Cần quyết liệt trong việc GPMB Quốc lộ 7 đoạn qua huyện Yên Thành
Dù huyện Yên Thành đã tuyên truyền, vận động và đối thoại nhiều lần, nhưng đến nay nhiều hộ dân trong phạm vi dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 7 đi qua chưa chịu bàn giao mặt bằng.
Liên tục lỗi hẹn
Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1338/QĐ-BGTVT ngày 20/7/2021, với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 4 làm chủ đầu tư. Đến tháng 9/2022, dự án này chính thức khởi công, với tổng chiều dài 27,5 km đi qua các huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương.
Dự án được chia làm 3 gói thầu xây dựng 01, 02 và 03. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong tháng 12/2023. Tuy nhiên sau nhiều lần gia hạn, đến thời điểm hiện nay, dự án vẫn chưa xong, do nhiều hộ dân kiên quyết không bàn giao mặt bằng.
Tại huyện Yên Thành, tuyến Quốc lộ 7 đi qua có tổng chiều dài 27.774m (tính cả 2 bên) đi qua địa bàn 5 xã gồm: Vĩnh Thành, Viên Thành, Bảo Thành, Công Thành (nay xã Vân Tụ) và Mỹ Thành. Hiện nay chỉ mới có duy nhất xã Vĩnh Thành là hoàn thành toàn bộ tuyến chính. Các xã còn lại chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, dẫn đến nhiều đoạn thi công đang bị đứt quãng.
Tính đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Yên Thành đã bàn giao đoạn không liên tục từ Km9+180 – Km24+678 (trái và phải tuyến) được khoảng 26,996km/27,774km (đạt 97,2%); hiện còn vướng 0,788 km/27,774km (tính cả trái và phải tuyến) chiếm 2,8% và ảnh hưởng đến 42 hộ, 47 thửa đất.
Cụ thể, tại xã Viên Thành, tổng chiều dài còn vướng mặt bằng là 166m và ảnh hưởng đến 11 thửa đất, (10 hộ), trong đó có 4 hộ phải cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, tại các đoạn Km12+980 - Km13+80 (phải tuyến) và Km3+340 - Km13+460 (trái tuyến).
Tại xã Bảo Thành, hiện nay còn vướng 26m, và ảnh hưởng 1 thửa đất của 1 hộ. Điều đáng nói là các hộ dân này đồng ý cho nhà thầu thi công mương nhưng không cho thi công lòng đường.
Tại xã Vân Tụ, còn vướng 34m và ảnh hưởng 2 thửa đất của 2 hộ gia đình tại đoạn Km19+00 - Km19+034 (bên phải tuyến).
Nhiều nhất hiện nay là tại xã Mỹ Thành với tổng chiều dài vướng là 554m và ảnh hưởng đến 33 thửa đất của 29 hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể là các đoạn Km21+700 - Km21+900 (trái tuyến), Km22+900 - Km23+040 (phải tuyến), Km22+760 - Km23+040 (trái tuyến), Km23+650 - Km24+551 (phải tuyến) và Km23+900 - Km24+551 (trái tuyến).
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thành, mặc dù UBND huyện đã phối hợp với Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng, cùng UBND các xã có dự án đi qua, tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại và thuyết phục, thậm chí là trả lời đơn thư để người dân hiểu và chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng, và trên thực tế đã có nhiều hộ bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Thế nhưng, nhiều hộ vẫn cho rằng thiệt thòi về quyền lợi nên chưa chịu bàn giao mặt bằng.
"Nóng ruột" với dự án này, phía Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã nhiều lần có văn bản đôn đốc. Ngay cả Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc và giao thời hạn bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để đơn vị thi công hoàn thành dự án.
Cụ thể, mới nhất là vào ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có Văn bản số 11154/UBND-CN chỉ đạo UBND các huyện Diễn Châu, Yên Thành và các Sở, ban nghành liên quan khẩn trương hoàn thành công tác GPMB Dự án QL7 đúng thời hạn. Thế nhưng, mốc thời gian lần lượt được gia hạn nhiều lần, việc hoàn tất dự án suốt dọc tuyến vẫn cứ phải chờ.
Người dân bức xúc vì đường dang dở
Ông Đặng Quang Hoàng - Chủ tịch UBND xã Viên Thành cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã, các hộ chưa bàn giao mặt bằng chủ yếu nằm ở xóm 5 và xóm 6. Có những hộ phần diện tích có công trình, tài sản nằm ngoài bản đồ đo đạc địa chính năm 2005, không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên vẫn yêu cầu được bồi thường, hỗ trợ.
Cá biệt, tại xã Viên Thành hiện nay có 2 trường hợp là hộ bà Nguyễn Thị Lương và Bùi Thị Phương, cùng trú tại xóm 6, dù đã nhận tiền bồi thường nhưng đến nay vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng. Họ đề nghị đền bù cả phần diện tích ngoài đường 7A.
Ông Hoàng cho biết, thời điểm này khi Tết đã gần kề, nhiều hộ dân đã bàn giao mặt bằng nhưng vì vướng các hộ chưa bàn giao nên đường chưa thể thi công. Các hộ kinh doanh tại mặt đường Quốc lộ 7 bức xúc hơn, vì đường chưa làm xong nên mưa xuống là bị ngập, nắng lên là bụi mù mịt.
Tại xã Mỹ Thành, có hộ gia đình ông Nguyễn Công Xuân, sử dụng đất rừng sản xuất đã được UBND huyện Yên Thành phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng nhưng không đồng ý, yêu cầu được đền bù theo giá đất vườn. Hay có 3 trường hợp cũng tại xã này, có đất trước đây đã thu hồi (năm 2011), lúc đó đã quy chủ là đất UBND xã quản lý, nhưng các hộ cho rằng của gia đình nên yêu cầu được đền bù.
Chính việc còn nhiều hộ chưa bàn giao mặt bằng, nên tại nhiều đoạn qua xã Mỹ Thành nhiều hộ đã đồng tình bàn giao mặt bằng cũng bị "vạ lây" khi đường chưa thể làm xong. Ông Nguyễn Vĩnh Thoan, trú tại xóm Giáp Quán, người đã đồng tình bàn giao mặt bằng, dù chưa nhận tiền hỗ trợ, bức xúc cho biết: Chỉ vì một số hộ không đồng tình mà cả một đoạn dài bị ách tắc là điều hết sức vô lý. Ông Thoan đề nghị chính quyền địa phương cần phải kiên quyết hơn nữa trong khâu giải phóng mặt bằng.
Bà Nguyễn Thị Hà - trú tại xóm Lô đã bàn giao mặt bằng từ đầu năm 2024, nhưng chỉ vì còn có mấy hộ dọc tuyến chưa bàn giao mặt bằng nên cả đoạn chưa được thi công. Gia đình bà Hà kinh doanh buôn bán dọc tuyến đường này, Tết thì sắp đến mà đường còn ngổn ngang nên rất bức xúc.
Có thể thấy rằng, việc chậm trễ bàn giao mặt bằng đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Ngoài việc khiến cho dự án bị kéo dài, nó còn làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và đặc biệt là còn có nguy cơ khiến dự án này dừng lại trước khi thi công xong toàn tuyến.
Điều đáng nói là từ ngày 26/6 đến 1/7/2024, UBND huyện Yên Thành đã ban hành các Quyết định thành lập Ban thực hiện bảo vệ thi công tại các xã: Viên Thành, Bảo Thành, Công Thành, Mỹ Thành; Quyết định cưỡng chế thu hồi đất của 4 hộ dân tại xã Viên Thành để thực hiện Dự án. Thế nhưng, cho đến nay các cơ quan cấp trên vẫn chưa thông qua quyết định, kế hoạch về việc bảo vệ thi công và cưỡng chế thu hồi đất. Điều này khiến cho việc giải phóng mặt bằng đã chậm lại càng chậm hơn.
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, dù chính quyền địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền, tổ chức đối thoại, nhưng các hộ dân vẫn không đồng tình. Trong thời gian tới, nếu người dân không bàn giao mặt bằng theo quy định thì chính quyền sẽ thực hiện phương án bảo vệ thi công để đảm bảo cho việc thông tuyến.
Đối với các trường hợp được nhận sự "hỗ trợ khác" khi tự tháo dỡ, nhưng nếu họ không tháo dỡ mà phải bảo vệ thi công thì số tiền "hỗ trợ khác" này cũng sẽ bị cắt...
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành
Trong trường hợp xấu nhất, nếu dự án không được hoàn thành và Trung ương tiến hành cắt vốn thì dự án này sẽ được giao về cho tỉnh quản lý. Nếu tỉnh cũng không có vốn nâng cấp sửa chữa, duy tu thì không biết khi nào Quốc lộ 7 được thông tuyến. "Trong khi đó, đây là tuyến đường huyết mạch nối Quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc - Nam lên cửa khẩu Nậm Cắn, nếu không thông tuyến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của tỉnh. Đồng thời, việc kết nối, phát triển trục phía Nam của huyện Yên Thành cũng sẽ bị ảnh hưởng theo" - ông Dương nhấn mạnh.