Thời sự

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn

Phạm Bằng 30/12/2024 12:22

Sáng 30/12, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 12/2024.

Tham dự phiên họp có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

bna_img_9028.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 12/2024.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc xây dựng đồ án quy hoạch nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020- 2025.

Cùng đó, phát huy vị thế và sức mạnh tổng hợp của huyện trong phát triển kinh tế- xã hội gắn với các định hướng bền vững, khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội và ngoại vùng. Trong đó, tập trung vào các thế mạnh nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và các loại hình công nghiệp, dịch vụ cho lĩnh vực nông nghiệp.

bna_img_9131.jpg
Đồng chí Phạm Trọng Hoàng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy góp ý vào đồ án. Ảnh: Phạm Bằng

Đồ án cũng tạo lập cơ sở pháp lý để triển khai lập và quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng xã, quy hoạch các khu chức năng, làm tiền đề thu hút đầu tư phát triển huyện Nghĩa Đàn.

Đồng thời, tạo hành lang để bảo vệ môi trường thích ứng với chống chịu biến đổi khí hậu, giữ gìn di sản văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và phát triển bản sắc văn hóa địa phương; làm cơ sở pháp lý cho việc hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Nghĩa Đàn đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Đồ án quy hoạch xác định, Nghĩa Đàn là huyện nông thôn mới, có nền kinh tế hàng hóa và dịch vụ gắn với thị xã Thái Hòa, trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An.

Đây cũng là vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Tây Bắc tỉnh Nghệ An và vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ; là khu vực kinh tế năng động, có nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc, có xã hội ổn định và phát triển; khu vực có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh - quốc phòng phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An.

bna_img_9166.jpg
Đồng chí Hồ Lê Ngọc - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy góp ý vào đồ án. Ảnh: Phạm Bằng

Đồ án định hướng không gian phát triển huyện Nghĩa Đàn thành 3 vùng theo hướng khai thác hiệu quả các tiềm năng của khu vực.

Phân vùng 1 (phân vùng phát triển phía Đông Bắc - vùng trung tâm) gồm thị trấn Nghĩa Đàn và các xã: Nghĩa Hội, Nghĩa Bình, Nghĩa Lạc, Nghĩa Lợi, Nghĩa Thọ (sáp nhập Nghĩa Phú vào Nghĩa Thọ, lấy tên là Nghĩa Thọ).

Đây là vùng động lực của huyện lấy thị trấn huyện lỵ Nghĩa Đàn làm trung tâm, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và vùng phát triển Khu Kinh tế Đông Nam; tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ; hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ và của tỉnh Nghệ An. Hạt nhân phát triển là thị trấn Nghĩa Đàn (đô thị loại V) là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và kinh tế tổng hợp.

Phân vùng 2 (phân vùng phía Tây Bắc) gồm các xã: Nghĩa Sơn, Nghĩa Trung, Nghĩa Hồng, Nghĩa Minh, Nghĩa Lâm, Nghĩa Yên, Nghĩa Mai, Nghĩa Thành và Nghĩa Hưng (sáp nhập Nghĩa Hiếu và Nghĩa Thịnh vào Nghĩa Hưng, lấy tên là Nghĩa Hưng).

Đây là vùng trung tâm sản xuất nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi gia súc gắn với trang trại TH, kết hợp kinh tế rừng. Hạt nhân phát triển là đô thị Nghĩa Sơn (đô thị loại V).

Phân vùng 3 (phân vùng phía Nam) gồm các xã: Nghĩa Long, Nghĩa Lộc, Nghĩa Khánh, Nghĩa An, Nghĩa Đức.

Đây là vùng phát triển mở rộng Cụm công nghiệp Nghĩa Long và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp trồng rừng hồ Khe Đá và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Hạt nhân phát triển là đô thị Nghĩa Long (đô thị loại V).

bna_img_9181-378b5a085fd639c32fccdf4a95ebba53.jpg
Đồng chí Hoàng Sỹ Kiện - Giám đốc Sở Xây dựng giải trình, làm rõ các ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Phạm Bằng

Định hướng phát triển chính của huyện trong thời gian tới là phát triển đô thị, dịch vụ gắn với định hướng phát triển thị xã Thái Hòa, phát triển mạnh theo các tuyến đường chính: Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 48, Quốc lộ 48D.

Định hướng phát triển không gian đô thị của Nghĩa Đàn gồm 3 đô thị: Thị trấn Nghĩa Đàn (đô thị loại V), đô thị Nghĩa Sơn (đô thị loại V), đô thị Nghĩa Long (đô thị loại V).

Dự báo thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đến năm 2030 đạt khoảng 120 triệu đồng/ người/ năm; đến năm 2050 đạt khoảng 150 triệu đồng/ người/ năm.

Giai đoạn đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt khoảng 14,5%/năm. Giai đoạn 2025 - 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt khoảng 18%/năm.

1 08.24.59
Bản đồ định hướng phát triển không gian vùng huyện Nghĩa Đàn.

Giai đoạn 2031 - 2050, tiếp tục duy trì và phát triển toàn diện; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn và phát huy; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thông qua đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phân tích các nội dung trong đồ án, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trong đồ án quy hoạch phải tính đến mối quan hệ giữa định hướng không gian phát triển huyện Nghĩa Đàn với định hướng mở rộng không gian đô thị thị xã Thái Hoà; xác định diện tích có thể tác động để mở rộng, phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trong khu kinh tế.

bna_img_9223.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận. Ảnh: Phạm Bằng

Bên cạnh đó, đồ án cần xác định phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vì Nghĩa Đàn là huyện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ của Nghệ An và của cả nước. Tinh thần trong giai đoạn tới, Nhà nước chỉ xây dựng khuôn khổ thể chế và tạo cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện và phê duyệt đồ án theo đúng quy định. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm xây dựng và hoàn thiện các đồ án quy hoạch vùng huyện trong năm 2025, chậm nhất trong năm 2026.

Phạm Bằng