Xã hội

Phật giáo Nghệ An - sáng mãi cùng quê hương - Bài 1

Nhóm phóng viên 20/12/2024 12:42

Với tinh thần “hộ quốc an dân”, đạo pháp đồng hành cùng dân tộc, trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo Nghệ An đã có nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho quê hương, đất nước. Truyền thống “phụng đạo yêu nước, dấn thân hành đạo” đã và đang được các tăng ni, phật tử đoàn kết cùng với các tín ngưỡng, tôn giáo khác, lan tỏa các giá trị tốt đẹp, nhân văn, vì bình an, hạnh phúc của nhân dân và sự phồn vinh của quê hương xứ Nghệ...

Emagazine_Baonghean.vn (3)
Emagazine_Baonghean.vn (3)

Bài 1:
Sáng đạo trong đời

Những năm qua, Phật giáo Nghệ An có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Các tăng, ni, trụ trì các chùa đã tích cực thực hiện công tác hoằng dương chánh pháp, chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước, Hiến chương Giáo hội Phật giáo; phật tử tích cực thực hiện hoạt động Phật sự “ích đạo lợi đời bằng những việc làm, hành động cụ thể.

Mạch nguồn chảy mãi

Cũng như bao người dân trên đất nước Việt Nam, đối với nhiều người dân xứ Nghệ đi chùa đã trở thành nét văn hóa truyền thống được hình thành từ rất lâu. Mái chùa, tháp chuông, tiếng kinh, tiếng kệ là những thứ gần gũi, gắn bó không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân.

cu-nguyen-thi-huong-80-tuoi-thu-hai-trai-sang-tru-xa-nghi-phong-huyen-nghi-loc-va-cac-phat-tu-trao-doi-voi-dai-duc-thich-dong-tue-tru-tri-chua-da.-anhkl.jpg
Cụ Nguyễn Thị Hương, 80 tuổi (thứ hai trái sang), trú xã Nghi Phong và các phật tử trao đổi với Đại đức Thích Đồng Tuệ - Trụ trì chùa Da, xã Hưng Lộc, TP. Vinh. Ảnh: KL

Có người đến chùa để hòa mình vào chốn tâm linh, tìm sự tĩnh tâm trong không gian thanh tịnh, xua tan bao vất vả, lo toan trong cuộc mưu sinh, có người đến chùa để vãn cảnh, cũng có người tự nguyện quy y tam bảo, một lòng hướng Phật, tham gia cầu phúc, cầu an cho gia đình, quê hương, đất nước.

Đề cập đến nhân duyên trở thành phật tử, cụ Nguyễn Thị Hương (80 tuổi), cán bộ hưu trí, trú ở xóm 4, xã Nghi Phong, TP. Vinh chia sẻ: Từ nhỏ, thỉnh thoảng tôi vẫn theo ông bà, cha mẹ đi lễ chùa. Mỗi lần đến chùa đều cho tôi cảm giác bình an, dễ chịu, nay tuổi đã cao, con cái đã trưởng thành, tôi thường theo đạo tràng đến tu tập ở chùa Da (còn gọi là chùa Âu Lạc) vào mỗi buổi sáng. Không gian chùa chiền với tiếng chuông khoan thai, khói hương tỏa bay luôn mang đến cho con người một cảm giác an lạc, tĩnh tâm, thư thái để hướng về nguồn cội, về những điều chân, thiện, mỹ trong cuộc sống.

dau-tich-mong-thap-nhan-o-hong-long-nam-dan.-anh-tu-lieu-thanh-duy.jpg
Dấu tích móng Tháp Nhạn ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Phật giáo Nghệ An có truyền thống lịch sử lâu đời. Dấu tích đặc biệt nhất cho sự phát triển của Phật giáo ở vùng đất Nghệ An thời bắc thuộc là chùa Nhạn Sơn, Tháp Nhạn (được xây dựng vào năm 623 nay thuộc xã Hồng Long, huyện Nam Đàn) và việc thờ xá lợi phật tại đây

PGS.TS Nguyễn Quang Hồng - khoa Lịch sử, Trường Sư phạm (Trường Đại học Vinh)

Đặc biệt, dưới thời Lý, phủ Bạch Ngọc nay là huyện Đô Lương, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã cho xây cất nhiều chùa chiền quy mô bề thế. Với sự kiện năm 1299, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông về núi Yên Tử xuất gia đầu Phật, sáng lập và lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Thiền phái Phật giáo Việt Nam độc lập do Hoàng đế Việt Nam thành lập với tư tưởng “Hòa Quang Đồng Trần”, “Cư Trần Lạc Đạo”, tinh thần nhập thế “Hộ Quốc An Dân” trở thành tư tưởng chủ đạo của Phật giáo Việt Nam. Tĩnh Quốc Vương Trần Quốc Khang đã cho xây dựng những ngôi chùa, phủ đệ trong vùng Diễn Yên Quỳnh.

Từ đó, mảnh đất xứ Nghệ trở thành vùng đất Phật, địa danh Đông Thành trở thành trung tâm Phật giáo của cả vùng Hoan Châu xứ Nghệ.

phatgiao (1)
Phật giáo Nghệ An có lịch sử từ lâu đời và vẫn luôn song hành trong sự phát triển của nhân dân. Ảnh: Nhóm PV-CTV

Trải qua nhiều thời đại, nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, cho dù vận nước có lúc thịnh, lúc suy nhưng Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nghệ An nói riêng, luôn thể hiện tinh thần đồng hành cùng dân tộc; trở thành chỗ dựa tâm linh, tinh thần của người dân.

Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhiều chùa chiền trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, tập hợp quần chúng, nhiều cơ sở thờ tự được hạ giải để tập trung cơ sở vật chất ủng hộ phong trào toàn quốc kháng chiến; nhiều tăng, ni, phật tử đã trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng; hiến cúng tài sản đất đai, ruộng vườn, hương hỏa của chùa để tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp chung của đất nước.

le-khai-but-dau-xuan-tai-chua-phuc-lac-nghi-thach-nghi-loc.-anh-tu-lieu-huy-thu.jpeg
Lễ khai bút đầu Xuân tại chùa Phúc Lạc, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Trong lời giới thiệu của cuốn lịch sử phật giáo Nghệ An, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết: Xứ Nghệ là vùng đất địa linh, nhân kiệt và cũng chính là vùng đất đón nhận Phật giáo sớm nhất trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Suốt tiến trình phát triển, với tinh thần từ bi, trí tuệ, hòa hợp, hướng thiện và nhập thế, Phật giáo xứ Nghệ đã luôn đồng hành và đóng góp tích cực cùng với dòng chảy lịch sử của Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam.

chua-dai-tue-xa-nam-anh-nam-dan-san-sang-cho-dai-le-phat-dan-nam-2024.-anh-chua-dai-tue.jpg
Chùa Đại Tuệ xã Nam Anh (Nam Đàn) chuẩn bị cho đại lễ Phật Đản năm 2024. Ảnh: Chùa Đại Tuệ

Đây chính là cội nguồn sâu xa để đông đảo các thế hệ cư dân tiếp nối từ đồng bằng ven biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai đến các huyện miền núi phía Tây kính tín và vận dụng tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha, thuyết nhân quả của đạo Phật để hình thành văn hóa đạo đức, ứng xử trong cuộc sống cho tín đồ phật tử, phát huy truyền thống yêu nước. thương nòi, cố kết nhân tâm xây dựng và phát triển quê hương Nghệ An cũng như đất nước Việt Nam ngày thêm giàu đẹp, văn minh.

Hòa hợp, đoàn kết

Đáp ứng tình cảm, sự nhiệt huyết hướng về Phật giáo của đông đảo người dân, khi có chủ trương của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về phục hồi, phát triển Phật giáo ở Nghệ An cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, năm 2011 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An đã được thành lập.

Mặc dù là tổ chức được ra đời chậm hơn so với cả nước nhưng dưới sự quản lý, điều hành của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Phật giáo Nghệ An đã có bước phát triển vững chắc, mạnh mẽ và toàn diện.

lanh-dao-tinh-trao-tang-buc-truong-cho-ban-tri-su-giao-hoi-phat-giao-tinh-nghe-an-tai-dai-hoi-dai-bieu-phat-giao-tinh-nghe-an-lan-thu-iii-nhiem-ky-2022-2027.-anh-tu-lieu-pham-bang.jpeg
Chùa Đại Tuệ xã Nam Anh (Nam Đàn) chuẩn bị cho đại lễ Phật Đản năm 2024. Ảnh: Chùa Đại Tuệ

Trải qua các kỳ đại hội (2011 - 2017), (2017 - 2022), ( 2022-2027), với tinh thần hòa hợp, đoàn kết, Phật giáo Nghệ An đã đạt được những dấu ấn quan trọng, bộ máy quản lý các cấp giáo hội và các cơ sở tự viện được kiện toàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 150.000 tín đồ phật tử; 75 chùa và 1 niệm Phật đường; trong đó có 49 chùa đã có sư trụ trì ở 14 huyện, thành, thị (Diễn Châu, TP. Vinh, Nghi Lộc, Nam Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Cửa Lò, Đô Lương, Hoàng Mai, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Tân Kỳ); 109 tăng, ni, tu sĩ.

Thời gian qua, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An đã tập trung kêu gọi nguồn lực xã hội hóa thực hiện nhiều dự án phục hồi, trùng hưng tôn tạo, quy hoạch xây dựng mới tại các cơ sở thờ tự có nguồn gốc đạo Phật. Điển hình như xây dựng hoàn thành chùa Đại Tuệ -công trình kỳ vĩ tại non thiêng Đại Huệ, cột mốc văn hóa tâm linh của Quốc gia; Phục hồi trùng hưng quần thể đền - chùa Gám (Chí Linh tự), với kiến trúc cổ kính nơi miền quê lúa Yên Thành; Tôn tạo, xây dựng chùa Cổ Am khang trang bề thế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tu học cho phật tử miền đồng bằng Diễn Châu; quy hoạch xây dựng chùa Lam Sơn ở xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu), chùa Hà ở xã Hùng Tiến (Nam Đàn) bằng gỗ mang dáng dấp văn hóa cổ truyền; Quy hoạch mở rộng, trùng tu Di tích Quốc gia Chùa Cần Linh (còn gọi là chùa Sư Nữ) bên dòng Cồn Mộc thuộc phường Cửa Nam (TP. Vinh); Chùa Phúc Lạc ở xã Nghi Thạch (Nghi Lộc) được hồi sinh trên nền bãi cát trắng, chùa An Thái ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), Di tích lịch sử chùa Song Ngư (đảo Ngư) được trùng tu, tôn tạo...

rong thời gian tới, chùa Song Ngư sẽ được tôn tạo, trở thành điểm nhấn cho du lịch trên đảo Song Ngư. Ảnh tư liêu Tiến Đông
Chùa Song Ngư trở thành điểm nhấn cho du lịch trên đảo Song Ngư. Ảnh:Tiến Đông

Ban Trị sự Phật giáo Nghệ An cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể ở các địa phương tổ chức lễ cầu an, cầu siêu tri ân tại Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào, Nghĩa trang Thái Lão, Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn, hang Hỏa Tiễn, kênh Vách Bắc, Nghĩa trang liệt sĩ tại các địa phương…

Phối hợp Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh, Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh mở các lớp chuyên đề, hội nghị phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Tích cực hưởng ứng, vận động phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể phát động như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa mới, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

hoa-thuong-thich-tho-lac-trinh-bay-dien-van.jpg
Hòa thượng Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An.

Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An: Ban Trị sự luôn động viên tăng, ni, phật tử phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, hoàn thành xuất sắc công tác an sinh xã hội, phúc lợi cộng đồng.

Kể từ Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ nhất (năm 2011), các cơ sở thờ tự, các tăng, ni, phật tử đã phát tâm công đức cứu trợ đồng bào lũ lụt thiên tai, đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, quỹ bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật, chất độc da cam, xây dựng nhà đại đoàn kết và ủng hộ nhiều quỹ khác tại các địa phương trong và ngoài tỉnh… với tổng kinh phí ước đạt gần 216 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng gần 200 nhà đại đoàn kết, 3 cây cầu, 5 trường học, 1.278 giếng khoan, hơn 700.000 suất học bổng; trên 1,3 triệu suất quà từ thiện, trên 2,8 triệu bát cháo; gần 1,1 triệu suất cơm; hiến gần 1000 đơn vị máu…

phatgiao (2)
Tăng ni, phật tử Nghệ An chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong cơn bão số 3. Ảnh: CSCC

Trong năm 2024, khi đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão Zagi, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ phát động, kêu gọi tăng, ni, phật tử ủng hộ khoảng 5 tỷ đồng.

Nhiều chùa tổ chức đi trao quà trực tiếp cho đồng bào bị bão lũ, góp phần chung tay cùng cả nước, đồng hành, sẻ chia với người dân gặp thiên tai hoạn nạn, lan tỏa tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn của nhà Phật.

Hàng ngũ chức sắc, chức việc Phật giáo trong tỉnh cũng tích cực tham gia ứng cử và hàng chục vị được nhân dân tỉnh nhà tín nhiệm bầu tham gia Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Quang cảnh Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ảnh tư liêu Thành Duy
Quang cảnh Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu: Thành Duy
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ban tổ chức và các đại biểu thành kính tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ảnh tư liêu Thành Duy
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu thành kính tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Trong hoạt động, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã định hướng để tăng, ni, phật tử “gạn đục, khơi trong”, phát huy những giá trị truyền thống, giảm thiểu những nghi lễ rườm rà không phù hợp với xã hội hiện đại, xây dựng "chùa cảnh văn hóa", góp phần phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa, nguồn lực Phật giáo như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Nhìn chung, hoạt động Phật giáo tại các địa phương trên toàn tỉnh cơ bản thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và quy định tại địa phương.

khai-but-dau-xuan-tai-chua-dai-tue-nam-anh-nam-dan.-anh-huy-thu.jpg
Khai bút, tặng chữ đầu Xuân tại chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Huy thư

Tín đồ phật tử tham gia tích cực vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương, từ thiện nhân đạo và làm tròn nghĩa vụ công dân.

Nhiều tăng, ni có vai trò quan trọng trong việc vận động quần chúng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn dân cư, góp phần an sinh xã hội, thực hiện đúng phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” mà Giáo hội đề ra, được các cấp chính quyền tại các địa phương ghi nhận. Mối quan hệ giữa các cấp chính quyền với tổ chức, chức sắc, chức việc Phật giáo ngày càng cởi mở, tin tưởng và gắn bó…

Khai bút, tặng chữ đầu Xuân tại chùa Đại Tuệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Huy thư
Ni sư Thích nữ Diệu Nhẫn - Trụ trì chùa Cần Linh (thành phố Vinh) phát lộc thay cho lời chúc may mắn đầu năm mới. Ảnh tư liệu: KL

Ghi nhận những thành tựu của Phật giáo Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 5 cá nhân thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An; 15 cá nhân, 6 tập thể được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 4 tập thể, 7 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng Bằng khen. Ban trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An được Thường trực Tỉnh ủy tặng bức trướng “Đoàn kết, hòa hợp, phụng đạo, yêu nước, đồng hành cùng dân tộc” và được UBND tỉnh tặng bức trướng “Phật giáo Nghệ An -sáng mãi cùng quê hương xứ Nghệ”.

Nhóm phóng viên