Đề xuất đổi tên Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh Nghệ An thành Hội Kinh tế trang trại, làng nghề và OCOP
Sáng 19/12, Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tham dự đại hội có đại diện Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Nội vụ; Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh; cùng các cơ quan, đơn vị.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh đã có những thành tích đáng ghi nhận. Công tác xây dựng tổ chức hội được chú trọng, đến nay, hội có khoảng 200 hội viên sinh hoạt thường xuyên, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Hội đã tổ chức 8 lớp tập huấn với tổng số 400 hội viên tham gia các nội dung về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng sản phẩm OCOP…; tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Toàn tỉnh hiện nay có 440 trang trại về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, trang trại tổng hợp… với tổng số lao động 1.423 người, mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng; lợi nhuận bình quân mỗi trang trại khoảng 700 triệu đồng/năm… Đối với làng nghề, hiện nay, toàn tỉnh có 189 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú, chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp. Nhiều sản phẩm từ làng nghề đã đạt chứng nhận OCOP từ 4 - 5 sao…
Phát biểu tại đại hội, bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thay mặt lãnh đạo ngành chúc mừng, ghi nhận những kết quả mà hội đã đạt được trong 5 năm qua, góp phần vào thắng lợi chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, nhất là lĩnh vực trang trại và làng nghề.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong hoạt động trang trại, làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn còn các tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục trong nhiệm kỳ tới như: Quy mô kinh tế trang trại hiện nay còn nhỏ, chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, lao động làm việc trong trang trại chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề...
Việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, chưa tạo được thương hiệu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 40 làng nghề ngừng hoạt động (chiếm 21,2%) và có 25 làng nghề hoạt động không hiệu quả (chiếm 13,2% ); trong đó, một số làng có nguy cơ mai một....
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm xây dựng tổ chức hội vững mạnh, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tăng cường tập huấn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, đẩy mạnh công tác an sinh xã hội…
Trên cơ sở thảo luận, Đại hội Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh lần thứ III đã thống nhất tờ trình, đề xuất UBND tỉnh đổi tên Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh thành “Hội Kinh tế trang trại, làng nghề và OCOP tỉnh Nghệ An”.
Đại hội đã tiến hành bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2024 - 2029 gồm 41 thành viên; nhất trí 100% tôn vinh ông Nguyễn Văn Bính (nguyên là người sáng lập Hội và Chủ tịch hội nhiệm kỳ I và nhiệm kỳ II) giữ chức Chủ tịch danh dự của hội.
Dịp này, Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh Nghệ An đã được nhận Bức trướng của UBND tỉnh. Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc cũng được nhận Bằng khen, Giấy khen, Giấy chứng nhận của Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An, Hội Trang trại và Làng nghề tỉnh.