Các chuyên gia công nghệ dự đoán gì về AI trong năm 2025?
Nhiều chuyên gia công nghệ nhận định rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hòa nhập sâu sắc vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đến mức chúng ta có thể không còn nhận ra sự hiện diện của nó.
Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với sự phát triển của AI, nhưng năm 2025 hứa hẹn sẽ còn mang tính cách mạng hơn.
Nếu năm 2024 được xem là thời điểm các doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng AI, thì năm 2025 có thể là giai đoạn họ tinh chỉnh và tối ưu hóa công nghệ này để đáp ứng tốt hơn nhu cầu cụ thể của mình.
Nhiều chuyên gia dự đoán AI sẽ tích hợp chặt chẽ vào cuộc sống hàng ngày, đến mức chúng ta thậm chí không nhận ra sự hiện diện của nó.
Tom Biegala, đồng sáng lập Bison Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ tiên tiến của Mỹ cho rằng: "Cũng giống như Internet hay điện, AI sẽ trở thành động lực vô hình thúc đẩy hiệu quả và thành công, chứ không chỉ là một điểm nhấn để quảng bá".
Khi các doanh nghiệp tích hợp công nghệ vào hoạt động kinh doanh, họ sẽ cần đặt trọng tâm lớn hơn vào việc quản lý công nghệ một cách có trách nhiệm và bền vững.
Navrina Singh, nhà sáng lập Credo AI, một nền tảng chuyên về quản trị AI, chia sẻ: "Đến năm 2025, chúng tôi kỳ vọng ngày càng nhiều doanh nghiệp sẽ nhận thức rằng đầu tư vào quản trị AI quan trọng không kém gì việc triển khai và ứng dụng nó".
Tờ Business Insider đã thực hiện cuộc trao đổi với những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm những người sáng lập các công ty khởi nghiệp sáng tạo, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, và các nhà đầu tư mạo hiểm. Mục tiêu của cuộc trò chuyện là khám phá những dự đoán và tầm nhìn của họ về cách AI sẽ phát triển và ảnh hưởng đến thế giới trong năm 2025.
Đầu tư vào AI sẽ tiếp tục tăng mạnh
Immad Akhund, CEO của Mercury, một công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chia sẻ rằng: "Mặc dù chu kỳ cường điệu về AI có thể dần ổn định, các khoản đầu tư vào lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng mạnh".
Ông lý giải rằng sự quan tâm lâu dài đối với AI xuất phát từ việc các doanh nghiệp chuyển đổi từ giai đoạn thử nghiệm sang ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực như dịch vụ khách hàng, bán hàng và tài chính. "Các công ty sẽ tận dụng AI để nâng cao năng suất, đặc biệt là trong các nhiệm vụ hành chính và quản lý tài liệu, giúp các nhóm nhỏ mở rộng quy mô nhanh chóng và vận hành hiệu quả hơn", ông nhận định.
Tomasz Tunguz, nhà sáng lập Theory Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm cũng chia sẻ góc nhìn về xu hướng tương lai của AI và ngành công nghệ. Ông cho rằng dưới tác động của chính quyền Trump và sự thay đổi trong ban lãnh đạo tại Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, các chính sách mới có thể tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các hoạt động sáp nhập, mua lại (M&A) và phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trong ngành AI.
"Tôi dự đoán các thương vụ M&A sẽ tăng ít nhất 35% trong năm tới", Tunguz cho biết. Ông nhấn mạnh rằng sự chững lại của 10 công ty phần mềm lớn nhất về hoạt động mua bán đang tạo áp lực để thị trường IPO bùng nổ, với các công ty kết hợp AI và phần mềm dự kiến sẽ dẫn đầu làn sóng này.
Cuộc cạnh tranh trong công nghệ AI sẽ trở nên khốc liệt hơn
Stefan Weitz, CEO kiêm đồng sáng lập HumanX, một hội nghị hàng đầu về AI chia sẻ rằng: "Ít nhất một tập đoàn lớn và nổi tiếng toàn cầu có thể sẽ thất bại hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô vì không thể cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp AI tiên phong. Chu kỳ đổi mới nhanh chóng cùng sự ứng dụng AI rộng khắp sẽ đẩy những doanh nghiệp chậm đổi mới đến bờ vực lạc hậu".
Ông cảnh báo rằng sự đe dọa từ AI không chỉ dừng lại ở cấp độ ngành nghề, mà sẽ lan rộng ra toàn cầu, buộc các cường quốc phải quản lý công nghệ này để duy trì vị thế cạnh tranh. "Như chúng ta đã thấy, khi Mỹ và Trung Quốc điều chỉnh hoặc ngăn chặn các công nghệ AI cốt lõi, xung đột địa chính trị về thuật toán và dữ liệu AI trở thành điều không thể tránh khỏi", Weitz nhận định.
Ông dự đoán rằng một số quốc gia có thể chọn cấm hoặc thậm chí quốc hữu hóa các công nghệ AI quan trọng nhằm duy trì quyền kiểm soát đối với sức mạnh kinh tế và chính trị.
Tuy nhiên, Weitz cũng nhấn mạnh rằng các cường quốc đang cố gắng hợp tác để giảm thiểu nguy cơ tiềm tàng mà AI có thể gây ra cho nhân loại. Một minh chứng điển hình là vào tháng 11 năm ngoái, tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được sự đồng thuận rằng con người, chứ không phải AI sẽ là người đưa ra các quyết định liên quan đến việc sử dụng công nghệ hạt nhân.
Ranh giới giữa con người và AI sẽ không còn rõ ràng
Ý tưởng về sự hợp tác giữa con người và các tác nhân tự động đang dần thoát khỏi khuôn khổ của khoa học viễn tưởng, tiến gần hơn đến thực tế. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải xây dựng các quy tắc để quản lý những tương tác phức tạp giữa hai thực thể này.
Stefan Weitz nhận định: "Những con người ảo tổng hợp, không thể phân biệt với con người thực, sẽ sớm tham gia vào lực lượng lao động, dù chỉ trong các vai trò hạn chế. Điều này sẽ khơi mào các cuộc tranh luận về quyền lao động và tạo ra động lực thúc đẩy ý tưởng 'quyền công dân AI', nhằm định nghĩa rõ vai trò và giới hạn của chúng trong xã hội".
Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa nội dung do con người tạo ra và nội dung do AI tạo ra cũng được dự báo sẽ ngày càng mờ nhạt. Steve Jang, nhà sáng lập kiêm đối tác quản lý của Kindred Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu chia sẻ: "Phương tiện truyền thông tạo sinh sẽ trở nên phổ biến rộng rãi và được nhắc đến nhiều như các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) trong năm 2024. Những tiến bộ trong công nghệ tạo sinh âm thanh và hình ảnh sẽ mang đến chất lượng tốt hơn, thúc đẩy sự chấp nhận không chỉ ở người tiêu dùng mà còn cả trong các doanh nghiệp".
Các giải pháp AI mang tính chuyên môn hóa cao sẽ chiếm ưu thế
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết năm tới sẽ là thời điểm công nghệ AI được tùy chỉnh sâu sắc để đáp ứng các nhu cầu cụ thể.
"Đến năm 2025, chu kỳ cường điệu của AI sẽ nhường chỗ cho sự phát triển của các giải pháp AI và robot chuyên biệt, được thiết kế riêng cho từng ngành nghề", Biegala chia sẻ. "Những sản phẩm này sẽ hoạt động nhanh hơn, hiệu quả hơn và mang lại giá trị rõ ràng, tức thời so với các giải pháp đa năng. Đây sẽ là bước ngoặt đánh dấu tác động kinh tế thực sự và mang tính cách mạng của AI".
Xu hướng tùy chỉnh này cũng đang định hình cách chúng ta tìm kiếm thông tin trực tuyến. Các chatbot được hỗ trợ bởi AI dần thay thế những công cụ tìm kiếm truyền thống như Google.
Dominik Mazur, CEO và đồng sáng lập IAsk, một công cụ tìm kiếm AI dự đoán: "Đến năm 2025, tìm kiếm thông tin sẽ không còn gắn liền với một thương hiệu duy nhất. Người dùng sẽ chuyển sang các nền tảng khác nhau để đáp ứng các loại truy vấn cụ thể, từ chatbot AI cho câu trả lời đàm thoại, đến các công cụ chuyên ngành cho kiến thức kỹ thuật, hoặc công cụ trực quan và giọng nói cho truy vấn đa phương tiện".
Sự đa dạng này sẽ tạo nên một môi trường cạnh tranh sôi động, nơi các giải pháp chuyên biệt tồn tại song song với các nền tảng tổng quát, mang lại sự đổi mới và nhiều lựa chọn hơn cho người dùng.
Trong năm qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực AI đã nhấn mạnh giá trị của các mô hình AI nhỏ gọn, được tối ưu hóa cho các nhu cầu cụ thể, vượt trội hơn so với các mô hình nền tảng lớn.
Aidan Gomez, CEO và nhà sáng lập Cohere, một công ty khởi nghiệp AI nhận định: "Thay vì mở rộng quy mô chỉ dựa vào sức mạnh tính toán, ngày càng có nhiều áp lực phải tạo ra các mô hình nhỏ hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn thông qua dữ liệu, thuật toán và phương pháp khoa học".
Điều này phản ánh sự chuyển dịch khỏi việc dựa vào sức mạnh tính toán đơn thuần. "Thời đại sử dụng bộ xử lý đồ họa (GPU) để tăng cường tính toán và phát triển mô hình AI sẽ dần khép lại", Biegala nói thêm.
Cùng với đó, các công ty sẽ ngày càng ứng dụng các công cụ AI tùy chỉnh, thay thế những Phần mềm như một dịch vụ (SaaS) truyền thống vốn đắt đỏ và thiếu linh hoạt.
David Hsu, nhà sáng lập Retool, một nền tảng mã nguồn thấp dành cho nhà phát triển cho biết: "Các công cụ AI đang phá vỡ rào cản của SaaS, giúp các doanh nghiệp từ những gã khổng lồ như Amazon đến các công ty khởi nghiệp loại bỏ những ứng dụng SaaS đắt đỏ không đáp ứng đủ nhu cầu, thay vào đó là những giải pháp tùy chỉnh nhẹ, được tích hợp trực tiếp vào hệ thống riêng của họ".
Ưu tiên xây dựng các quy định quản lý AI
Càng đảm nhận nhiều trách nhiệm, các công ty càng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Vì vậy, họ sẽ bắt đầu chú trọng hơn vào việc tuân thủ quy định.
Nhà sáng lập nền tảng chuyên về quản trị AI Credo AI, bà Navrina Singh chia sẻ: “Tôi kỳ vọng sẽ thấy nhiều cam kết và hành động tự nguyện hơn trong việc áp dụng AI một cách có trách nhiệm. Tôi tin rằng sẽ có một động thái mạnh mẽ để thiết lập các rào cản tương tự như những gì đang được thảo luận đối với các mô hình biên giới, hiện đang áp dụng cho các tác nhân AI và AI tự động”.
"Bên cạnh đó, tôi hình dung một tương lai mà chúng ta sẽ chứng kiến những hình phạt đầu tiên dành cho các vi phạm luật AI, điều này sẽ thiết lập một tiền lệ toàn cầu, buộc các doanh nghiệp phải ưu tiên quản trị hoặc đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng”, bà Singh cho biết thêm.
Singh, cùng với các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực AI như Geoffrey Hinton (cha đẻ AI) và Sam Altman (CEO của OpenAI), đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thành lập một tổ chức quốc tế quản lý việc sử dụng AI.
“Chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự ra đời của các tiêu chuẩn AI toàn cầu, được dẫn dắt bởi một liên minh các quốc gia và doanh nghiệp, nhằm thiết lập những nguyên tắc cơ bản về an toàn, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hệ thống AI”, bà Singh nói.
Trong bối cảnh mối đe dọa an ninh mạng ngày càng gia tăng do sự phát triển của AI, việc thiết lập quy định sẽ trở nên cực kỳ quan trọng trong năm 2025.
“Công nghệ AI deepfake sẽ giúp tạo ra các danh tính và tài liệu giả mạo dễ dàng đến mức khó tin, từ đó gây ra một cuộc khủng hoảng lòng tin đối với các doanh nghiệp,” Pat Kinsel, CEO của Proof, một nền tảng phần mềm công chứng cho biết. “Khả năng phân biệt giữa danh tính thật và giả mạo, cũng như đảm bảo sự an toàn trong các tương tác kỹ thuật số thời đại AI, sẽ trở thành yếu tố quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp”.
Quảng cáo trong công cụ tìm kiếm sẽ mang tính tương tác cao
Thông thường, người dùng có thể dễ dàng phân biệt giữa nội dung được tài trợ và các kết quả tìm kiếm tự nhiên khi thực hiện tìm kiếm trực tuyến. Tuy nhiên, trong năm nay, nội dung tài trợ có thể được tích hợp một cách mượt mà vào các câu trả lời từ chatbot.
“AI sẽ làm thay đổi mô hình quảng cáo trong công cụ tìm kiếm truyền thống bằng cách lồng ghép nội dung tài trợ liên quan trực tiếp vào các phản hồi tổng hợp”, Mazur từ IAsk chia sẻ. “Sự chuyển mình này sang quảng cáo mang tính đối thoại và nhận thức ngữ cảnh sẽ mang đến trải nghiệm người dùng mượt mà hơn, khi quảng cáo trở nên ít xâm phạm và phù hợp hơn với nhu cầu của người dùng”.
Ông cũng lưu ý rằng thách thức lớn ở đây là các công ty cần duy trì sự minh bạch và xây dựng lòng tin, khi người dùng nhận ra rằng các truy vấn của họ có thể ảnh hưởng đến chiến lược kiếm tiền của các nền tảng.
AI sẽ không thể cướp mất việc làm của con người
Một điều đặc biệt là các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp và công nghệ đều kỳ vọng rằng AI sẽ không thay thế con người, mà sẽ hỗ trợ và nâng cao nghề nghiệp của con người trong năm 2025.
Akhund chia sẻ: “Chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng hiệu quả trong các ngành công nghiệp nhờ vào việc tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, nhưng con người vẫn đóng vai trò quan trọng trong các công việc sáng tạo và ra quyết định phức tạp. Năm 2025 sẽ là thời điểm mà nhiều người thực sự áp dụng AI như một phần không thể thiếu trong công việc của mình, giúp thúc đẩy năng suất lao động”.