Xã hội

Cần đảm bảo quyền lợi cho gần 100 hộ dân sống tạm trên đất công trường ở huyện Tương Dương

Tiến Hùng 08/01/2025 10:05

Liên quan đến gần 100 hộ dân sống tạm trên đất công trường mà Báo Nghệ An phản ánh, lãnh đạo UBND huyện Tương Dương cho biết, đang tiếp tục chủ trì phối hợp với chủ đầu tư xây dựng phương án, báo cáo trình UBND tỉnh xin chủ trương xử lý vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Nhà thầu bán tài sản trái quy định

Ngày 7/1, ông Đinh Hồng Vinh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, địa phương đã có văn bản trả lời vấn đề Báo Nghệ An phản ánh trong bài viết “Khát vọng an cư của gần 100 hộ dân xã Yên Na sống tạm trên đất công trường”, đăng tải ngày 11/12. Trước đó, sau khi Báo Nghệ An phản ánh, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chỉ đạo kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc và trả lời bằng văn bản.

Một ngôi nhà do nhà thầu bán cho người dân sinh sống hơn 10 năm nay.
Một ngôi nhà do nhà thầu bán cho người dân sinh sống hơn 10 năm nay. Ảnh: Tiến Hùng

Theo ông Đinh Hồng Vinh, 20 năm trước, để triển khai Dự án Thủy điện Bản Vẽ, UBND huyện đã thu hồi đất, bồi thường GPMB để bàn giao cho chủ đầu tư tiến hành thi công khu mặt bằng công trường phục vụ xây dựng công trình. Sau khi dự án đã hoàn thành (từ năm 2012), trách nhiệm của chủ đầu tư là phải hoàn trả mặt bằng sạch trước khi bàn giao cho chính quyền địa phương đưa quỹ đất vào quản lý, thực hiện theo quy hoạch, không để lãng phí đất, không để người dân lấn chiếm.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, chủ đầu tư cũng như các nhà thầu chưa thực hiện hoàn trả mặt bằng để bàn giao đất, dẫn đến các hộ dân tự ý lấn chiếm xây dựng nhà ở, cũng như sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc trong phạm vi đất của dự án. Mặt khác, có một số nhà thầu tự ý bán tài sản như lán trại công nhân, nhà công vụ, trạm y tế... cho người dân địa phương để làm nhà ở trái quy định, dẫn đến vướng mắc trong công tác bàn giao đất từ đó đến nay.

Lãnh đạo UBND huyện cho hay, sau khi Báo Nghệ An phản ánh, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã có cuộc làm việc với Tổng Công ty Phát điện 1 (chủ đầu tư Thủy điện Bản Vẽ). Sau đó, các bên đã thống nhất, chủ đầu tư tiếp tục bố trí kinh phí để xử lý hoàn trả mặt bằng sạch đối với phần diện tích bàn giao cho địa phương quản lý sau khi đã xử lý được những tài sản trên đất của các hộ dân đang sử dụng. Còn UBND huyện Tương Dương tiếp tục chủ trì phối hợp với chủ đầu tư, UBND xã Yên Na xây dựng phương án, báo cáo trình UBND tỉnh xin chủ trương xử lý vướng mắc đối với trường hợp người dân tự lấn chiếm đất để xây dựng nhà ở, hoặc do mua lại tài sản của các nhà thầu.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tương Dương, sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, chủ đầu tư sẽ bố trí kinh phí để thuê đơn vị tư vấn tiến hành đo đạc địa chính nhằm xử lý các vướng mắc liên quan, đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân trong phạm vi đất mặt bằng công trường do chủ đầu tư trả lại cho địa phương quản lý.

Dãy nhà ở công nhân bị bán trái quy định.
Dãy nhà ở công nhân bị bán trái quy định. Ảnh: Tiến Hùng

Dùng dằng chuyện bồi thường bổ sung

Cũng tại dự án thủy điện này, cuối tháng 8/2018, mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 4, Thủy điện Bản Vẽ xả lũ ồ ạt khiến nhiều nhà dân sống ven sông Nậm Nơn bị cuốn trôi. Tại cuộc họp ngày 28/3/2019 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, hướng giải quyết đã được thống nhất. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các địa phương liên quan rà soát, xử lý các vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bản Xốp Cháo và thiệt hại sau bão số 4 của các hộ dân xã Yên Na để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Sau đó, UBND huyện Tương Dương và các cơ quan liên quan đã khảo sát, lập hồ sơ khái toán kinh phí hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho người dân. Tổng Công ty Phát điện 1 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã thống nhất hỗ trợ xây dựng khu tái định cư tại bản Xốp Cháo hơn 25 tỷ đồng (bao gồm các hạng mục đường giao thông, cầu nối bản Xốp Cháo với bản Cà Moong, hệ thống cấp nước tự chảy) và khu tái định cư Khe Chóng để di dời khẩn cấp 19 hộ dân tại bản Vẽ (xã Yên Na) bị sạt lở đất trôi nhà do Thủy điện Bản Vẽ xả lũ với kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng.

z6207392814399_132900f0320cbe056007d0785a515028.jpg
Do chưa được đầu tư hạ tầng, người dân bản Cà Moong vẫn phải đi lại bằng thuyền. Ảnh: Tiến Hùng

Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã có rất nhiều công văn, báo cáo của huyện Tương Dương, UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ…, nhưng việc xây dựng hạ tầng để người dân 2 bản kể trên ổn định cuộc sống vẫn chưa được thực hiện. Ngày 28/8/2024 vừa qua, Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiến nghị cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện hỗ trợ người dân tái định cư với kinh phí từ nguồn đầu tư dự án. Ngày 14/10, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Công Thương, UBND tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp, triển khai thực hiện các biện pháp đã thống nhất để ổn định cuộc sống cho người dân.

Thế nhưng, ngày 26/11/2024, Tổng Công ty Phát điện 1 lại có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An viện dẫn quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 10 năm 2021 cho rằng, đơn vị này “không đủ thẩm quyền chấp thuận hỗ trợ tái định cư bổ sung bằng nguồn vốn của dự án mà thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ”.

Ngay sau đó, ngày 27/12/2024, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc đôn đốc triển khai tổ chức thực hiện việc hỗ trợ tái định cư bổ sung Dự án Thủy diện Bản Vẽ.

Trong văn bản này, Bộ Công Thương cho hay, ngày 13/04/2019, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong cuộc họp giải quyết các vấn đề sau lũ năm 2018 và các tồn tại, vướng mắc của dự án trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và các huyện Tương Dương, Thanh Chương rà soát các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thiệt hại sau bão số 4 của người dân vùng Dự án Thủy điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của dự án. Trên cơ sở đó, xem xét, xử lý hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư của Dự án Thủy điện Bản Vẽ theo đúng quy định hiện hành, nhằm giúp người dân vùng dự án khắc phục tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư.

Cũng theo Bộ Công Thương, bên cạnh đó, ngày 14/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã có chỉ đạo bằng văn bản. Trong đó nêu rõ, “… căn cứ Báo cáo số 218/BC-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2024, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao, xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và ý kiến lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo tại Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 13 tháng 4 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ; khẩn trương phối hợp, triển khai thực hiện các biện pháp để ổn định cuộc sống cho người dân”.

Từ những văn bản này, Bộ Công Thương đánh giá là đầy đủ cơ sở pháp lý để EVN và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo Báo cáo số 218/BC-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2024 về việc hỗ trợ tái định cư bổ sung đối với dự án. Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc hỗ trợ bổ sung cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án theo các công việc và giá trị đã được thống nhất với UBND tỉnh Nghệ An.

“Trường hợp EVN đánh giá là chưa rõ các nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đề nghị EVN trực tiếp báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm triển khai các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ”, văn bản của Bộ Công thương nêu.

Tiến Hùng