Thời sự

Nghệ An xếp hạng 37 về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Phạm Bằng 08/01/2025 09:48

Điểm mạnh của tỉnh Nghệ An gồm các chỉ số: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT; Đóng góp trong GDP cả nước; Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển; Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 (viết tắt là PII - Provincial Innovation Index).

Chỉ số này cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.

2.jpg
Bảng xếp hạng 10 địa phương có Chỉ số đổi mới sáng tạo cao nhất cả nước.

Kết quả, Hà Nội là địa phương có điểm số cao nhất, đạt 60,76 điểm, xếp hạng 1. Tiếp sau đó là TP. Hồ Chí Minh (hạng 2), Hải Phòng (hạng 3), Bà Rịa- Vũng Tàu (hạng 4), Đà Nẵng (hạng 5), Quảng Ninh (hạng 6), Cần Thơ (hạng 7), Bình Dương (hạng 8), Thái Nguyên (hạng 9), Bắc Giang (hạng 10).

Cao Bằng là địa phương có điểm số thấp nhất, đạt 23,95 điểm, xếp hạng 63. Xếp trên Cao Bằng là tỉnh Lai Châu với 22,87, xếp hạng 62; Gia Lai đạt 25,83 điểm, xếp hạng 61.

Tỉnh Nghệ An xếp hạng 37 với 32,69 điểm. So với năm 2023, Nghệ An giảm 4 bậc, giảm 3,81 điểm.

Điểm mạnh của tỉnh Nghệ An gồm các chỉ số: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT; Đóng góp trong GDP cả nước; Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển; Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Điểm yếu của tỉnh Nghệ An gồm các chỉ số: Thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự; Tỷ lệ học sinh trung học tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật; Tỷ lệ đất công nghiệp đã được xây dựng kết cấu hạ tầng; Số lượng doanh nghiệp có chứng chỉ ISO/1.000 doanh nghiệp; Số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên/tổng số xã.

3(2).jpg
Điểm số 7 trụ cột trong khung Chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh Nghệ An năm 2024.

Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi, tập trung ở các vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng.

Các vùng này cũng có ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.

Các địa phương thuộc nhóm cuối còn hạn chế trong phát triển kinh tế, xã hội, chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế, xã hội, tập trung ở các vùng Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc.

Việc so sánh trực tiếp về thứ hạng giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối, không phải là mục đích chính của PII. Lý do mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau.

Chỉ số PII sẽ cung cấp căn cứ để lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đưa ra các chủ trương, quyết sách nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Khung chỉ số PII năm 2024 có 52 thành phần, chia làm 7 trụ cột:

- 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Thể chế; vốn con người, nghiên cứu và phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp.

- 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động.

Phạm Bằng