Nghề làm trống da ở xã Đại Đồng (Thanh Chương) đã có từ lâu đời. Hiện nay, dọc Quốc lộ 46 qua huyện Thanh Chương có 5 cơ sở làm trống. Dịp cuối năm, các cơ này đều hoạt động nhộn nhịp nhằm sản xuất nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán và lễ hội đầu Xuân. Ảnh: Huy Thư Theo bà con làm nghề, sản xuất trống da phải qua nhiều công đoạn: phan da, làm tang, bưng trống... Da trống được làm từ da bò, trâu (càng già càng tốt). Sau khi mua về, da súc vật được bào mỏng, căng đều, phơi nắng 3 -4 ngày. Nếu trời râm, mưa, thì phải đốt lửa để hong da. Khi chuẩn bị bưng trống, da được cắt theo kích thước của trống, đục lỗ, gắn khẳng. Ảnh: Huy Thư Tang trống làm từ gỗ mít dẻo, nhẹ, ít co giãn, cho tiếng trống vang. Gỗ mít được cưa thành những thanh dăm cong, dài, tùy thuộc vào từng loại trống. Tang trống được định hình trong những đai tre từ các thanh dăm lắp ghép với nhau. Khi chuẩn bị bưng trống, người thợ sẽ đem tang trống ra bào chuốt cho tròn đều, cân đối. Ảnh: Huy Thư Anh Phan Văn Tiến (32 tuổi) làm trống ở xóm Thanh Cao, xã Đại Đồng cho biết: Gia đình anh theo nghề làm trống đã nhiều đời. Trước đây, bố anh chỉ sản xuất trống tại nhà. 8 năm nay, anh mở cơ sở sản xuất trống ven Quốc lộ 46 nên được nhiều người biết đến hơn. Theo anh Tiến, trong quá trình làm trống, phải tính toán đường kính mặt trống phù hợp với chiều cao, chu vi của trống để ghép tang, tạo nên chiếc trống đẹp rất quan trọng. "Làm trống cần sự cẩn thận, khéo léo" - anh Tiến nói. Ảnh: Huy Thư Hiện các cơ sở sản xuất trống ở Thanh Chương đang duy trì các cách néo da bưng trống khác nhau. Bên cạnh cách néo da truyền thống là dùng nêm để chêm thì một số cơ sở lại dùng kích để kích dưới bệ néo. Ảnh: Huy Thư Sau khi áp da lên tang trống, néo chặt da trống vào bệ néo, người làm trống sẽ dẫm lên mặt trống để da trống giãn đều. Anh Phan Văn Dũng (28 tuổi) đang làm trống tại xóm Văn Thưởng, xã Đại Đồng cho biết: Nhờ áp dụng máy móc hiện đại, nên nghề làm trống hiện nay đỡ vất vả hơn trước nhiều. Ảnh: Huy Thư Anh Phan Tuấn Văn (anh trai anh Dũng) đang sản xuất trống ở xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) chia sẻ: Sau mỗi lần dẫm lên da trống, lại cho kích đẩy trống lên một chút, đồng thời dùng búa gõ vào các thanh khẳng để néo da cho đều. Cứ dẫm, kích, néo như thế cho tới khi da trống căng và gõ vào trống kêu như ý muốn Ảnh: Huy Thư Một số chị em cũng tham gia các công đoạn làm trống như chẻ nứa, mài tang, nêm chốt tre... Để mở rộng thị trường, ngoài cách mua bán truyền thống, một số cơ sở làm trống ở Thanh Chương đã đăng hình ảnh sản phẩm lên mạng xã hội để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Ảnh: Huy Thư Sau khi đóng chốt ghim da, phần da thừa quanh tang trống được cắt gọn. Các cơ sở làm trống thường để trống mộc, nhìn thấy rõ chất gỗ tang trống và chỉ sơn khi khách có yêu cầu. Đai trống có thể được làm bằng tre nứa hoặc mây hèo. Theo các thợ làm trống, gắn vòng đai bằng tre, nứa đẹp và bền hơn. Ảnh: Huy Thư Các cơ sở làm trống ở Thanh Chương sản xuất được đủ loại trống, như trống nhà thờ họ, trống trường, trống di tích, trống chầu... với nhiều kích cỡ khác nhau (trống tiểu, đường kính mặt trống 0,2m - 0,3m, trống trung, trống đại, siêu đại, đường kính mặt trống 1,2 - 1,4m). Bên cạnh sản xuất trống mới, các cơ sở cũng nhận "bưng" lại trống cũ. Ảnh: Huy Thư Trống Thanh Chương được khách hàng khắp nơi trong và ngoài tỉnh ưa chuộng bởi chất lượng bền, đẹp, âm thanh tốt. Dịp cuối năm, các cơ sở sản xuất trống ở đây đều tất bật để hoàn thiện các đơn hàng. Tùy vào kích thước mà trống có giá từ 200.000 đồng đến hàng chục triệu đồng. Ảnh: Huy Thư
Các công đoạn làm trống. Video: Huy Thư
Huy Thư