Xã hội

Nhiều lao động xuất khẩu hồi hương khó tìm việc làm

Minh Quân 22/12/2024 16:21

Dù xuất khẩu lao động được coi là biện pháp hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nhưng cũng có một thực tế là nhiều lao động Nghệ An sau khi hết hạn hợp đồng về nước khó tìm kiếm việc làm phù hợp.

Từ đồng vốn và tay nghề tích lũy

Ở xóm 8, xã Nghi Đồng (Nghi Lộc), sau 6 năm làm công nhân ngành Điện máy tại Đài Loan, anh Hồ Sỹ Việt (SN 1989) trở về địa phương vào cuối năm 2016. Nhờ cần cù, chăm chỉ và tuân thủ kỷ luật lao động, trong thời gian làm việc ở nước ngoài, anh có mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung của lao động Việt Nam tại Đài Loan. Với số tiền hơn 500 triệu đồng tích lũy được, sau khi về nước, anh Việt đã sửa nhà cho bố mẹ và mạnh dạn mở một cửa hàng kinh doanh, sửa chữa điện máy.

anh Việt
Anh Hồ Sỹ Việt (thứ hai từ trái sang) cùng các bạn bè từng đi xuất khẩu lao động trở về nước. Ảnh: NVCC.

Anh Việt chia sẻ: “Sau khi học trung cấp nghề điện máy, do thu nhập trong nước bấp bênh nên tôi quyết định đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan với mức thu nhập xấp xỉ 22 triệu đồng/tháng. Sau khi hết hạn hợp đồng, tôi về quê mở cửa hàng này. Hiện nay, thu nhập mỗi tháng từ 9-10 triệu đồng, tuy thấp hơn so với lương ở Đài Loan nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình”.

Tương tự anh Hồ Sỹ Việt, anh Cao Văn Xoòng ở xóm 4, xã Diễn Trung (Diễn Châu), sau 4 năm làm việc tại Hàn Quốc cũng quyết định lập nghiệp tại quê nhà bằng việc mở một xưởng sửa chữa cơ khí, tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hồ Công Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Trung cho biết, bình quân mỗi năm xã có hơn 100 người đi xuất khẩu lao động. Hiện nay, toàn xã có gần 700 lao động đang làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu tại các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu. Xuất khẩu lao động đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của toàn xã lên gần 60 triệu đồng/năm, đồng thời, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,8%. Hiện nay, có khoảng hơn 20 lao động trở về từ nước ngoài đang sinh sống tại địa phương với các công việc như kinh doanh dịch vụ, mở xưởng sản xuất nhỏ hoặc làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Diễn Châu.

Học định hướng xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An
Học định hướng xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có hơn 20.000 người đi xuất khẩu lao động. Phần lớn người lao động làm việc ở nước ngoài đều có mức thu nhập cao gấp ít nhất 2 lần so với làm việc trong nước.

Tại một số thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc và Nhật Bản, sau 2 đến 3 năm làm việc, người lao động có thể tích lũy từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trình độ tay nghề và tác phong công nghiệp của họ cũng được nâng cao đáng kể so với khi làm việc trong nước. Nhờ những lợi thế này, khi trở về, nhiều người đã năng động tự tạo việc làm, mở cơ sở sản xuất riêng để phát triển kinh tế gia đình.

“Mỏ vàng” cần khai thác

Tuy nhiên, một nghịch lý đang xảy ra là nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng làm việc tại nước ngoài trở về nước lại không tìm được việc làm phù hợp, dù đã được đào tạo và sở hữu kỹ năng nghề cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước lại đang thiếu hụt lao động có tay nghề và trình độ cao. Nhiều lao động khi trở về nước cho biết, họ có rất ít thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Để có thu nhập, những lao động thường phải kinh doanh nhỏ lẻ hoặc làm việc tạm thời tại các doanh nghiệp trong nước với mức lương không tương xứng với trình độ và kinh nghiệm của mình. Đây cũng là một trong những lý do khiến vẫn còn một bộ phận lao động ở các nước có thu nhập cao như Hàn Quốc, Đài Loan... lựa chọn ở lại cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động.

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã triển khai công tác tuyên truyền và hỗ trợ người lao động hoàn thành hợp đồng về nước thông qua các hội nghị, buổi tư vấn, phiên giao dịch việc làm và ngày hội việc làm. Những hoạt động này tạo điều kiện cho người lao động từng làm việc ở nước ngoài có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp tuyển dụng, lựa chọn vị trí việc làm phù hợp với năng lực bản thân. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng có cơ hội tuyển dụng những lao động có kỹ năng nghề, kinh nghiệm làm việc, khả năng ngoại ngữ và tác phong công nghiệp để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Gần đây nhất, vào ngày 9/12, trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày hội việc làm dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan trở về nước. Ngày hội này thu hút hơn 90 lao động từng làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc từ tháng 1/2024 đến nay cùng 11 doanh nghiệp tuyển dụng.

Lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại Ngày hội việc làm dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan trở về nước. Ảnh Minh Quân
Lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại ngày hội việc làm dành cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản theo Chương trình IM Japan trở về nước. Ảnh: Minh Quân

Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Thượng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, hàng năm, tỷ lệ người lao động đi xuất khẩu lao động trở về thông qua hoạt động cung ứng của trung tâm vẫn còn thấp, chỉ khoảng 30%. Phần lớn người lao động phải chủ động tìm kiếm việc làm và tạo lập cuộc sống. Bên cạnh đó, số lượng lao động tìm được việc làm thông qua các phiên giao dịch việc làm và ngày hội việc làm cũng còn rất hạn chế.

Có thời gian làm việc tại Hàn Quốc 5 năm và vừa trở về nước vào đầu năm nay, anh Nguyễn Kim Trung (SN 1990), trú tại xã Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) cho biết, anh đã quen với môi trường làm việc công nghiệp nên khi về Việt Nam, anh cảm thấy môi trường làm việc không phù hợp. Trong thời gian ở Hàn Quốc, công việc anh làm chủ yếu liên quan đến lĩnh vực cơ khí với mức lương xấp xỉ 3.000 USD sau khi đã trừ tất cả chi phí. Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ nhà ở và bữa ăn cho người lao động; nếu người lao động thuê trọ bên ngoài, công ty sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà và chi phí đi lại. Từ khi về nước đến nay, anh Trung vẫn loay hoay chưa tìm được công việc phù hợp.

Tôi muốn tìm một công việc gần nhà với mức lương từ 13 – 15 triệu đồng, nhưng sau khi phỏng vấn vài ba công ty, họ chỉ trả mức lương khoảng 8 - 9 triệu đồng. Chênh lệch thu nhập so với bên kia quá lớn. Sắp tới, tôi dự định mở một cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên, nếu việc kinh doanh không thuận lợi, tôi sẽ tính đến việc đi xuất khẩu lao động thêm một lần nữa.

Anh Nguyễn Kim Trung (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên)

Ông Vi Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện nay vẫn chưa có con số thống kê chính xác về số lao động hồi hương trên địa bàn tỉnh, cũng như việc họ có tìm được công việc phù hợp như khi còn làm việc ở nước ngoài hay không. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, lực lượng lao động trở về đúng thời hạn hợp đồng có tay nghề cao và trình độ ngoại ngữ được nâng lên rõ rệt. Đây thực sự là một ‘mỏ vàng’ cần được khai thác trong bối cảnh nguồn lao động chất lượng cao tại tỉnh đang khan hiếm".

Các địa phương cần nắm rõ số liệu lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về; đồng thời, đánh giá cụ thể về trình độ, ngành nghề, tuổi tác, giới tính và nguyện vọng của họ để kịp thời tư vấn, hỗ trợ và kết nối cung – cầu lao động. Mặt khác, đối với lao động hồi hương, họ không nên thụ động chờ việc tìm đến mà cần chủ động tìm hiểu thị trường, định hướng nghề nghiệp cho bản thân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tích lũy để sớm ổn định cuộc sống".

Ông Vi Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An.

Minh Quân