Xã hội

Sáng ngời y đức người thầy thuốc Xứ Nghệ - Bài 3

Nhóm PV-CTV 13/01/2025 08:43

Thời gian qua, Ngành Y tế Nghệ An có những bước phát triển nhanh, vượt bậc về chuyên môn. Điều này xuất phát từ việc các cán bộ, nhân viên ngành y đã không ngừng tiên phong sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị cho người bệnh. Điển hình trong phong trào sáng tạo, nghiên cứu này có thể kể đến Thầy thuốc Nhân dân Phạm Vĩnh Hùng và Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Khanh.

emagazine_baonghean.vn1.jpg

Bài cuối:
Sáng tạo “vàng” vì sức khoẻ nhân dân

Thời gian qua, Ngành Y tế Nghệ An có những bước phát triển nhanh, vượt bậc về chuyên môn. Điều này xuất phát từ việc các cán bộ, nhân viên ngành Y đã không ngừng tiên phong sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị cho người bệnh. Điển hình trong phong trào sáng tạo, nghiên cứu này có thể kể đến Thầy thuốc Nhân dân Phạm Vĩnh Hùng và Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Khanh.

Nghiên cứu, sáng tạo vì người bệnh

Với phương châm “Mỗi đề tài nghiên cứu khoa học, một giải pháp kỹ thuật được áp dụng vào thực tế khám, điều trị là góp phần giúp bệnh nhân được hưởng thành tựu y học tiên tiến, giảm chi phí điều trị, đỡ gánh nặng về kinh tế”, trong nhiều năm qua, Thầy thuốc Nhân dân (TTND) Phạm Vĩnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác khám, chữa bệnh.

Ảnh bài 3_ TTNDPhạm Vĩnh Hùng (người bên phải) triển khai kỹ thuật chụp chiếu cho bệnh nhân. Ảnh Diệp Thanh
TTND Phạm Vĩnh Hùng (bên phải) triển khai kỹ thuật chụp chiếu cho bệnh nhân. Ảnh: Diệp Thanh

Là người đi đầu trong trong phong trào nghiên cứu khoa học, phát triển chuyên môn ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, trong 13 năm qua, TTND Phạm Vĩnh Hùng và các cộng sự đã có tới 26 đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp tỉnh; 19 sáng kiến cấp tỉnh; 12 công trình đạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An và có 12 bài báo đăng trên các tạp chí quốc gia. Riêng cá nhân ông có 6 công trình đạt Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An: 2 giải Nhất, 3 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.

Tất cả các đề tài khoa học, sáng kiến của TTND Phạm Vĩnh Hùng đều mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn khám và điều trị cho người bệnh và có nhiều ý nghĩa về mặt xã hội. Các đề tài tiêu biểu, gồm: “Nghiên cứu điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ bằng phương pháp đốt sóng cao tần (RFA) có sử dụng Robot dẫn đường”, “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và hình ảnh cắt lớp vi tính của ung thư phổi không tế bào nhỏ”; “Ứng dụng phẫu thuật nội soi cắt gan điều trị ung thư gan”…

Với đề tài khoa học “Nghiên cứu điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ bằng phương pháp đốt sóng cao tần (RFA) có sử dụng Robot dẫn đường”, TTND Phạm Vĩnh Hùng đã giúp cho Bệnh viện Ung bướu Nghệ An nói riêng, ngành Y tế Nghệ An nói chung có thêm một phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi mới và hiệu quả. (Cho đến nay có rất ít nghiên cứu trong nước về ứng dụng đốt nhiệt cao tần trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là đơn vị thứ 2 trên toàn quốc triển khai kỹ thuật và nghiên cứu đề tài này).

Ảnh Bài 3_Thầy thuốc Ưu tú, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Vĩnh Hùng và cộng sự nhận giải Nhất giải Khoa học sáng tạo và công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2023. Ảnh tư liệu NVCC
Thầy thuốc Ưu tú, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Vĩnh Hùng và cộng sự nhận giải Nhất giải Khoa học sáng tạo và công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2023. Ảnh tư liệu: NVCC

Trước đây, phẫu thuật cắt bỏ khối u phổi kèm vét hạch kết hợp điều trị hóa chất hoặc xạ trị được đánh giá là phương pháp điều trị ung thư phổi tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế là có tới gần 80% bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật do phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn hoặc bệnh nhân có bệnh nội khoa phối hợp, bệnh nhân từ chối phẫu thuật... Phương pháp đốt sóng cao tần (RFA) có sử dụng Robot dẫn đường mà TTND Phạm Vĩnh Hùng nghiên cứu đã khắc phục được các hạn chế nói trên. Với phương pháp này, khối u ở bệnh nhân ung thư phổi giảm kích thước hoặc biến mất hoàn toàn.

Nói về hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của mình, TTND Phạm Vĩnh Hùng chia sẻ: “Thương bệnh nhân mình phải chống chọi với bệnh tật hàng giờ, hàng ngày, tôi tự nhủ bản thân cần phải cố gắng tìm cách để giúp cho họ vơi bớt nỗi đau, khó khăn trong quá trình điều trị. Đây chính là tâm nguyện, động lực để giúp tôi đã và đang không ngừng nỗ lực tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả hơn”.

Ảnh bài 3_Ngành y tế có 48 công trình đạt giải sáng tạo khoa học, công nghệ cấp tỉnh năm 2023. Ảnh tư liệu Thành Duy
Ngành Y tế có 48 công trình đạt giải sáng tạo khoa học, công nghệ cấp tỉnh năm 2023. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Với tâm nguyện vì người bệnh, bản thân TTND Phạm Vĩnh Hùng đã đi đầu trong phong trào nghiên cứu khoa học, phát triển chuyên môn ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Với cương vị Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn, ông còn tích cực truyền cảm hứng, thúc đẩy phong trào sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học của bệnh viện phát triển mạnh mẽ. Được biết, từ năm 2021 đến nay, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã triển khai nghiên cứu trên 300 đề tài khoa học.

Tận tâm, nỗ lực cho sự phát triển

Cũng giống như TTND Phạm Vĩnh Hùng, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn cũng là người say mê vươn lên làm chủ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Công tác tại đơn vị y tế tuyến huyện, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh luôn chú ý đến việc học tập các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao của các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương để áp dụng giúp cho bệnh nhân huyện nhà.

Ảnh bài 3_Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh giới thiệu về nguyên lý hoạt động của máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi Dr Khanh. Ảnh Thành Chung (2)
Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh giới thiệu về nguyên lý hoạt động của máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi. Ảnh: Thành Chung

Năm 2010, phương pháp phẫu thuật nội soi mới bắt đầu được triển khai thực hiện tại các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước. Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh chính là một trong những người bác sĩ tuyến huyện – cấp cơ bản đầu tiên ở Nghệ An nắm vững, thực hiện thuần thục kỹ thuật này... đưa phẫu thuật nội soi trở thành xu hướng chủ đạo của chuyên ngành Ngoại khoa ở Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn.

Thực hiện rất nhiều ca phẫu thuật nội soi, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh đã nhận thấy một khó khăn nan giải ngay tại đơn vị. Đó là việc đưa những bệnh phẩm có khối lượng lớn từ cơ thể bệnh nhân ra ngoài. Cụ thể, trong điều kiện thiếu thốn các trang thiết bị hiện đại, các bác sĩ ở tuyến huyện bắt buộc phải mở rộng phần lỗ đưa dụng cụ nội soi vào nhằm đưa bệnh phẩm ra. Như vậy, phẫu thuật nội soi cũng không khác gì phẫu thuật hở - gây nên vết thương lớn, chậm hồi phục.

Khắc phục nhược điểm này, trên thị trường đã có một loại thiết bị chuyên dụng chuyên cắt nhỏ và đưa bệnh phẩm có kích thước, khối lượng lớn ra ngoài được sản xuất ở Đức. Tuy nhiên, thiết bị này được bán với giá lên tới 500 triệu đồng (Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn không thể mua được)... Từ năm 2014-2019, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh đã không ngừng trăn trở, mày mò và chế tạo nên một máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi hoàn toàn mới, với nguyên lý hoạt động khác, tác dụng tương tự song giá sản xuất chưa bằng 1/10 so với thiết bị của Đức.

yducweb
Những sáng kiến của bác sĩ Nguyễn Văn Khanh được ứng dụng rộng rãi trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Thành Chung

Máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi do bác sĩ Nguyễn Văn Khanh chế tạo nên đã giải quyết tốt bài toán lấy các khối bệnh phẩm lành tính, có kích thước lớn ra ngoài ở Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn. Máy có nhiều ưu điểm nổi bật như hình thức đẹp; thao tác thuận lợi; cắt và hút bệnh phẩm với tốc độ phù hợp. Bệnh phẩm được máy cắt thành thỏi dài, hút ra ngoài một cách triệt để và an toàn... Đặc biệt, do giá thành rẻ, máy có thể được mua, sử dụng tại hầu hết các đơn vị y tế, nhất là y tế tuyến huyện – tuyến cơ bản không có nguồn kinh phí lớn để mua máy cắt bệnh phẩm đắt tiền.

Song song với việc sáng tạo nên máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi, thời gian này, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh cũng đã sáng tạo, cho ra đời thêm một dụng cụ y tế khác – có tên “Cần đỡ tử cung trong phẫu thuật nội soi cắt tử cung”. Dụng cụ này có tác dụng giúp cho phẫu thuật viên có thể dễ dàng nhận diện, tìm kiếm tử cung của bệnh nhân trong quá trình phẫu tích vào cung đồ. Được biết, giá sản xuất cần đỡ tử cung của bác sĩ Khanh chỉ vào khoảng 6 triệu đồng. Trong khi đó, cần đỡ tử cung do hãng sản xuất thiết bị y tế nước ngoài có giá lên tới 120 triệu đồng.

“Máy cắt bệnh phẩm trong phẫu thuật nội soi” do bác sĩ Nguyễn Văn Khanh sáng chế đã được UBND tỉnh Nghệ An trao giải Nhất Cuộc thi “Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2020”; được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế; được trên 20 bệnh viện trong, ngoài tỉnh đưa vào hoạt động khám, chữa bệnh. Tương tự, “Cần đỡ tử cung trong phẫu thuật nội soi cắt tử cung” của ông đã được UBND tỉnh Nghệ An trao giải Nhất Cuộc thi “Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2023”.

Ảnh Bài 3_Cần đỡ tử cung Dr.Khanh trong phẫu thuật nội soi cắt tử cung. Ảnh Thành Chung
Cần đỡ tử cung Dr.Khanh trong phẫu thuật nội soi cắt tử cung. Ảnh: Thành Chung

Chia sẻ về hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ của mình, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh tâm tình: “Thực tiễn công tác khám, chữa bệnh đã không ngừng đặt ra cho người cán bộ y tế những bài toán cần phải giải quyết. Cá nhân tôi chỉ là một người tham gia vào quá trình đó. Trong tương lai, bản thân sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng để có nhiều hơn những đóng góp vào sự phát triển của ngành Y tế địa phương mình”./.

Nhóm PV-CTV