Xã hội

Sáng ngời y đức người thầy thuốc Xứ Nghệ - Bài 1: Y đức xuất phát từ tâm người thầy thuốc

Nhóm PV-CTV 13/01/2025 08:42

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy:“Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em, ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”; “lương y như từ mẫu”...Những người thầy thuốc Xứ Nghệ đã sẵn sàng bỏ tiền túi, bỏ công sức và hiến cả nguồn sống của mình để hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh.

emagazine_baonghean.vn1.jpg

Bài 1:
Y đức xuất phát từ tâm người thầy thuốc

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em, ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”; “Lương y như từ mẫu”... những người thầy thuốc xứ Nghệ đã sẵn sàng bỏ tiền túi, bỏ công sức và hiến cả nguồn sống của mình để hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh.

Bỏ tiền, bỏ công làm xe “0 đồng”

Từ lâu nay, điều dưỡng Nguyễn Văn Lâm - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Đức (Thanh Chương) vẫn thường được người dân huyện nhà gọi bằng cái tên đầy trìu mến “Cán bộ y tế vác tù và”. Cái tên này xuất phát từ việc: Hơn 10 năm qua, ông Lâm đã tự mua xe ô tô, thực hiện vận chuyển người bệnh lên tuyến trên cấp cứu, điều trị mà không lấy bất cứ một chi phí nào. Bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, khi người bệnh cần thì chuyến xe miễn phí “0 đồng” của ông lại lên đường.

Ảnh Bài 1_ Điều dưỡng Nguyễn Văn Lâm và chiếc xe chuyên chở bệnh nhân miễn phí của mình. Ảnh Đức Anh (1)
Điều dưỡng Nguyễn Văn Lâm và chiếc xe chuyên chở bệnh nhân miễn phí của mình. Ảnh Đức Anh

Ông Nguyễn Văn Lâm kể: “Trước khi về làm Trưởng Trạm Y tế xã Thanh Đức, bản thân tôi đã có 30 năm làm điều dưỡng tại Trạm Y tế xã Thanh Nho. Tại trạm, tôi đã từng chứng kiến nhiều ca bệnh nguy kịch, cần phải chuyển lên tuyến trên để cấp cứu, điều trị ngay. Tuy nhiên, trong những lúc nguy cấp này, trạm y tế và gia đình bệnh nhân rất khó khăn để tìm kiếm xe vận chuyển dịch vụ. Đã có những bệnh nhân do không thể vận chuyển kịp thời nên đã biến chuyển xấu đi...”.

Ông còn nhớ có trường hợp sản phụ khi đến trạm y tế xã thì chuyển dạ sinh ngay. Thai nhi thì đã ra đời, thế nhưng, nhau thai sản phụ lại không ra được. Sản phụ xuất huyết mãi. Nhận thấy tình thế nguy cấp, sản phụ cần phải chuyển gấp lên tuyến trên điều trị. Thế nhưng, do nhiều lý do, mãi xe cứu thương mới vào được, đưa sản phụ đến bệnh viện đa khoa huyện. Rất may mắn, sản phụ này đã được cứu sống.

Ảnh bài 1_Điều dưỡng Nguyễn Văn Lâm thực hiện nhiệm vụ công tác chăm sóc, tư vấn cho người bệnh. Ảnh Đức Anh (2)
Điều dưỡng Nguyễn Văn Lâm thực hiện nhiệm vụ công tác chăm sóc, tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Đức Anh.

Những câu chuyện như vậy đã khiến ông Nguyễn Văn Lâm suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Cho đến một một ngày cách đây 11 năm trước, có một vụ việc đã khiến ông quyết định thành lập chuyến xe “0 đồng”. Chẳng là có một thai phụ trở dạ đến trạm. Thai phụ này đã lớn tuổi, dự kiến sinh sớm. Trong điều kiện không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ca sinh này, trạm y tế xã đã “cầu cứu” khắp nơi để tìm kiếm chuyến xe vận chuyển nhưng không thành. Với tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ông Lâm đã nhanh chóng lấy chiếc ô tô “cà tàng” của mình để đưa thai phụ lên bệnh viện.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm điều dưỡng ở tuyến cơ bản, ông Nguyễn Văn Lâm đã chuẩn bị sẵn ni lông, các dụng cụ đỡ đẻ, sẵn sàng cho một ca sinh ngay trên xe. Lần đầu tiên chở sản phụ sắp sinh, ông Lâm cũng rất căng thẳng, vừa muốn đi nhanh lại phải cẩn trọng không để xóc nảy. Vừa lái, ông vừa luôn miệng động viên “Em cố lên chỉ còn vài phút nữa đến viện rồi”. Thế nhưng, khi chỉ cách bệnh viện huyện còn vài trăm mét, sản phụ đã sinh. Ông Lâm đã lập tức cho xe dừng lại thực hiện đỡ đẻ, rồi chở tiếp bệnh nhân đến viện để cấp cứu kịp thời.

1(2).png
Với những chuyến xe "0 đồng", điều dưỡng Nguyễn Văn Lâm thường được người dân huyện nhà gọi là “Cán bộ y tế vác tù và”. Ảnh: Đức Anh

Sau chuyến xe bất đắc dĩ này, ông Lâm đã nảy ra ý định thành lập một chuyến xe "0 đồng" để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo ở nơi đây. “Tôi chỉ nghĩ chuyến xe này sẽ tháo gỡ cho tình trạng thiếu xe dịch vụ vận chuyển bệnh nhân trên địa bàn, cũng như giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Trong điều kiện mình có thể giúp đỡ được mọi người thì mình sẽ cố gắng”, ông Lâm chia sẻ.

Nghĩ là làm, ông Nguyễn Văn Lâm đã bán cả đàn lợn vay mượn thêm của anh em để mua xe ô tô mới phục vụ vừa đi lại, vừa vận chuyển bệnh nhân. Chiếc xe mới này đảm bảo 2 tiêu chí vừa để bệnh nhân được nằm thoải mái và đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển. Khi có bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn, tình thế nguy kịch, ông Lâm thực hiện vận chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên mà không lấy bất cứ một chi phí nào.

Ảnh Bài 1_ Điều dưỡng Nguyễn Văn Lâm và chiếc xe chuyên chở bệnh nhân miễn phí của mình. Ảnh Đức Anh (3)
Điều dưỡng Nguyễn Văn Lâm và chiếc xe chuyên chở bệnh nhân miễn phí của mình. Ảnh: Đức Anh

Chuyến xe “0 đồng” của ông Lâm ra đời đã kịp thời vận chuyển miễn phí nhiều bệnh nhân nguy kịch như bị tai nạn giao thông; bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như chạy thận, trẻ bị hở hàm ếch; người dân đi hiến máu... đến cơ sở y tế kịp thời. Trong suốt hơn 10 năm công tác ở Trạm Y tế xã Thanh Nho, rồi nay chuyển sang Trạm Y tế xã Thanh Đức, ông Lâm cũng không nhớ bản thân đã thực hiện biết bao nhiêu chuyến xe “0 đồng” hỗ trợ bệnh nhân. Chỉ biết rằng, mỗi chuyến xe nghĩa tình lại tiếp thêm sức mạnh để ông tiếp tục “hành nghề trong sự vô tư và thân thiết” (Lời thề Hippocrates)

Hiến “nguồn sống” để cứu bệnh nhân

Trong ngành Y tế Nghệ An, việc cán bộ y tế sử dụng tài sản cá nhân để giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không phải là chuyện hiếm. Bên cạnh việc hỗ trợ bằng vật chất, còn có hàng ngàn cán bộ y tế khác vẫn thường hiến “nguồn sống” của mình để cứu sống bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hưng - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ máu sống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An là một ví dụ điển hình. Trong 14 năm qua, bác sĩ Hưng đã có 40 lần tình nguyện hiến máu và tiểu cầu.

Ảnh bài 1_Bác sĩ Nguyễn Thanh Hưng với 40 lần hiến máu cứu người. Ảnh Hoàng Yến
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hưng với 40 lần hiến máu cứu người. Ảnh: Hoàng Yến

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hưng tâm tình: “Máu là nguồn sống vô giá; là một loại thuốc đặc biệt chỉ có được từ việc hiến tặng của mỗi chúng ta. Hàng ngày, có hàng trăm ngàn người vì nhiều lý do sức khỏe khác nhau đang rất cần đến máu để chữa trị bệnh tật và duy trì sự sống. Máu và chế phẩm máu không thể thiếu trong hoạt động y tế, trong cấp cứu, điều trị. Người bệnh luôn chờ máu. Là những người được xã hội tôn vinh Lương y như từ mẫu, hơn ai hết, những cán bộ ngành Y cần xung kích, tình nguyện hiến máu; tham gia với tinh thần cao nhất, cùng chung tay để chia sẻ với cộng đồng”.

Với suy nghĩ đó, ngay từ lúc là sinh viên năm nhất, Trường Đại học Y Hà Nội, anh Nguyễn Thanh Hưng đã tích cực tình nguyện hiến những giọt máu của mình để góp phần cứu sống bệnh nhân. Cứ hễ đến khi nguồn máu của bản thân đạt chất lượng, đảm bảo các chỉ số (đủ 12 tuần sau mỗi lần hiến máu), anh lại đến Trung tâm Huyết học để được “cho đi nguồn sống” của mình. Anh Hưng kể: “Để được tham gia hiến máu, bản thân tôi luôn có ý thức rèn luyện sức khỏe để máu mình có được chất lượng tốt nhất. Nếu chất lượng máu không đạt, người nhận sẽ không được tiếp nhận nguồn máu của mình thì thật sự đáng tiếc”.

Ảnh bài 1_Đã có hàng trăm bệnh nhân được cứu sống từ những giọt máu hiến tặng của nhân viên y tế. Ảnh Thành Chung
Đã có hàng trăm bệnh nhân được cứu sống từ những giọt máu hiến tặng của nhân viên y tế. Ảnh: Thành Chung

Tốt nghiệp đại học, bác sĩ Hưng về nhận công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi. Tại đây, anh càng cảm nhận rõ hơn về những mất mát, cũng như những sự hồi sinh diệu kỳ. Bản thân anh cũng đã không ít lần phải đối diện với những ca sinh gặp biến chứng như băng huyết, sản phụ vỡ tử cung sau sinh. Những lúc này, việc truyền bù máu kịp thời là điều kiện tiên quyết để cứu sống sản phụ. Hay những cháu bé bị mắc bệnh tan máu bẩm sinh suốt đời phải truyền máu để tồn tại. Những lúc này, anh ý thức rằng, cần phải có sự chung tay nhiều hơn của cả cộng đồng để tăng thêm nguồn máu dự trữ để kịp thời cứu người. Bác sĩ Hưng đã tích cực vận động người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia.

Nhận thấy tâm huyết, tinh thần tình nguyện vì cộng đồng của bác sĩ Hưng, Ban Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tin tưởng giao nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Ngân hàng máu sống bệnh viện cho anh. Với nhiệm vụ mới, bác sĩ Hưng đã tích cực “làm gương” và tăng cường vận động mọi người tham gia hiến máu. Sự lan tỏa của chính bác sĩ Hưng đã giúp cho Ngân hàng máu sống bệnh viện ngày một phát triển. Lúc anh mới nhận nhiệm vụ, ngân hàng này mới chỉ có 729 đơn vị máu thường trực. Sau một thời gian bác sĩ Hưng tham gia, ngân hàng đã có 1.150 đơn vị máu, luôn sẵn sàng bổ sung cho bệnh nhân. Được biết, kể từ khi Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An được vận hành thì đã có 10 bệnh nhân thiếu máu cấp cứu đã được nhận nguồn máu sống của các thành viên câu lạc bộ.

2(2).png
Nghĩa cử hiến máu cứu người bệnh được thực hiện bởi nhiều lãnh đạo, cán bộ, nhân viên ngành Y tế. Ảnh: Thành Chung

Điển hình là trường hợp sản phụ ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang mang thai ở tuần 36 thì vỡ ối non, nhập viện vào ngày 24/8/2024. Sản phụ này bị giảm tiểu cầu vô căn. Nếu thực hiện phẫu thuật để bắt con thì sản phụ có nguy cơ mất máu cao, nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con. Lúc này, bác sĩ Hưng đã kêu gọi các thành viên ngân hàng máu sống có chỉ số máu phù hợp đăng ký tham gia hiến tiểu cầu. Ngay lập tức 154 cán bộ y tế thuộc nhóm máu A từ Ngân hàng máu sống Bệnh viện Sản Nhi đã sẵn sàng sang Trung tâm Huyết học và Truyền máu để hiến máu, hiến tiểu cầu cứu sản phụ. Với sự tham gia hiến máu của các cán bộ y tế, 3 đơn vị tiểu cầu nhóm máu A được chuyển về Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An kịp thời để giúp sản phụ bước vào ca phẫu thuật lấy thai vào lúc 15 giờ. Đến 15 giờ 20 phút, bé trai nặng 2,8 kg đã cất tiếng khóc chào đời. Những giọt máu hồng tươi thắm đượm nghĩa tình của các cán bộ y tế đã giúp cho “mẹ tròn, con vuông”.

Ảnh bài 1_Máu là loại thuốc không thể thay thế để cứu sống người bệnh. Ảnh Thành Chung
Máu là loại thuốc không thể thay thế để cứu sống người bệnh. Ảnh: Thành Chung

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ thêm: “Con số 40 lần hiến máu của tôi chưa phải là nhiều. Trong bệnh viện tôi, có những cán bộ y tế như vợ chồng bác sĩ giám đốc mỗi lần hiến máu đều tham gia. Họ lặng lẽ thực hiện bổn phận thiêng liêng, nghĩa cử cao đẹp mà không cần một sự thống kê hay tôn vinh nào cả...”./.

Nhóm PV-CTV