Kinh tế

Nuôi ong lấy mật - hướng thoát nghèo của nhiều nông dân miền núi Nghệ An

Quang An 14/01/2025 14:03

Với giá bán từ 130.000 - 200.000 đồng/lít, nghề nuôi ong rừng tại Nghệ An đã giúp nhiều người dân vùng cao có thu nhập ổn định. Mật ong cũng đã trở thành sản phẩm OCOP được thị trường đón nhận.

ong 2
Huyện Tân Kỳ là địa phương miền núi, quanh năm có nhiều cây công nghiệp và các loài hoa tự nhiên đua nở, rất phù hợp với việc nuôi ong lấy mật. Tận dụng tiềm năng này, người dân huyện Tân Kỳ đã phát triển nghề nuôi ong mật, xây dựng thành công nhiều Tổ hợp tác mật ong ở các xã Nghĩa Đồng, Bình Hợp, Kỳ Tân, Nghĩa Dũng và thị trấn Tân Kỳ với hàng trăm hộ thành viên, ước tính toàn huyện có hơn 2.000 đàn ong mật. Ảnh: Q.A
ong s
Hiện nay trên địa bàn xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ có trên 50 hộ dân nuôi ong, số lượng hộ ngày càng mở rộng, trong đó có Tổ hợp tác sản xuất ong Nghĩa Đồng với 28 hộ dân, mỗi năm cung ứng cho thị trường hàng ngàn lít. Có những hộ có đến cả trăm đàn ong như hộ ông Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Trọng Tú… Ảnh: Q.A
ong 1
Theo chia sẻ của người nuôi ong, để ong mật cho hiệu quả cao cần chú trọng đến kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo chúa… cho đến thu hoạch mật, đồng thời chú ý các biện pháp phòng trừ các côn trùng hại ong như sâu ăn sáp, kiến, ong rừng… Đặc biệt, xung quanh chỗ đặt tổ ong phải sạch, vì ong rất nhạy cảm với môi trường. Ảnh: Q.A
ong 3
Nguồn thức ăn của ong dựa hoàn toàn nguồn tự nhiên từ rừng và các cây công nghiệp như cao su, cà phê, cam, nhãn, vải và hoa màu khác nên việc giữ được môi trường xanh, sạch, không lạm dụng các thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố quan trọng để ong sinh trưởng tốt. Ảnh: Q.A
ong 5
Theo chia sẻ của người làm nghề nuôi ong, công việc này không quá khó, chi phí thấp, không tốn nhiều công sức, tuy nhiên phải am hiểu tập tính của loài ong, chú ý theo dõi là có thể chăm sóc thuần hóa được chúng. Ảnh: Q.A
ong 10
Với giá bán hiện nay từ 130 - 200 ngàn đồng/lít, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi ong. Sản phẩm mật ong của địa phương hiện cũng đã được chứng nhận OCOP, đây là đòn bẩy để đưa sản phẩm này đến gần hơn với các thị trường lớn. Ảnh: Q.A
bna_ong.jpg
Dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người nuôi ong tại huyện Tân Kỳ đã xây dựng quy trình sản xuất mật ong theo tiêu chuẩn an toàn sinh học, chủ động in ấn bao bì sản phẩm, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo... để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Q.A

Quang An