Giáo dục

'Khoảng trống' sức khỏe tâm lý học đường

Mỹ Hà 24/12/2024 16:49

Áp lực về điểm số, thi cử và nhiều mối quan hệ khác khiến nhiều học sinh bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm lý. Trong khi đó, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vấn đề này lại chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ kịp thời...

Gia tăng học sinh bị các bệnh về sức khỏe tâm lý

Nhóm Facebook "Phụ huynh Nghệ An" có hơn 130.000 thành viên là diễn đàn được rất nhiều phụ huynh tham gia và chia sẻ. Gần đây, câu chuyện của một phụ huynh có con học lớp 9 mới phát hiện bị trầm cảm khiến nhiều người suy nghĩ.

Phụ huynh này cho biết, vì nỗi lo cơm áo gạo tiền nên hai vợ chồng không có nhiều thời gian để ý đến con. Hàng ngày, cháu vẫn thường nói chuyện với bố mẹ, thỉnh thoảng bố mẹ có nhắc con việc không nên sử dụng điện thoại nhiều. Gần đây, vô tình, mẹ của cháu vào phòng và thấy con đang dùng dao tự cứa vào cổ tay mình. Sau đó, gia đình phát hiện thêm trong phòng cháu có rất nhiều thuốc ngủ. Quá lo lắng, gia đình mới đem con đi khám và phát hiện cháu bị trầm cảm do áp lực học tập.

Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện giúp học sinh được thể hiện năng lực. Ảnh
Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện giúp học sinh được thể hiện năng lực. Ảnh: Mỹ Hà

Khi chia sẻ về câu chuyện của con mình, phụ huynh này cũng hy vọng sẽ là lời cảnh tỉnh cho nhiều gia đình khác, nhất là những người đang có con ở lứa tuổi học đường bởi có thể chỉ vì sự thiếu quan tâm, lơ là, thiếu sự để ý rất có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Lứa tuổi học đường với những biến đổi về tâm sinh lý có thể dẫn đến rất nhiều những hành vi khó kiểm soát. Tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, qua thống kê, từ năm 2020 - 9/2024, tỷ lệ các em học sinh vào điều trị nội trú do tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần tăng khá nhanh với 965 em. Trong đó, có 310 em rơi vào các thể bệnh rối loạn hành vi và cảm xúc.

base64-16976058464091598746952(1).png
Điều trị học sinh bị bệnh trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Ảnh: Đình Tuyên

Do kém hiểu biết về các vấn đề sức khỏe tâm thần, sự kỳ thị của xã hội, các dịch vụ và nguồn lực hạn chế về sức khỏe tâm thần khiến hầu hết những học sinh này không được điều trị hoặc hỗ trợ. Việc nhận biết sớm học sinh có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần là vô cùng quan trọng để tránh hậu quả xảy ra.

Bác sĩ Trần Thị Tuyết - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.

Qua nhiều năm làm ở lĩnh vực này, bác sĩ Trần Ánh Tuyết cũng chỉ ra 5 biểu hiện của những học sinh có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần thông qua hành vi ứng xử (dễ cáu gắt, né tránh xã hội), qua tâm lý bồn chồn, chán nản, qua nhận thức với trí nhớ ngắn hạn giảm sút. Ngoài ra, người bị bệnh có tổn thương về sức khỏe như dễ đau đầu, đau cổ vai gáy hoặc mất kiểm soát ở một số vấn đề.

Thiếu nguồn lực để quan tâm

Trường học được xem là môi trường quan trọng để học sinh học tập, rèn luyện và trưởng thành. Tuy nhiên, môi trường này với nhiều mối quan hệ khác nhau cũng khiến các em phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng tới tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ, hành động và việc học tập và sự phát triển toàn diện.

Chỉ tính riêng về tình trạng bạo lực học đường thì trong 2 năm học gần đây, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ bạo lực học đường với 23 học sinh liên quan. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ bởi có rất nhiều trường hợp bạo lực học đường diễn ra ở các trường học với nhiều hình thức khác nhau nhưng chưa báo cáo.

Xung quanh vấn đề tâm lý tuổi học đường, Tiến sĩ Trần Hằng Ly - Khoa Tâm lý giáo dục - Trường Đại học Vinh cũng đã tiến hành khảo sát về đặc điểm tâm lý xã hội của học sinh trung học tại các trường THCS Đặng Thai Mai, THCS Hưng Bình (thành phố Vinh), THCS Nghi Mỹ (Nghi Lộc) và Trường THCS Mường Xén, Trường PT DTNT THCS Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) cho thấy, hành vi tâm lý bất thường (còn gọi là hành vi gây hấn theo thuật ngữ xã hội học) có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới.

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, ngành giáo dục cũng đã đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Trong đó, yêu cầu chương trình giáo dục nhà trường sát với đối tượng người học, đặc điểm tâm lý học sinh, qua đó giúp học sinh phát triển những phẩm chất, năng lực, khả năng tự học và ý thức học tập của bản thân. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phân hóa, bám sát đối tượng, phát triển phẩm chất, năng
Hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh Trường THCS thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Ảnh: Mỹ Hà

Việc gây hấn để thể hiện sự bực tức, mất kiểm soát với nhiều hình thức như gây hấn bằng hành vi, gây hấn bằng thái độ. Những em có hành vi gây hấn ở mức độ cao là những em khó khăn trong giao tiếp và kỹ năng giải quyết vấn đề. Những em này thường không có bạn thân trong lớp, không có bạn để chia sẻ, tâm sự.

Ngoài ra, học sinh có thể gây hấn do mức độ căng thẳng của học sinh trên lớp, mối quan hệ của học sinh với cha mẹ, ứng xử của cha mẹ khi học sinh mắc lỗi, do ảnh hưởng của game, những suy nghĩ sai lầm của học sinh về bạo lực; kỹ năng giải quyết vấn đề.

Từ những khó khăn trên, việc quan tâm sức khỏe tâm lý học sinh ở lứa tuổi học đường là rất cần thiết. Tuy nhiên bất cập hiện nay đó là việc triển khai công tác tâm lý học đường còn thiếu các nguồn lực cần thiết như thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị để làm phòng tư vấn, thiếu thiết chế đảm trách và hệ thống quản lý công tác tâm lý học đường trong nhà trường. Bên cạnh đó, còn thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng, các cơ quan, ban, ngành trong hoạt động tâm lý học đường; Nhận thức của cộng đồng về hoạt động này còn chưa cao hoặc chưa chính xác…

Buổi tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường của học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật. Ảnh - NTCC
Buổi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường của học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật. Ảnh: NTCC

Từ đầu năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Viện Đào tạo và Bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực tổ chức thí điểm mô hình Công tác xã hội và Tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại 9 trường học trên địa bàn huyện Diễn Châu, Quế Phong và thành phố Vinh.

Qua đó nhằm mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh thân thiện, học sinh tích cực phòng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích đuối nước, tệ nạn xâm nhập vào học đường, hỗ trợ học sinh yếu thế...

Liên quan đến vấn đề này, tỉnh Nghệ An cũng vừa tổ chức Hội thảo Chăm sóc sức khoẻ tâm lý học đường ở Nghệ An: Từ chính sách đến thực tiễn.

Từ đó đã đề xuất các giải pháp, chương trình tuyên truyền, chương trình tư vấn tâm sinh lý giúp trẻ vị thành niên nâng cao năng lực học tập và cảm xúc trong gia đình, xã hội. Đồng thời, xây dựng trường học an toàn và hòa nhập, nâng cao sức khỏe tâm lý học đường cho học sinh THCS, THPT trong bối cảnh mới.

Mỹ Hà