Pháp luật

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng trí tuệ nhân tạo

Gia Huy 24/12/2024 16:46

Thời gian qua, các hoạt động lợi dụng trí tuệ nhân tạo (AI) lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, gây hoang mang dư luận. Các đối tượng phạm tội thường sử dụng công nghệ Deepfake AI tạo ra các sản phẩm âm thanh, hình ảnh và video làm giả người quen của nạn nhân ngoài đời thực với độ chính xác rất cao khiến nhiều người sập bẫy.

Chiêu thức tinh vi

Tại Nghệ An, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có xu hướng phức tạp, gia tăng về số lượng vụ việc với các phương thức tinh vi, xảo quyệt.

Chỉ tính riêng trong năm 2024, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 24 vụ, 115 đối tượng.

Điển hình mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) phát hiện nhóm đối tượng người Việt Nam câu kết với các đối tượng tại Campuchia thực hiện hành vi thu mua tài khoản ngân hàng, để cung cấp cho các băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

images1988912_3.jpg
Các đối tượng trong chuyên án bị triệu tập, bắt giữ. Ảnh: Văn Hậu

Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan Công an xác định đây là ổ nhóm phạm tội với tính chất, thủ đoạn hoàn toàn mới, có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các thành viên, do các đối tượng Vũ Trung Kiên (SN 1994), trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; Phạm Hoàng Hiệp (SN 1992), trú tại thị xã Thái Hoà, tỉnh Nghệ An; Vũ Hoàng Nhã (SN 1984) và Hoàng Xuân Trường (SN 1988) cùng trú tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cầm đầu.

Theo đó, để phục vụ hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thông qua thủ đoạn giả danh tài khoản Facebook, mạng xã hội của người thân để lừa chuyển tiền, lừa đầu tư tài chính..., các đối tượng đã tạo dựng hệ thống “chân rết” ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để thu mua tài khoản ngân hàng.

Các đối tượng tiếp cận nhiều thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau trong xã hội, đặc biệt là người cao tuổi, người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc học sinh, sinh viên… nhằm thuê mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền công với giá dao động từ 500.000 - 4.000.000 đồng/1 tài khoản.

Sau khi thuê mở thành công tài khoản ngân hàng, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin tài khoản, sim điện thoại, email, quay lại video khuôn mặt của mình và làm theo các yêu cầu khác của các đối tượng.

images1988915_2.jpg
Các đối tượng trong chuyên án bị triệu tập, bắt giữ. Ảnh tư liệu Văn Hậu

Thông tin cá nhân, video của chủ tài khoản sẽ được các đối tượng sử dụng phục vụ cho việc hack sinh trắc học tài khoản ngân hàng rồi chuyển lại cho các đối tượng tại Campuchia nhằm nhận tiền lừa đảo và rửa tiền do các hoạt động phạm tội mà có.

Việc thu mua tài khoản ngân hàng để cung cấp cho các đối tượng bên kia biên giới được Kiên, Hiệp, Nhã, Trường giao cho các đối tượng Đào Văn Khánh (SN 2001), trú tại huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La; Bùi Thị Thương (SN 1984), trú tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội và Tạ Thị Lan Anh (SN 1973), trú tại quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội làm các “đại lý” cấp 1 trực tiếp thực hiện. Để thu mua được nhiều tài khoản ngân hàng, các đối tượng “đại lý” cấp 1 tiếp tục tạo dựng và giao cho một số “đại lý” cấp dưới triển khai.

Cơ quan Công an làm rõ, chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng phạm tội đã thuê, mua hơn 500 tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau (bao gồm cả tài khoản cá nhân và tài khoản doanh nghiệp) nhằm mục đích hoạt động lừa đảo, rửa tiền.

Sau thời gian thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, ngày 15/12, Công an tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp với các đơn vị hữu quan, phá thành công chuyên án, bắt giữ 41 đối tượng liên quan về hành vi “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền” xảy ra tại tỉnh Nghệ An và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

images1988917_4.jpg
Tang vật vụ án "thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền". Ảnh tư liệu Văn Hậu

Bước đầu, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh làm rõ ổ nhóm đối tượng trên đã rửa tiền và lừa đảo chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng của nhiều bị hại trên cả nước. Tại Nghệ An, có bị hại đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên tới 700 triệu đồng.

Trước đó, cũng trong năm 2024, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt 1 vụ, 7 đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake và nhiều phần mềm hỗ trợ để mở nhiều tài khoản thanh toán nhằm mục đích chiếm đoạt tiền voucher (là phiếu hoặc mã mua hàng có giá trị tương đương tiền mặt) của các ngân hàng.

Đáng chú ý, trước thềm Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tình trạng sử dụng công nghệ AI cắt ghép hình ảnh, video để nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sự kiện chính trị quan trọng này.

Nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa

Theo Bộ Công an, một số thủ đoạn sử dụng công nghệ AI nhằm mục đích phạm tội xảy ra phổ biến hiện nay, gồm:

Sử dụng công nghệ Deepfake - là kỹ thuật kết hợp giữa các thuật toán học sâu và học máy để tạo ra các hình ảnh, video giả mạo chân thực đến mức khó phân biệt được thật giả; thay đổi giọng nói, cắt ghép âm thanh, thay đổi khuôn mặt để giả danh cán bộ cơ quan nhà nước nhằm hăm dọa các bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền sau đó chiếm đoạt - đây là thủ đoạn xảy ra phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam.

uploaded-phuongchibna-2023_05_22-_anh-minh-hoa-4650.jpg
Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, các đối tượng sử dụng Deepfake để cắt ghép hình ảnh, giả giọng nói, tạo ra các hình ảnh, video “nhạy cảm” của nạn nhân, qua đó thao túng tâm lý, đe dọa nạn nhân nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm và tống tiền; truyền bá thông tin sai lệch, tin giả nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận, bất ổn xã hội.

Sử dụng công nghệ AI trong phương tiện không người lái (UAV) nhằm thực hiện các hành vi vận chuyển ma túy, vũ khí, hàng cấm đến địa điểm đã được định sẵn; buôn người, đưa người vượt biên trái phép; lập trình sẵn chương trình cho phương tiện không người lái để tấn công, khủng bố vào khu vực đông người hoặc khu vực được chỉ định sẵn...

Sử dụng công nghệ AI tạo ra các mã độc, phần mềm độc hại nhằm mục đích tấn công mạng, chiếm quyền điều hành của hệ thống máy chủ, lấy cắp mật khẩu đăng nhập; phát triển các loại virus, malware tinh vi để xâm nhập và phá hoại hệ thống mạng…

Sử dụng công nghệ AI để phạm tội trên thị trường tiền điện tử, cụ thể, chúng lợi dụng tình hình giá một số đồng tiền ảo tăng đột biến để tạo ra các ứng dụng trên nền tảng di động và website sàn giao dịch tiền ảo, ngoại hối mạo danh các tổ chức tài chính để lừa đảo qua hình thức kêu gọi, yêu cầu người tham gia chuyển tiền trước khi bắt đầu giao dịch dưới dạng phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ.

Khi huy động đủ số tiền, các đối tượng sẽ điều chỉnh kết quả giao dịch một cách tinh vi hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, ngày 2/12/2024, Công an tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 2224/CAT-PV01 gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã đề nghị phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.

Trong đó, khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cung cấp các thông tin cá nhân (số điện thoại, căn cước, địa chỉ, hình ảnh cá nhân, thông tin gia đình…) cho bất kì ai nếu chưa rõ lai lịch, danh tính người tiếp nhận thông tin.

Không tham gia các các hội, nhóm đồng ý các lời mời kết bạn, bấm vào các đường link trên mạng xã hội khi chưa rõ nguồn gốc; Không đăng tải, like, share các thông tin chưa được kiểm chứng để phòng ngừa, hạn chế tối đa việc bị các đối tượng sử dụng công nghệ AI thực hiện các hành vi phạm tội.

Nếu có dấu hiệu bị đối tượng thực hiện các thủ đoạn nêu trên thì không tiếp nhận hoặc trì hoãn tiếp nhận các cuộc gọi, tin nhắn từ đối tượng và khẩn trương liên hệ với cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.

uploaded-dangcuongbna-2024_01_06-_bna-32-anh-pv-6619-1-.jpg
Tang vật thu giữ trong chuyên án bắt giữ 7 đối tượng trong đường dây làm giả tài khoản ngân hàng để lừa đảo do Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vừa đồng chủ trì phá án. Ảnh tư liệu PV

Công an tỉnh Nghệ An cũng đề nghị bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường thông báo về phương thức và thủ đoạn của loại tội phạm này tới nhân dân bằng nhiều hình thức.

Trong đó, chú trọng tuyên truyền cá biệt đến những người dễ bị lừa đảo như người cao tuổi, trình độ công nghệ thông tin hạn chế; phụ nữ, người nhẹ dạ cả tin; người đầu tư tài chính nhưng hiểu biết về lĩnh vực này còn hạn chế, những người thất nghiệp, muốn tìm kiếm thu nhập thông qua mạng Internet…

Về phía người dân, cơ quan công an đề nghị không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP của ngân hàng cho bất kỳ ai; không cài đặt các ứng dụng theo các đường link, hướng dẫn chưa được kiểm định; không tham gia giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch điện tử chưa được Nhà nước bảo hộ.

“Mỗi người cần thường xuyên cập nhật thông tin, trang bị kiến thức cho bản thân và người xung quanh. Khi phát hiện, nghi vấn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết” - Công an Nghệ An khuyến cáo.

Gia Huy