thanh thản, để thêm tin vào một năm mới an lành.
Đọc Trịnh Đình Nghi, người ta như được ngồi lại bên mái hiên ngôi nhà cũ, ngắm “hoa cỏ lau” mềm mại phất phơ trước gió, để lòng lắng lại giữa bộn bề cuộc sống. Những dòng chữ nhẹ như khói bếp chiều quê, bay lên từ căn bếp nghèo có cha mẹ tảo tần và bầy em ríu rít bên mâm cơm đơn sơ.
Trong trang viết của ông là cả một không gian quê hiện lên - “làng Miễu xưa và nay”, nơi có những buổi đi chợ quê với “mùa cốm”; “mùa niễng”, nơi bàn tay người mẹ thoăn thoắt làm nên hương vị riêng cho một thời xa vắng. Đọc “Một chữ làng” của nhà thơ Bình Nguyên Trang” rồi "Tự Ngẫm” mới thấy lòng người nặng trĩu ân tình, dẫu đi đâu, làm gì, làng quê vẫn là bến đỗ cuối cùng của yêu thương và ký ức.
“Bóng cũ mùa xưa” không chỉ khắc họa nét văn hóa của một miền quê, mà còn là dòng chảy của tình người, của cái nhìn vừa bao dung, vừa sâu sắc . Văn của Trịnh Đình Nghi nhẹ nhàng, giản dị như một lời tâm tình, nhưng trong đó lại chứa đựng sự nhân văn sâu sắc. Cái chửi, cái cười qua nhiều tác phẩm của ông không hề chua chát, mà lấp lánh một tấm lòng nhân hậu, thương đời, thương người. Như một mâm “cỗ quê” đủ đầy mà chẳng kèn cựa bon chen, một mùa hoa mẫu đơn nở lặng lẽ, trinh nguyên như nỗi lòng của những người còn giữ được chút gì gọi là “bóng cũ” giữa cuộc đời đổi thay chóng mặt.
Trịnh Đình Nghi đã viết bằng cả trái tim của một người từng trải, một kẻ rong chơi không mệt mỏi giữa cõi đời, nhưng đến cuối cùng vẫn chọn quay về quê nhà, nhặt nhạnh từng ký ức rơi rớt để dệt nên một không gian quê thanh bình, thấm đẫm hơi thở của quá khứ.
Tập tản văn này, vì lẽ đó, không chỉ để đọc mà còn để lắng lại, để thương, để nhớ, và để khóc cười với những gì từng thân thuộc.
Đó là chiếc vé tàu đưa ta ngược về miền ký ức, nơi có bóng mẹ, bóng cha, có bờ tre, ruộng lúa, và cả những mùa hoa gạo cháy rực đỏ trong chiều quê. Chạm vào trang sách, như thể chạm vào chính nỗi nhớ của mình, dịu dàng và da diết biết bao nhiêu.