Giáo dục

Dạy thêm, học thêm từ góc nhìn nhà giáo

Nguyễn Minh Hiếu 15/01/2025 12:11

Học thêm là nhu cầu có thật, một bộ phận không nhỏ học sinh trưởng thành, đỗ đạt có phần nhờ học thêm; học sinh yếu kém cần học thêm để được bổ trợ kiến thức; học sinh giỏi học thêm để có kiến thức cao hơn, chuyên sâu hơn… nếu người học có nhu cầu và động lực học tập chính đáng, người dạy giàu nhiệt huyết và công tâm trong sự nghiệp trồng người…

Giáo viên cũng có quyền có thêm thu nhập như những ngành nghề khác, lấy tâm huyết, tri thức đổi lấy nguồn thu nhập chính đáng ngoài giờ lên lớp, từ đó, phát huy được năng lực, xã hội phát huy được nguồn chất xám; nhà trường có khoản phúc lợi chung thêm vào lễ, tết, hiếu hỉ, hỗ trợ thêm một phần tiền điện, nước, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị … Dạy học thêm nếu không có giá trị nhất định, nó khó có lý do để tồn tại.

Học sinh Trường PT Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2. Ảnh: Mỹ Hà
Một tiết học của học sinh Trường PT Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2. Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, khi học thêm kín cả tuần, không có thời gian nghỉ ngơi, cân bằng về tâm lý và thể chất lại là chuyện đáng báo động.

Nhiều em đến lớp ngồi học trong trạng thái mệt mỏi, ngủ gật, stress vì học hành quá căng thẳng, vô tình làm thui chột khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh, rập khuôn tư duy “thầy đọc, trò chép” làm các em thiếu tự tin, thụ động trong tư duy và ảnh hưởng đến khả năng tự lập, như một cái máy và ngơ ngác trong cuộc sống đời thường, chúng chỉ biết học và dựa vào bố mẹ cho đến khi lập gia đình. Đi đủ buổi học thêm, học sinh được “điểm cao”, các em “vui vẻ”, gia đình tự hào vô tình đã làm cho không ít em ảo tưởng về sức học, phụ huynh ảo tưởng về khả năng của con em mình. Phải chăng đó là hệ quả của bệnh thành tích mà xã hội đang phê phán.

Khi quy định về dạy thêm, học thêm mới được ban hành, không ít giáo viên than ngắn, thở dài, từ nay mất đi nguồn thu nhập. Nhu cầu đó là chính đáng. Nhưng trước khi là nhà chuyên môn, hãy đặt sứ mệnh mình là nhà giáo dục, hướng đến mục tiêu cao cả đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước vừa “hồng” vừa “chuyên”. Tuy chưa đủ đầy nhưng còn có Nhà nước lo, ốm đau đã có bảo hiểm, về già đã có lương hưu, lúc khó khăn đã có cơ quan, đoàn thể hỗ trợ…

Thời bao cấp đã qua lâu rồi, ấy vậy mà tôi liên tưởng đến sự học ngày nay. Hễ cứ là giáo viên thì “đương nhiên dạy thêm”. Sáng dạy lớp nào, chiều dạy thêm lớp đó. Quản lý thì sợ đụng chạm, quyền lợi thì cố “cào bằng” cho yên chuyện, trong khi trình độ giáo viên, phương pháp và kỹ năng sư phạm thực sự không đồng đều, chưa nói còn có sự chênh lệch rất lớn, rất rõ rệt, dạy học mà giống như cuốn sách giáo khoa biết nói. Nhiều lớp học trò phải cắn răng chịu đựng bộ phận giáo viên chưa đạt năng lực cần thiết theo yêu cầu mà không được lựa chọn. Vậy mới xảy ra chuyện đơn này, thư khác đòi nghỉ, đòi đổi giáo viên.

Trong các kỳ thi cho thấy, nhiều Thủ khoa, Á khoa đến từ các vùng nông thôn, có điều kiện kinh tế khó khăn, hoàn toàn không đi học thêm. Nếu nói nhà trường không tổ chức ôn thi, chất lượng giảm sút hay không tổ chức cho tất cả học sinh để ôn thi đại trà mới mang lại điểm số tốt là chưa thoả đáng. Thực tế, nhu cầu học nâng cao chiếm tỷ lệ không nhiều, khoảng 20 – 30%. Số còn lại, một phần không đủ năng lực, một phần do điều kiện gia đình, phần luồng sau trung học nên lựa chọn học nghề, đi xuất khẩu lao động… Học đại học rất tốt, đó là môi trường để các em rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Nhưng không phải tất cả học sinh đều phải theo con đường học đại học mới có thể thành công trong sự nghiệp. Chính vì vậy, các em có chung mục tiêu tốt nghiệp THPT. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

Chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ chú trọng đến việc trang bị kiến thức văn hóa, mà còn tập trung phát triển phẩm chất và năng lực, nhằm giúp học sinh không chỉ học tốt mà còn phát triển toàn diện.

Ngoài các môn học truyền thống, nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, thể thao, luyện vẽ, âm nhạc… để các em học sinh nhiệt tình tham gia, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định có thể đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục.

Việc bỏ dạy thêm, học thêm trong bối cảnh cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo góp phần giảm áp lực cho học sinh, các em có thời gian nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa và phát triển kỹ năng sống; giảm gánh nặng tài chính cho gia đình, đặc biệt đối với các gia đình có thu nhập thấp.

Điều này hạn chế sự bất bình đẳng trong giáo dục, khi những học sinh không đủ điều kiện kinh tế có thể bị thua thiệt; hướng tới giáo dục chất lượng trong giờ học chính khóa, thúc đẩy, khuyến khích giáo viên sử dụng các phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn để học sinh có thể nắm bắt bài học ngay trong lớp; góp phần ngăn chặn hình thức thương mại hóa giáo dục, gây ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp, làm mất niềm tin của phụ huynh và xã hội vào hệ thống giáo dục; giúp đa dạng hóa các hình thức học tập sáng tạo, trải nghiệm, nghiên cứu thực tiễn và tự học.

Giáo dục hiện đại tập trung vào việc phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng mềm và khả năng tự học thay vì nhồi nhét kiến thức. Loại bỏ học thêm sẽ giúp hướng tới một nền giáo dục lấy người học làm trung tâm. Thay vì chạy theo điểm số, học sinh có thể dành thời gian khám phá sở thích cá nhân, tham gia các hoạt động ngoại khóa và rèn luyện kỹ năng sống. Điều này không chỉ giúp các em phát triển toàn diện mà còn khơi dậy niềm đam mê học tập thực sự. Bên cạnh đó, việc giảm bớt áp lực học tập cũng tạo điều kiện cho gia đình có thêm thời gian gắn kết, hỗ trợ và đồng hành cùng con cái trong hành trình trưởng thành.

Nguyễn Minh Hiếu