Xã hội

Băn khoăn về đào tạo nghề hệ sơ cấp cho lao động nông thôn ở Nghệ An

Thanh Nga 08/01/2025 17:09

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện nhiều năm nay và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc thu hút lao động ở vùng nông thôn đi học nghề đang gặp khó. Nguyên nhân là bởi họ e ngại việc chuyển đổi nghề nghiệp, băn khoăn về trình độ tay nghề đạt được khi chỉ với 3 tháng được đào tạo.

Khó thu hút học viên

img_8686.jpg
Dạy nghề Kỹ thuật chế biến món ăn cho lao động nông thôn hệ sơ cấp tại xã Nghi Thạch (Nghi Lộc). Ảnh: Thanh Nga

Lớp Kỹ thuật chế biến món ăn được huyện Nghi Lộc phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật (KT-KT) Hồng Lam thực hiện từ tháng 10/2024 đến 15/12/2024, với 35 học viên. Tuy nhiên, nhiều học viên vì công việc thường nhật đã bỏ dở việc học, đến ngày bế giảng chỉ còn 30 học viên.

Tham gia lớp học này, chị Phùng Thị Hoà xã Nghi Thạch cho biết: "Từ trước đến nay, tôi chỉ làm công việc thời vụ cho thu nhập ngay trong ngày như thu mua bán đồng nát, dọn nhà… Khi được xã vận động học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, tôi đồng ý ngay và mong muốn sau khi học, có tay nghề để gia nhập vào các tổ đội nấu ăn trên địa bàn xã hoặc có thể đứng phụ bếp nấu những món ăn thông thường cho các nhà hàng, khách sạn". Sau khóa học, tay nghề của chị được nâng cấp rất nhiều, từ vài món ăn thông thường nay chị có thể nấu được 30 món ăn Việt với kỹ thuật mới.

img_8692.jpg
Các học viên lớp Kỹ thuật chế biến món ăn xã Nghi Thạch. Ảnh: Thanh Nga

Không như chị Hoà, chị Trương Thị Thanh ở xóm 8, xã Nghi Thạch cũng là hộ cận nghèo trên địa bàn xã được thu hút vào lớp học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn. Thế nhưng, chị Thanh không mong muốn chuyển đổi nghề như định hướng của chính quyền xã, bởi chị đang có trong tay nghề dịch vụ spa ở một tiệm làm đẹp trên địa bàn.

Chị Thanh chia sẻ: "Tôi đi học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn để thỏa niềm đam mê và mong có dịp thể hiện tay nghề cho gia đình trong những ngày lễ, tết. Đi học nghề nấu ăn còn được tiền hỗ trợ nên chúng tôi rất vui khi được tham gia lớp học này".

Chị Phạm Thị Nga - cán bộ chính sách xã Nghi Thạch cho biết: Mỗi năm để thu hút được các thành viên hộ nghèo và cận nghèo tham gia các lớp học nghề sơ cấp do huyện phối hợp với Trường nghề tổ chức, cán bộ chính sách các xã phải rất khó khăn trong công tác vận động. Sở dĩ như vậy là vì các thành viên hộ nghèo không muốn tham gia các lớp đào tạo nghề.

Theo bà Nguyễn Thị Lộc - Phòng LĐ,TB & XH huyện Nghi Lộc: Nhiều năm trước, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hệ sơ cấp đối với đối tượng là hộ nghèo và cận nghèo thu hút rất đông học viên vì tâm lý chỉ học ngắn ngày, nhưng có nghề trong tay. Bên cạnh đó, người lao động đi học còn được hỗ trợ 30.000 đồng/người/ngày, sau 3 tháng có người còn nhận được gần 3 triệu đồng, nên mọi người rất phấn khởi.

Thế nhưng, càng về sau số lượng lao động càng ít đi, thậm chí chúng tôi phải đến từng hộ, gặp từng người để tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không thu hút được học viên cho các lớp học nghề như thú y, trồng cây có múi, chăn nuôi... Năm 2023, toàn huyện có 11 lớp gồm kỹ thuật chế biến món ăn, may công nghiệp, trồng cây có múi. Tuy nhiên, năm 2024 chỉ có 8 lớp, chủ yếu là Kỹ thuật chế biến món ăn. Xã nào nhận nhiệm vụ cũng cho biết rất khó thu hút lao động đăng ký học nghề.

hoc-ky-thuat-che-bien-mon-an.jpg

Phụ trách các lớp học nghề đào tạo theo hệ sơ cấp cho lao động tại địa phương, thầy giáo Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp KT – KT Hồng Lam cho biết: Nhiều năm nay, chúng tôi thực hiện hợp đồng đào tạo cho các huyện như Nghi Lộc, Tân Kỳ, Con Cuông, thị xã Hoàng Mai, với các nghề như trồng cây có múi, kỹ thuật chế biến món ăn, may công nghiệp. Các học viên trong quá trình tham gia học nghề rất hào hứng để chuyển đổi nghề nghiệp nhất là đối với nghề Kỹ thuật chế biến món ăn và May công nghiệp, nhưng sau khi học, nhiều người vẫn không có cơ sở để chuyển đổi nghề.

bna_1412.jpg
Học lý thuyết tại trường Trung cấp DTNT Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Tình trạng khó thu hút lao động nông thôn đối tượng nghèo và cận nghèo tham gia các lớp học nghề xảy ra phổ biến ở các huyện, thành, thị, nhất là đối với các huyện vùng cao.

Ông Lê Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung cấp DTNT Nghệ An cho biết: Nhiều năm trước, chúng tôi hợp đồng với các huyện miền Tây Nghệ An, tập trung nhiều ở các huyện Con Cuông, Anh Sơn để đào tạo các nghề như trồng nấm, nuôi ong, chăn nuôi lợn, dê, gà, may thời trang, dệt thổ cẩm. Năm 2024 trường cũng đào tạo cho 620 người, tuy nhiên để các học viên chuyển đổi được nghề nghiệp thì chỉ có những người tham gia học ngành may mới khả thi cao.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Bà Hồ Thị Châu Loan – Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: Năm 2024, toàn tỉnh đào tạo hệ Sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 52.350 lượt người, đạt 103% kế hoạch (giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2023). Kinh phí đào tạo nghề được sử dụng từ nguồn ngân sách Trung ương theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Trong đó, chủ yếu đào tạo lao động tham gia sản xuất trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Sở dĩ càng ngày việc thu hút lao động tham gia vào các lớp học nghề hệ sơ cấp, ngắn hạn càng khó khăn dù nguồn vốn được bố trí cho hạng mục này khá lớn, là bởi công tác tuyên truyền vẫn chưa được thường xuyên, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến một số đối tượng chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ học nghề. Bên cạnh đó, lao động có thói quen đi làm thời vụ trong ngày và nhận tiền ngay, nên không mặn mà với học nghề.

Nguyên nhân khác nữa là lao động rất khó chuyển đổi nghề nghiệp sau đào tạo. Theo các đại biểu trong cuộc họp Tổng kết công tác lao động năm 2024, thời gian đào tạo các lớp học nghề khoảng 3 tháng nên học viên chỉ mới nắm sơ bộ cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản; kỹ năng chưa đủ để xin việc hoặc tự tạo việc làm riêng. Đặc biệt, hiện nay Nhà nước chỉ hỗ trợ học viên là hộ nghèo, cận nghèo, còn lao động nông thôn không được hỗ trợ nên rất khó vận động họ học nghề.

Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ,TB&XH cho biết: Hiện nay, dù nguồn vốn hỗ trợ cho đào tạo nghề hệ sơ cấp lớn, nhất là nhóm đối tượng thuộc chương trình Tiểu dự án 3, Dự án 5 Chương trình mục tiêu Quốc gia dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, việc thu hút lao động ở diện hộ nghèo và cận nghèo rất khó khăn. Nguyên nhân là bởi lao động thuộc diện hộ nghèo ngày càng ít, đối tượng bảo trợ yếu thế thì không thể tham gia học nghề.

Hơn nữa, cơ chế, chính sách liên quan đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa kịp thời, dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện kế hoạch ở địa phương còn lúng túng.

Bên cạnh đó, lao động tại địa phương hiện nay chủ yếu là người cao tuổi, số lao động độ tuổi thanh niên, trung niên ở lại địa phương còn rất ít. Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương chưa hiệu quả. Đặc biệt, việc liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên sau đào tạo còn hạn chế.

Để đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 71,5%; trong đó, có văn bằng chứng chỉ 31%, trong năm 2025, tỉnh sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong đó, chú trọng đào tạo các nghề để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, đào tạo cho người lao động biết nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, các sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền. Đối với ngành phi nông nghiệp phải gắn kết đầu ra với các doanh nghiệp trên địa bàn như ngành May, Kỹ thuật chế biến món ăn...

Để tăng thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề, đại diện huyện Tường Dương trong buổi Tổng kết công tác lao động năm 2024 kiến nghị: Tỉnh cần kịp thời bổ sung các nghề mới, nghề đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn, miền núi và đáp ứng với các yêu cầu phát triển kinh tế vùng miền như nghề dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp, các mã nghề phi nông nghiệp khác phù hợp với nhu cầu thị trường...

Thanh Nga