Kinh tế

Tích hợp dữ liệu nghề cá vào cơ sở dữ liệu quốc gia để giám sát, quản lý

Nguyễn Hải 14/01/2025 12:36

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành ven biển về kết quả triển khai các giải pháp gỡ thẻ vàng EC.

Cuộc họp diễn ra vào sáng 14/1 dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hồng Hà- Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU từ điểm cầu Hà Nội. Cùng dự có đại diện các bộ ngành là thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phùng Thành Vinh- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các sở, ngành liên quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đại diện các đồn biên phòng và địa phương ven biển.

Vào cuộc đồng bộ, chuyển biến rõ nét

 Anh Vinh
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại hội nghị, đại diện Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU đã báo cáo kết quả 7 năm thực hiện khuyến cáo thẻ vàng EC (từ ngày 23/10/2017) và kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ. Theo đó, cùng với bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý, công tác quản lý đội tàu, theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, xử lý các hành vi khai thác IUU theo các khuyến cáo của Uỷ ban châu Âu tại lần làm việc gần nhất đến nay đã có chuyển biến đáng kể và rõ nét.

Cùng với ban hành các quy định khung pháp lý về quản lý, xử lý, cả nước đã rà soát, thống kê đội tàu cả nước là 84.536 chiếc (tính đến ngày 6/1/2025), trong đó, cập nhật trên VN-Fishbase đạt 98,9%. Tàu cá có chiều dài 15 m trở lên hoạt động khai thác thuỷ sản đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100% (23.312 chiếc). Cả nước đã hoàn tất hồ sơ để khởi tố hình sự 32 vụ liên quan đến môi giới, móc nối, xuất cảnh trái phép đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

 Phó Thủ tương
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU chủ trì khai mạc nêu rõ tính cấp thiết phải triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Ảnh: Nguyễn Hải

Năm 2023, cả nước đã xử lý 4.022 trường hợp với tổng số tiền trên 89 tỷ đồng, năm 2024 xử lý 4.314 trường hợp với số tiền gần 100 tỷ đồng. Đối với hành vi vi phạm mất kết nối VMS năm 2023 xử lý 543 trường hợp với số tiền trên 16 tỷ đồng; năm 2024 xử lý 1.085 trường hợp với số tiền trên 35 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, tính đến ngày 31/12/2024 toàn tỉnh có 3.119 tàu thuyền khai thác, trong đó 614 tàu đã hoàn thành đăng ký, 98,77% tàu cá lắp thiết bị VMS, đã xử phạt 290 trường hợp với số tiền 5,34 tỷ đồng.

Đánh giá rõ thực trạng, vào cuộc quyết liệt hơn

Bên cạnh kết quả nổi bật trên, tại cuộc làm việc, đại diện các bộ ngành và địa phương đã làm rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục.

Các thành viên Ban chỉ đạo đến từ Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và một số địa phương nêu kết quả đấu tranh xử lý các tàu cá vi phạm; các khó khăn mới phát sinh trong xử lý tàu mất kết nối, tàu cũ nát không đi đánh bắt nhưng không phá dỡ, giải bản; đồng thời đề xuất một số giải pháp xử lý...

Đại diện các sở ban ngành và thành viên Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An về chống khai thác IUU theo dõi hội nghị trực tuyến. Ảnh Nguyễn Hải.
Đại diện các sở, ban ngành là thành viên Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An về chống khai thác IUU theo dõi hội nghị trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Hải

Hiện nay, mặc dù các lực lượng chức năng và các địa phương đã nỗ lực vào cuộc nhưng tình trạng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn. Các tàu cá “3 không” vẫn chưa được xử lý dứt điểm; việc gia hạn, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định vẫn còn chậm, tỷ lệ chưa cao. Kết quả xác minh xử lý các hành vi vi phạm ngắt kết nối, quản lý hạ tầng cảng sau đầu tư vẫn còn bất cập và hạn chế khiến công tác thống kê, truy xuất sản lượng hải sản khai thác đạt tỷ lệ thấp…

Kiểm tra trên biển
Kiểm tra lập biên bản vi phạm 1 chủ tàu cá vi phạm khi khai thác trên biển. Ảnh: Nguyễn Hải

Trên cơ sở phát biểu đề xuất của các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cơ bản đồng tình với báo cáo và ghi nhận nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành và địa phương. Đồng chí cũng lưu ý đây là kỳ họp thứ 12 của Ban chỉ đạo và năm thứ 7 triển khai thực hiện các khuyến cáo của EC nên đề nghị các bộ ngành và địa phương bám sát các thông báo kết luận tại các cuộc họp trước để tổ chức thực hiện, giám sát, quản lý và làm cơ sở đánh giá. Đề nghị các bộ ngành, địa phương, nhất là các địa phương còn yếu kém hạn chế nêu rõ kết quả, hạn chế và gắn với đánh giá trách nhiệm.

Quản lý nghề cá khá rộng, vì vậy phải có công nghệ và cơ sở hạ tầng dữ liệu để theo dõi, quản lý. Sắp tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT phải đánh giá lại cơ sở dữ liệu này để giám sát, quản lý trên bờ, quản lý trên biển, ngư trường; học tập kinh nghiệm các địa phương, bộ ngành vận hành tốt để triển khai nhân rộng. Quý 1/2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu về tàu cá tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia...

Lực lượng kiểm ngư thuộc đoàn liên ngành tỉnh tiếp cận tàu cá trên biển để kiểm tra thủ tục đánh bắt.
Lực lượng Kiểm ngư Nghệ An thuộc đoàn liên ngành tỉnh tiếp cận tàu cá trên biển để kiểm tra thủ tục đánh bắt hải sản. Ảnh: Nguyễn Hải

Về lâu dài cần có các phương án về quản lý, giám sát tàu cá từ trên bờ. Nếu hạ tầng cảng cá bất cập thì cần xây dựng kế hoạch, bổ sung kinh phí để nạo vét, nâng cấp. Cần xử lý dứt điểm tình trạng mất tín hiệu kết nối do chất lượng tín hiệu giám sát hành trình VMS của các nhà mạng kém; củng cố hồ sơ xử lý nghiêm tình trạng ngư dân cố tình đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài cũng như hành vi cố ý tháo dỡ thiết bị VMS đã niêm phong trên tàu cá...

Nguyễn Hải