Thời sự

Xác định mốc ra đời danh xưng Tương Dương

Vân Thắng 28/12/2024 06:13

Tên gọi “Tương Dương” có từ tháng 3 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469). Ngoài việc lần đầu tiên xuất hiện tên gọi, thì Tương Dương cũng xuất hiện lần đầu tiên như là một đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc phủ, mang ý nghĩa đơn vị tương đương với huyện Tương Dương ở thời hiện đại.

dji_fly_20240301_082750_331_1709256504451_photo_optimized-01.jpeg

Trong lịch sử, việc phân chia các đơn vị hành chính và tên gọi là một việc rất quan trọng của bất kỳ một quốc gia, dân tộc. Lịch sử phát triển của đất nước ta từ thời dựng nước đến ngày nay, việc phân chia các đơn vị hành chính, thay đổi danh xưng mỗi giai đoạn có khác nhau, nhưng đều xuất phát từ nhu cầu quản lý, bảo vệ và xây dựng chính thể Nhà nước đó đại diện cho một quốc gia có chủ quyền, ghi dấu ấn về lịch sử và văn hóa sâu sắc của dân tộc.

Tương Dương là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An, là đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tương Dương có nhiều dân tộc anh em gồm Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Pọng và Kinh có tập quán và tiếng nói khác nhau cùng sinh sống trên một vùng đất cổ có truyền thống văn hóa lâu đời. Bên cạnh đó, địa phương còn có nhiều di tích lịch sử, gắn liền với nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc như Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, danh sĩ Đoàn Nhữ Hài… tạo thành một địa phương - cộng đồng có bề dày lịch sử và đậm đà bản sắc. Chính vì vậy, việc tìm hiểu, xác định năm “khai sinh” tên gọi Tương Dương đang là mong muốn thiết tha của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà.

Ngày 12/1/2022, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và UBND huyện Tương Dương tổ chức Hội thảo khoa học “Danh xưng Tương Dương". Chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Thạc sĩ Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa hoa và Công nghệ; Thạc sĩ Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương. Cùng dự có các đồng chí: Lữ Văn May - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương; đại diện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Sử học Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội… Chủ trì hội thảo và đại biểu cơ bản thống nhất đề xuất năm 1469, tên gọi Tương Dương chính thức xuất hiện là một đơn vị hành chính cấp huyện, trực thuộc phủ Trà Lân.

Ngày 11/11/2022, UBND huyện Tương Dương, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Trung tâm KHXH&NV tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học xác định danh xưng Tương Dương lần 2. GS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch dử Việt Nam, đồng chí Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì hội nghị. Qua hội nghị tiếp thu, lắng nghe nhiều ý kiến thảo luận, đặc biệt là ý kiến của các đồng chí chuyên gia, nhà nghiên cứu; các vị lãnh đạo huyện và nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ. Tổng kết lại có 10 báo cáo gửi đến hội thảo về nội dung danh xưng Tương Dương; 8 báo cáo gửi đến hội thảo về nội dung Tương Dương: Đất và Người. Số lượng phát biểu ý kiến tại hội trường: Có 13 ý kiến phát biểu tại hội trường về chủ đề thứ nhất và 3 ý kiến về chủ đề thứ hai. Tại hội thảo này, xuất hiện những đề xuất mới, có nhiều ý kiến về việc lấy mốc xuất hiện danh xưng Tương Dương. Các chuyên gia, đại biểu dẫn ra nhiều công trình có giá trị tham khảo để minh chứng cho đề xuất của mình như: Dư địa chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Hồng Đức bản đồ, Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Việt sử ký toàn thư…

Khẳng định lại một lần nữa nhu cầu tìm hiểu, xác định năm khai sinh tên gọi Tương Dương trong lịch sử là mong muốn thiết tha của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà Tương Dương. Để biết chính xác danh xưng Tương Dương gắn với những sự kiện lịch sử diễn ra trong lịch sử dân tộc, cũng như diên cách trong lịch sử đối với một huyện đặc thù là vùng cao như Tương Dương là việc làm rất cần phải được khảo cứu kỹ lưỡng, huy động trí tuệ tập thể của đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu mới có thể làm sáng tỏ vấn đề.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chủ trì hội thảo đề nghị lưu ý tách bạch và rõ ràng các vấn đề: xác định danh xưng Tương Dương và Tương Dương trong lịch sử là một đơn vị hành chính của nhà nước Việt Nam thời kỳ quân chủ. Hai mốc ấy, không hẳn hoàn toàn trùng nhau, do đó, các mốc mà các đại biểu nêu ra cần có sự cân nhắc. Hội thảo vẫn chưa kết luận được mốc thời gian ra đời danh xưng Tương Dương, bởi có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Như vậy, tại hội thảo lần thứ 2 này vẫn chưa có sự đồng nhất giữa các ý kiến với nhau, khiến cho việc kết luận chưa thực hiện được. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm mốc thời gian năm 1469 như đã trình bày tại hội thảo lần 1 cũng như khẳng định thêm tại lần hội thảo thứ 2. Bên cạnh đó, chúng tôi xin phản biện lại các mốc thời gian khác, cụ thể như sau:

Về mốc năm 1334: Ông Hoàng Kiểm - Phó Giám đốc Trung tâm Phương Nam Plus cho rằng: “Lấy mốc năm 1334 là năm danh xưng được nhắc đến sớm nhất, căn cứ vào cuốn Lịch triều hiến chương loại chí”. (Có bài viết chi tiết kèm theo).

Quan điểm này không chính xác, bởi năm 1334 thuộc niên hiệu Khai Hựu thời Trần. Dưới thời Trần, toàn bộ vùng đất từ Con Cuông tới Kỳ Sơn (ngày nay) có một tên gọi chung duy nhất là Mật Châu. Điều này thể hiện rất rõ tại văn bia Ma nhai kỷ công bi văn do Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn soạn và khắc lên vách núi Thành Nam năm Khai Hựu thứ 7 (1335) để kỷ niệm chiến công của Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông trước quân Ai Lao. Đến nay, trải qua gần 700 năm nhưng văn bia này vẫn còn tươi nguyên nét chữ. Trước hết, chúng tôi dịch nghĩa toàn văn như sau:

皇越陳朝第六帝章堯文晢太上皇帝受天眷命奄有中夏薄海內外罔不臣服蕞爾哀牢猶梗王化歲在乙亥季秋帝親帥六師巡于西鄙占城國卋子真臘國暹国及蠻酋道臣葵禽車勒新附杯盆蠻酋道聲車蠻諸部各奉方物爭先迎見獨逆俸執迷畏罪未即來朝季冬帝駐蹕于密州巨屯之原乃命諸將及蠻夷之兵入于其國逆俸望風奔竄遂降詔班師旹開祐七年乙亥冬閏十二月日勒石

Phiên âm:

Hoàng Việt Trần triều đệ lục đế, Chương Nghiêu Văn Triết thái thượng hoàng đế thụ thiên quyến mệnh, yêm hữu trung hạ, bạc hải nội ngoại võng bất thần phục. Tối nhĩ Ai Lao, do ngạnh vương hóa. Tuế tại Ất Hợi quý thu, đế thân suất lục sư tuần vu Tây bỉ. Chiêm Thành quốc thế tử, Chân Lạp quốc, Tiêm quốc, cập man tù đạo thần Quỳ, Cầm, Xa, Lặc, tân phụ Bôi Bồn man, tù đạo Thanh Xa man chư bộ, các phụng phương vật, tranh tiên nghênh kiến. Độc nghịch Bổng chấp mê úy tội, vị tức lai triều. Quý đông đế trú tất vu Mật Châu, Cự Đồn chi nguyên. Nãi mệnh chư tướng cập man di chi binh nhập vu kỳ quốc. Nghịch Bổng vọng phong bôn thoán, toại giáng chiếu ban sư. Thì Khai Hựu thất niên, Ất Hợi đông, nhuận thập nhị nguyệt nhật lặc thạch.

Dịch nghĩa:

Đời vua thứ sáu triều Trần nước Hoàng Việt, Thái thượng hoàng đế Chương Nghiêu Văn Triết nhận được mệnh trời thương mến, làm chủ hết cả bốn cõi, khắp trong đất ngoài bể, không ai không thần phục. Vậy mà Ai Lao mày cỏn con, lại ngang ngạnh giáo hóa của triều đình. Cuối Thu năm Ất Hợi, Thượng hoàng thống lĩnh sáu quân đi tuần ở cõi Tây. Thế tử nước Chiêm Thành, nước Chân Lạp, nước Xiêm và tù trưởng đạo thần là Quỳ, Cầm, Xa, Lặc, rồi các bộ mán mới phụ thuộc là tù trưởng rợ Bôi Bồn và rợ Thanh Xa đều dâng sản vật của địa phương và tranh nhau đón rước. Chỉ một mình tên giặc Bổng cứ giữ thói u mê, sợ tội mà chưa tới chầu ngay. Đến cuối Đông, Thượng hoàng đóng quân ở cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu rồi lệnh cho các tướng cùng với quân lính mọi rợ vào tận nơi ở của chúng. Tên giặc Bổng nghe uy thế liền trốn chạy, Thượng hoàng bèn xuống chiếu đem quân về. Ngày tháng 12 nhuần, mùa Đông, năm Ất Hợi, niên hiệu Khai Hựu thứ 7, khắc vào đá.

Bài văn bia này ghi rõ mốc thời gian là “niên hiệu Khai Hựu thứ 7” tức năm 1335. Nếu Tương Dương ra đời năm 1334 thì tại sao văn bia này lại không ghi “Tương Dương” mà lại ghi là “Mật Châu".

Hơn nữa, chúng tôi đã tra cứ bản gốc viết bằng chữ Hán của bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí thì thấy rằng, tác giả Phan Huy Chú viết rất rõ 3 chữ 襄陽縣 “Tương Dương huyện”. Qua 3 chữ này chúng ta có thể thấy rằng, tác giả Phan Huy Chú đã dùng danh xưng hiện tại để nói về địa danh quá khứ. Bởi vào thời Trần, toàn bộ vùng đất từ Con Cuông tới Kỳ Sơn có tên gọi chung là Mật Châu, mà chưa có đơn vị hành chính “huyện”. Chính vì vậy, chúng tôi khẳng định rằng, mốc 1334 là năm ra đời danh xưng Tương Dương là hoàn toàn không chính xác.

Về mốc năm 1435: Ông Lữ Văn May - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương: Trên cơ sở căn cứ vào nguồn tư liệu là cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi đã cho rằng, nên lấy mốc năm 1435 là năm danh xưng được nhắc đến sớm nhất (Có bài viết chi tiết kèm theo).

Quan điểm này không chính xác. Bởi sách Dư địa chí 輿地誌 (còn gọi là Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí 抑齋遺集南越輿地誌, Đại Việt địa dư chí 大越地輿誌, An Nam vũ cống 安南禹貢, Nam Quốc vũ cống 南國禹貢 hoặc Lê triều cống pháp 黎朝貢法, là sách địa chí do Ức Trai Nguyễn Trãi, danh thần của nhà Hậu Lê, biên soạn bằng chữ Hán vào năm 1435, ghi chép sơ lược về địa lý hành chính và tự nhiên của Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, bản gốc sách đã không còn, tập sách Dư địa chí hiện đang lưu truyền là bản được khắc in năm Mậu Thìn (1868), dưới triều Vua Tự Đức. Chính vì vậy mà sách này đã được người đời sau đã sửa đổi và bổ sung rất nhiều lần, khiến cho nguyên tác không còn có tính nguyên bản. Ví dụ như những danh xưng như Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc... đều xuất hiện sau thời Nguyễn Trãi. Chính vì vậy mà xưa nay ở Việt Nam, chưa từng địa phương nào hay nhà nghiên cứu nào lấy sách Dư địa chí để xác định mốc ra đời danh xưng.

Về mốc năm 1448: Ông Lương Thanh Hải - nguyên Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng: Năm 1448 đã có tên huyện Tương Dương. Nguồn tài liệu tham khảo là bài viết “Lịch sử tên gọi Nghệ An trong di sản tư liệu thế giới mộc bản triều Nguyễn” của tác giả Trần Trung Hiếu - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Trần Minh - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. (Có bài viết chi tiết kèm theo).

Mốc này hoàn toàn không chính xác. Bởi các tác giả bài viết nói trên viết khảo cứu nhưng lại không sử dụng tư liệu gốc, mà chỉ tham khảo ở bản dịch. Tại bài viêt này, các tác giả đã copy lẫn lộn giữa mốc thời gian từ niên hiệu Quang Thuận thứ 9 (1469) và niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448) ở phần cước chú. Trong khoảng niên hiệu Thái Hòa thứ 6 không hề có sự thay đổi đơn vị hành chính hay định bản đồ nào cả, mà sự kiện “nhà vua định bản đồ 12 thừa tuyên như sau này” được nói tới trong bài viết chính xác thuộc niên hiệu Quang Thuận thứ 9 (1469).

Về mốc năm 1821: Ông Vi Lưu Bình - nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Mốc 1469 là khó thuyết phục mà phải là từ năm 1821 (Có bài viết chi tiết kèm theo).

Mốc này hoàn toàn không chính xác, bởi trước 1821, tên gọi Tương Dương đã xuất hiện rất nhiều trong chính sử triều Nguyễn. Xin được nêu vài dẫn chứng như sau:

Nhâm Tuất, năm Gia Long thứ 1 [1802], Giặc Tây Sơn dẹp yên hết, lấy hết đất An Nam, tất cả 14 trấn, 47 phủ, 187 huyện, 40 châu. (Trấn Nghệ An 9 phủ là Đức Quang, Diễn Châu, Hà Hoa, Anh Đô, Trà Lân, Quỳ Châu, Trấn Ninh, Lâm An, Ngọc Ma, 18 huyện là Hương Sơn, Nghi Xuân, Thanh Chương, La Sơn, Chân Lộc, Thiên Lộc, Đông Thành, Quỳnh Lưu, Kỳ Hoa, Thạch Hà, Nam Đường, Hưng Nguyên, Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên, Kỳ Sơn, Thúy Vân, Trung Sơn.

Quý Hợi, Gia Long năm thứ 2 [1803], Chiêu Nội ở Trấn Ninh xin nội thuộc. Trước kia vua từ thành Gia Định ra đánh miền Bắc, quốc trưởng nước Vạn Tượng là Chiêu ấn nhiều lần cho binh theo quan quân ở miền thượng đạo đi đánh giặc. Khi Bắc Hà đã định, vua lấy đất Trấn Ninh ban cho. Đến nay tù trưởng Trấn Ninh là Chiêu Xanh chết, Chiêu ấn lập người anh họ là Xà Cương thay giữ dân chúng. Con Chiêu Xanh là Chiêu Nội không phục, đem đồ đảng 600 người chạy đến Trà Lân (tức là Tương Dương). Việc ấy báo lên. Vua sai Trấn thần Nghệ An phát hơn 200 phương gạo cấp cho.

Mậu Thìn, Gia Long năm thứ 7 [1808], Tháng 6, lại lấy Lưu Phước Tường làm Lưu thủ Quảng Bình, triệu Lê Văn Luân về Kinh. Đổi chức chánh cai huyện các huyện thuộc Quỳ Châu và Trà Lân làm cai huyện, phó cai huyện làm ký huyện. Trấn thần Nghệ An thấy bọn chánh phó cai huyện ở bốn huyện thuộc phủ Trà Lân (Kỳ Sơn, Hội Nguyên, Tương Dương, Vĩnh Hòa) và hai huyện thuộc phủ Quỳ Châu (Trung Sơn, Thúy Vân) làm việc lâu ngày, nên tâu xin ban sắc cho họ. Vua y cho. Nhân hạ lệnh đổi chức cho hợp với quan chế.

Kỷ Mão, Gia Long năm thứ 18 [1819], Tháng 4 nhuận, hạ lệnh cho Nghệ An, Thanh Hoa, Thanh Bình làm hộ tịch… Đến như bốn huyện Tương Dương, Vĩnh Hòa, Hội Nguyên, Kỳ Sơn thuộc phủ Trà Lân, bốn huyện châu Thọ Xuân, Lang Chánh, Quan Gia, Tàm Châu thuộc phủ Thanh Đô, hai huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy thuộc phủ Thiệu Hóa, động Hàm Man thuộc hai châu Trình Cụ và Sơn Thôi, huyện Lạc Thổ thuộc phủ Thiên Quan, cùng bảy tổng miền thượng đạo huyện Quỳnh Lưu, sáu vạn ở mặt nước thuộc huyện Đông Thành, đều cho vẫn để sổ cũ.

Du lịch cộng đồng ngày càng phát triển tại huyện Tương Dương với nhiều điểm đến hấp dẫn. Ảnh: Đình Tuyên
Du lịch cộng đồng ngày càng phát triển tại huyện Tương Dương với nhiều điểm đến hấp dẫn. Ảnh: Đình Tuyên

Như vậy, 4 mốc thời gian nói trên hoàn toàn bất hợp lý và không chính xác. Lịch sử là những cái đã qua, nên không một ai có thể thấy tận mắt, nghe tận tai những gì xảy ra ngày trước. Như vậy, nếu muốn biết lịch sử như thế nào, chúng ta chỉ có thể dựa vào những tư liệu và nhân chứng đủ độ tin cận thông qua Bằng chứng gốc (original evidence) và Tài liệu gốc (primary documents). “Gốc” tức là tư liệu đó chưa từng trải qua sự sao chép hay viết lại. Và quan trọng hơn là tư liệu kia phải trực tiếp tham gia vào sự kiện được nói đến. Tất cả bằng chứng cứ liệu lịch sử trong bài viết nói trên không trực tiếp tham gia vào những sự kiện mà bản thân nó đề cập tới. Như vậy, độ xác tín thấp hơn so với bằng chứng gốc và tài liệu gốc. Ngay cả mốc thời gian 1469 mà chúng tôi đưa ra và khẳng định tại hội thảo lần 1 cũng như hội thảo lần 2 vẫn không phải là bằng chứng gốc (original evidence) và tài liệu gốc (primary documents), mà nó được ghi lại trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục được biên soạn vào thời Nguyễn.

Bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục được biên soạn muộn vào khoảng cuối thế kỷ 19, nhưng hệ thống tài liệu tham khảo của Cương mục khoảng trên 200 bộ, bao gồm dã sử, thơ văn, các tác phẩm của Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú... cùng các sách sử của Trung Quốc. Đặc biệt, Cương mục cũng đã tham khảo và dựa trên cơ sở nhiều bộ sử khác như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, có tham khảo các sách sử của Trung Quốc cùng các sách sử khác của Việt Nam. Bộ sách này được viết theo thể "cương mục" của Chu Hi thời Tống, chia ra "cương" (phần tóm tắt gọn và sáng) và "mục" (việc chép rộng ra cụ thể hơn), theo thứ tự năm, tháng, ngày ghi chép sự kiện lịch sử, tiểu sử các nhân vật, lời cẩn án giám định một số sự kiện, nhân vật và niên đại trên cơ sở khảo chứng các sách sử, tư liệu của Việt Nam và Trung Quốc, lời chú thích tên người, tên đất, chế độ thi cử, tổ chức hành chính, rải rác có các lời phê của vua Tự Đức.

Chính vì vậy, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục là bộ sử lớn thứ hai của Việt Nam, vừa tiếp thu được nhiều thành tựu của các sử gia tiền bối, đồng thời có nhiều đóng góp riêng có giá trị về sử học. Các nhà nghiên cứu ngày nay đều coi Đại Việt sử ký toàn thư Khâm định Việt sử thông giám cương mục làm hai bộ sử quan trọng làm điểm khởi phát để nghiên cứu các vấn đề liên quan của lịch sử Việt Nam. Cương mục đã “cẩn án” nhiều sự kiện lớn nhỏ trong lịch sử mà các bộ sử trước đây không ghi chép đến, hoặc ghi chép nhưng nhầm lẫn.

Ví như sự kiện Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh đánh Ai Lao, Toàn thư chép địa điểm là “Kiềm Châu”, nhưng văn bia Ma Nhai kỷ công bi văn thì địa điểm đó là “Mật Châu”; Toàn thư chép mốc thời gian là năm Giáp Tuất, nhưng văn bia Ma Nhai kỷ công bi văn lại ghi là năm Ất Hợi. Những dữ liệu mà Cương mục viết ra đều giống với văn bia tại thực địa, nên lời cẩn án từ Cương mục là hoàn toàn chính xác. Chúng tôi cho rằng, sự kiện Vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469) trong Cương mục là hoàn toàn có cơ sở khoa học và có độ xác tín.

Cương mục ghi rõ rằng, tháng 3 năm Kỷ Sửu, năm thứ 10 niên hiệu Quang Thuận (1469), Vua Lê Thánh Tông định bản đồ trong nước, đặt 12 thừa tuyên. Trong đó, thừa tuyên Nghệ An quản lĩnh tất cả gồm 8 phủ, 18 huyện, 2 châu. Cụ thể như sau:

1. Phủ Đức Quang quản lĩnh 6 huyện: Thiên Lộc, La Sơn, Chân Phúc, Thanh Chương, Hương Sơn và Nghi Xuân;

2. Phủ Diễn Châu quản lĩnh 2 huyện: Đông Thành và Quỳnh Lưu;

3. Phủ Anh Đô quản lĩnh 2 huyện: Hưng Nguyên và Nam Đường;

4. Phủ Hà Hoa quản lĩnh 2 huyện: Thạch Hà và Kỳ Hoa;

5. Phủ Trà Lân quản lĩnh 4 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Vĩnh Khang và Hội Ninh;

6. Phủ Quỳ Châu quản lĩnh 2 huyện: Trung Sơn và Thúy Vân;

7. Phủ Ngọc Ma quản lĩnh 1 châu: Trịnh Cao;

8. Phủ Lâm An quản lĩnh 1 châu: Quy Hợp.

Đặc biệt nhất, một thông tin ít người chú ý nhưng lại mang tính then chốt trong việc khẳng định mốc thời gian ra đời của danh xưng Tương Dương, chính là gần như tất cả những danh xưng của các huyện trên địa bàn Nghệ An Hà Tĩnh (như Tương Dương, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Xuân,… ) hầu như đều ra đời vào năm 1469.

Dưới thời Trần, danh xưng của một số địa phương như sau:

Nha Nghi (Nghi Xuân hiện nay),

Phi Lộc (Can Lộc hiện nay),

Đỗ Gia (Hương Sơn hiện nay),

Chi La (Đức Thọ hiện nay),

Tân Phúc (giữa Diễn Châu và Nghi Xuân hiện nay),

Thổ Du (Thanh Chương hiện nay),

Kệ Giang (một phần Thanh Chương hiện nay),

Thổ Hoàng (Hương Khê hiện nay).

Hà Hoàng (một phần Thạch Hà hiện nay),

Bàn Thạch (một phần Thạch Hà hiện nay),

Hà Hoa (Kỳ Anh hiện nay),

Kỳ La (một phần Kỳ Anh hiện nay)

Thạch Đường (một phần Nam Đàn hiện nay),

Đông Ngàn (Đông Thành hiện nay),

Lộ Bình (Hưng Nguyên hiện nay),

Sa Nam (một phần Nam Đàn hiện nay).

Chúng ta thấy rằng, những danh xưng dưới thời Trần như trên đều đã được thay đổi và đặt lại tên từ sự kiện Vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469). Và để đánh dấu sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn lao này, sang năm Canh Dần, Vua Lê Thánh Tông cũng đã đổi niên hiệu từ Quang Thuận sang Hồng Đức. Cải tổ hệ thống chính quyền địa phương luôn là vấn đề được các triều đại phong kiến Việt Nam quan tâm thực hiện. Trong lịch sử nước ta, công cuộc cải tổ hệ thống chính quyền địa phương dưới triều Vua Lê Thánh Tông (thời Lê) và triều Minh Mênh (thời Nguyễn) được coi là có quy mô và thành công nhất và gần như tồn tại cho đến tận ngày nay. Chính vì vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, tên gọi “Tương Dương” có từ tháng 3 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469). Ngoài việc lần đầu tiên xuất hiện tên gọi, thì Tương Dương cũng xuất hiện lần đầu tiên như là một đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc phủ, mang ý nghĩa đơn vị tương đương với huyện Tương Dương ở thời hiện đại. Điều đặc biệt hơn đó chính là trong đợt san định bản đồ lần này, cũng là thời gian ra đời của rất nhiều tên gọi các địa phương khác của Nghệ An như Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đường, Đông Thành, Quỳnh Lưu… đều ra đời vào năm 1469.

Vân Thắng