Người dân vùng cao Nghệ An vào rừng ‘hái lá đếm tiền’
Dịp đầu tháng Chạp âm lịch cũng là cao điểm vào mùa hái lá dong ở các bản làng vùng cao. Nguồn lá dong gói bánh chưng chủ yếu thu hái tự nhiên. Áp Tết Ất Tỵ, nhiều hộ dân vào rừng thu hái lá dong, thu nhập hàng trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Ở xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, với vị trí địa lý gần các vùng rừng trồng, rừng tự nhiên được khoanh nuôi bảo vệ, người dân quanh năm có các khoản thu nhập từ thu nhặt lâm sản phụ như măng, lá dong, các loại cây dược liệu… Những ngày đầu tháng Chạp âm lịch là cao điểm bà con vào rừng hái lá dong.
Anh Vi Văn Dấu ở bản Măn, xã Châu Nga cho biết, từ sáng tinh mơ, anh đã cùng một số hộ gần nhà lập nhóm để vào rừng hái lá dong. Họ phải đi xe máy khoảng 20 phút, sau đó để xe ở bìa rừng, đi bộ khoảng 2 km nữa mới đến vùng rừng có nhiều cây dong mọc, có lá đẹp.
Từng nhóm 3-5 người mang theo dao và gùi, bao bì và xe máy để thu hái, vận chuyển lá ra trung tâm xã để bán cho thương lái. Sau khi bán xong xuôi thì trời cũng đã tối sầm, lúc đó mới trở về nhà.
“Tùy vào vùng rừng có nhiều hay ít, mỗi người đi 1 ngày có thể thu hái được 200 - 300 lá, mang về bản bán cho khách lẻ với giá 1 ngàn đồng/lá. Lá được buộc thành bó số lượng 50 lá/bó. Còn bán cho khách sỉ thì giá thấp hơn, song ở xã Châu Nga chủ yếu bán cho khách lẻ mua làm bánh dịp Tết” – anh Vi Văn Dấu cho biết.
Cao điểm mùa thu hái lá dong thường từ đầu tháng Chạp âm lịch đến khoảng 20 tháng Chạp, tức là trước ngày Tết ông Công, ông Táo. Tính ra mỗi người nếu siêng năng cũng có thể kiếm thêm 3 – 5 triệu đồng để mua sắm Tết từ bán lá dong.
Cũng như ở xã Châu Nga, nhiều địa phương miền núi khác, những bản làng sống gần vùng rừng có lá dong mọc tự nhiên, người dân từ sáng sớm đều tích cực vào rừng thu hái tranh thủ bán phục vụ thị trường Tết.
Ở bản Huồi Mũ, xã Huồi Tụ, nơi chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, dịp này hầu hết các hộ dân nơi đây cũng đều lên núi, xuống khe tìm vùng rừng có lá dong mọc tự nhiên để thu hái. Chị Vừ Y Xì ở bản Huồi Mũ cho biết, dịp này bà con vẫn lên nương trồng rau, chăm sóc trâu, bò và tranh thủ tìm vùng rừng có lá dong để hái.
Một ngày “lên rẫy từ khi sương còn dày và trời còn chưa sáng, đi bộ cũng xa lắm mới hái được một bế, khoảng 5-6 bó và ra bán ở dọc đường, hoặc bán theo đơn đặt hàng của người quen với giá 18 ngàn đồng/bó. Một bó là 50 lá” – chị Vừ Y Xì cho biết.
Cũng như chị Y Xì, nhiều chị em khác ở xã Huồi Tụ dịp này cũng tranh thủ tìm vùng lá dong để thu hoạch, kiếm thêm thu nhập mỗi ngày từ 100 – 200 ngàn đồng. Một số hộ cả hai vợ chồng, thêm con cái cùng đi thì cả gia đình có thể kiếm 300 – 500 ngàn đồng/ngày.
Chị Y Ma - một người thường mua lá dong cho biết, chị và một số hộ khác mua lại lá dong của bà con với giá 18 ngàn đồng/bó và bán cho khách qua đường giá 25 ngàn đồng/bó, nhập sỉ cho thương lái đến thu mua tận nơi là 20 ngàn đồng/bó 50 lá.
Đang rộ mùa thu hoạch lá dong, song theo người dân bản Phà Xắc, bà con nơi đây không trồng mà thu hái lá mọc tự nhiên nên nhiều năm nay lượng cây lá dong ngày càng giảm, do ngày càng có nhiều người thu hái. “Vùng rừng núi có lá dong ở bản Phà Xắc ít lắm, hầu như chỉ hái được mấy ngày đầu là hết. Bà con phải đi sang các bản xa bên cạnh mới có lá để hái” – chị Vừ Y Ma cho biết.
Ở các huyện miền Tây, cây lá dong mọc tự nhiên có nhiều ở các vùng núi cao, gần các khe, suối ẩm ướt cách xa khu dân cư. Nhiều năm nay, do khai thác tự nhiên nhiều nên lượng lá dong đang có chiều hướng giảm. Cùng với đó, các vùng núi bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, sạt lở nên sự phát triển của các loài cây, trong đó có lá dong cũng bị tác động sụt giảm, sinh trưởng kém. Vì thế, cao điểm thu hoạch lá dong, các hộ dân đều tranh thủ đi hái lá để kịp bán trước Tết.