Pháp luật

Nghệ An sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra, xử lý tồn tại, vi phạm trong hoạt động khoáng sản

Nhật Lân 02/01/2025 13:40

Việc Đoàn liên ngành theo Quyết định số 1212/QĐ-UBND của UBND tỉnh kiểm tra chỉ rõ những tồn tại, vi phạm của 23 doanh nghiệp khoáng sản ở huyện Quỳ Hợp và kiến nghị xử phạt hơn 9,8 tỷ đồng cho thấy công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản vẫn cần tiếp tục được tăng cường.

Nhiều tồn tại, vi phạm

Ngày 20/10/2023, UBND tỉnh có Quyết định số 3404/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn liên ngành được UBND tỉnh kiện toàn lại thông qua Quyết định số 1212/QĐ-UBND ngày 17/5/2024.

Đối tượng kiểm tra của Đoàn liên ngành gồm 23 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (24 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó 17 giấy phép được UBND tỉnh cấp, 7 giấy phép Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp).

Nội dung kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, chấp hành thiết kế mỏ, an toàn lao động, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế và pháp luật khác có liên quan; niên độ từ ngày 1/1/2018 đến thời điểm kiểm tra.

Một vùng mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân
Một vùng mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân

Về tình trạng hoạt động, có 18 doanh nghiệp/19 giấy phép đang triển khai hoạt động khai thác khoáng sản; 5 doanh nghiệp đã tạm dừng khai thác từ gần 1 năm trở lên do không có thị trường tiêu thụ. Kết quả kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý sau cấp phép; quá trình hoạt động, cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, vi phạm trong việc chấp hành pháp luật đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, thiết kế mỏ, vật liệu nổ công nghiệp, an toàn lao động, và việc chấp hành pháp luật về thuế.

Đơn cử, trong 23 doanh nghiệp được kiểm tra, có 11 doanh nghiệp sử dụng đất làm khu vực văn phòng mỏ, bãi thải, bãi tập kết sản phẩm phục vụ khai thác mỏ khi chưa được UBND tỉnh cho thuê đất. Có 22 doanh nghiệp lập báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được cấp phép không đầy đủ thông tin theo mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định; có 22 doanh nghiệp lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm. Tất cả 23 doanh nghiệp lập bản đồ hiện trạng hàng năm còn thiếu một số thông tin như: Về khu vực đổ thải, bãi chứa sản phẩm; các khối trữ lượng, công trình thăm dò khoáng sản...; có 5 doanh nghiệp có dấu hiệu khai thác khoáng sản vượt ranh giới cấp phép.

Anh 2
Một điểm khai thác đá trắng ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân

Có 3/23 doanh nghiệp không lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm theo quy định. 7/23 doanh nghiệp khai thác không đúng thiết kế mỏ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 3/23 doanh nghiệp không nộp thiết kế mỏ đã phê duyệt cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản.

6/23 doanh nghiệp lập hộ chiếu nổ mìn không đầy đủ nội dung theo mẫu ban hành tại Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15/6/2018 của Bộ Công Thương; 2/23 doanh nghiệp vi phạm quy chuẩn kỹ thuật an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; 1/23 doanh nghiệp không thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn và không xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; cá biệt còn có 1 doanh nghiệp báo cáo sai lệch số liệu về tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Trong việc chấp hành pháp luật an toàn lao động, 20/23 doanh nghiệp có vi phạm như không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; không thực hiện quan trắc môi trường lao động để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động theo quy định của pháp luật; không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; không khám sức khỏe định kỳ đủ 2 lần/năm...

Về chấp hành pháp luật thuế, có 18/23 doanh nghiệp còn kê khai sai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng,... với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng.

Một khu công nghiệp tập trung các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khoáng sản ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thành Cường
Một khu công nghiệp tập trung các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khoáng sản ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Thành Cường

Từ kết quả kiểm tra, Đoàn liên ngành đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Cục thuế và Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 doanh nghiệp có hành vi vi phạm với tổng số tiền hơn 9,8 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt, truy thu vi phạm về lĩnh vực thuế hơn 4,2 tỷ đồng; xử phạt vi phạm các lĩnh vực khác với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng.

“Tiếp tục tăng cường kiểm tra…”

Trưởng đoàn liên ngành theo Quyết định số 1212/QĐ-UBND, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, căn cứ kết quả kiểm tra, cùng với việc kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm, thực hiện truy thu đối với các doanh nghiệp liên quan; Đoàn đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản; khẩn trương khắc phục tồn tại, vi phạm.

Mặt khác, kiến nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Quỳ Hợp kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan đến tồn tại, vi phạm của 23 doanh nghiệp mà không kịp thời phát hiện, xử lý; chủ trì, phối hợp với UBND các xã đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc khắc phục các tồn tại, vi phạm của các doanh nghiệp được Đoàn liên ngành kiểm tra; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ gây tai nạn lao động, các nguy cơ gây sự cố về môi trường do hoạt động khoáng sản gây ra…

Kiến nghị UBND tỉnh giao Công an tỉnh tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản. Tập trung đấu tranh các hành vi khai thác khoáng sản trái phép; mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không rõ nguồn gốc và hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực thuế.

Một điểm khai thác đá trắng ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân
Ở huyện Quỳ Hợp, đã không ít lần xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Trong ảnh là khoáng sản đá trắng khai thác trái phép bị Công an tỉnh phát hiện, thu giữ ở núi Phá Cụm, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp năm 2021. Ảnh: Nhật Lân

Giao Cục Thuế tỉnh đôn đốc các doanh nghiệp chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà Đoàn kiểm tra chuyển hồ sơ, đề nghị cơ quan thuế xử phạt theo thẩm quyền; có giải pháp hiệu quả, tăng cường công tác chống thất thu thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực khoáng sản; thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, phí của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản theo đúng quy định pháp luật. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, tái phạm theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, giao các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành có thông báo, đôn đốc bằng văn bản yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện khắc phục các sai phạm, tồn tại liên quan và có biện pháp xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp không khắc phục theo yêu cầu. Thực hiện tốt nhiệm vụ được UBND tỉnh phân công tại Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/3/2017 và Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 1/6/2017.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Quang Huy, giai đoạn năm 2021 - 2022, Đoàn liên ngành theo Quyết định số 3892/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh đã kiểm tra, chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản được kiểm tra; kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền xử phạt, truy thu hơn 44 tỷ đồng.

Anh 1
Một điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân

Bởi vậy, cùng với kết quả của lần kiểm tra này, minh chứng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh là đúng đắn, cần thiết. Khẳng định qua công tác thanh kiểm tra, sẽ góp phần thay đổi nhận thức cho các doanh nghiệp khoáng sản trong việc chấp hành các quy định của pháp luật; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước ở các cấp, ngành liên quan; đồng thời, đánh giá chính xác được những tồn tại, vướng mắc để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Quang Huy trao đổi: “Kết quả kiểm tra của Đoàn đã được báo cáo lên UBND tỉnh. Ngày 26/12/2024, UBND tỉnh có Văn bản số 11611/UBND-NN đồng ý với nội dung báo cáo, trong đó đã giao UBND huyện Quỳ Hợp cùng các sở, ngành liên quan thực hiện các nội dung Đoàn liên ngành kiến nghị.

Như vậy, nhiệm vụ của Đoàn liên ngành theo Quyết định số 1212/QĐ-UBND đã hoàn thành. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản có ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh và vẫn còn phức tạp. Vì vậy, công tác thanh, kiểm tra vẫn sẽ được duy trì trong thời gian tới như Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo…”.

Nhật Lân