Từ 25/12, chỉ tài khoản đã xác thực mới được đăng bài, bình luận trên mạng xã hội
Theo Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, từ ngày 25/12/2024, chỉ các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Ngày 09/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024.
Sau đây là một số quy định mới tại Nghị định 147:
Quy định nhằm tăng cường giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng:
- Quy định về hạn chế tình trạng người dùng ẩn danh để lừa đảo, tung tin giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác: Người dùng mạng xã hội phải cung cấp thông tin cá nhân cơ bản: Họ tên, ngày sinh, số điện thoại di động tại VN/ID (nếu không có số điện thoại); Mạng xã hội phải thực hiện xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký; Chỉ các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; Các tài khoản mạng xã hội thực hiện livestream với mục đích thương mại (bán hàng, có phát sinh doanh thu) thì phải xác thực bằng số định danh cá nhân.
- Quy định về bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội: Người dùng trên 16 tuổi mới được tạo tài khoản mạng xã hội để sử dụng; Trường hợp trẻ em (dưới 16 tuổi) muốn sử dụng mạng xã hội phải được sự cho phép và giám sát của cha mẹ, người giám hộ hợp pháp; Phân loại và cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em; Thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em theo quy định về bảo vệ trẻ em.
- Quy định về chế tài xử lý: Quy định cụ thể hơn các trường hợp bị đình chỉ hoạt động 3 tháng/rút giấy phép/ đình chỉ hoạt động: Các trang thông tin điện tử tổng hợp nói chung vi phạm nội dung 2 lần; Không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định; Không thực hiện chặn gỡ nội dung website/mạng xã hội theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an.
Về quản lý hoạt động cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam
-Các trang thông tin điện tử cung cấp nội dung xuyên biên giới tại Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam.
- Các trang thông tin điện tử (TTĐT) của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới (có hosting tại Việt Nam hoặc có truy cập từ 100.000 lượt trở lên) phải thực hiện thủ tục thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông và tuân thủ thêm các trách nhiệm sau:
Bổ sung các quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh MXH thường xuyên vi phạm; Thực hiện xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân (nếu không có số điện thoại di động), bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, đồng thời cung cấp thông tin người sử dụng vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu; chủ trang, kênh, nhóm mạng xã hội chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm; mạng xã hội có trách nhiệm cấp xác thực (tick xanh) cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam…; kiểm tra, giám sát và loại bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm quy định pháp luật.
Triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em: Không cho trẻ em (dưới 16 tuổi) không được tạo tài khoản mạng xã hội, muốn sử dụng phải được sự cho phép của bố mẹ, người giám hộ; phân loại và có cảnh báo các nội dung không phù hợp với trẻ em; Mạng xã hội phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi dẫn nội dung trên mạng xã hội; Cung cấp công cụ tìm kiếm theo yêu cầu của Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an; công khai thuật toán phân phối nội dung với người sử dụng…
Các quy định, trách nhiệm nêu trên sẽ áp dụng chung cho các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đối với hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng:
- Điều chỉnh, cắt giảm bớt các điều kiện, thủ tục không cần thiết và giảm thời gian thẩm định, cấp phép, cấp đối với giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng;
- Phân cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ game G2, G3, G4 trên mạng và Giấy xác nhận phát hành trò chơi G2, G3, G4 trên mạng.
- Bổ sung quy định không cấp phép đối game mô phỏng như trong casino, game sử dụng hình ảnh lá bài nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới người chơi.
- Yêu cầu xác thực người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được tham gia chơi trò chơi.
- Các quy định bảo vệ trẻ em khi chơi game: Người chơi dưới 16 tuổi khi đăng ký chơi game thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự và có trách nhiệm giám sát và quản lý thời gian chơi, nội dung trò chơi của người chơi dưới 16 tuổi truy cập; DN game, DN cho thuê máy chủ, chỗ đặt máy chủ, DN viễn thông, DN Internet phải phối hợp triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, người dưới 18 tuổi; Người chơi dưới 18 tuổi chỉ được chơi 01 game không quá 60 phút và tổng thời gian chơi trong ngày không quá 180 phút.
- Bổ sung quy định phòng chống game lậu, game XBG: Dán nhãn các game đã được cấp phép; Các kho ứng dụng XBG phải chặn, hạ các game chưa được dán nhãn; tuân thủ các quy định của pháp luật về thanh toán của Việt Nam; Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người sử dụng tại Việt Nam, gồm cả việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, phải thành lập DN theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Bổ sung quy định về quản lý và phát hành thẻ game: Chỉ sử dụng thẻ game để cho phép người chơi nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng hợp pháp của chính DN đó hoặc của các DN khác trong một tập đoàn kinh tế, nhóm công ty, công ty mẹ, công ty con của DN đó; không sử dụng thẻ game để nạp tiền vào các trò chơi điện tử trên mạng không phép hoặc vào mục đích khác.