Thời sự

Nghệ An xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Thành Cường 15/01/2025 17:26

Chiều 15/1, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 9 đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2025. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì.

Tham dự phiên họp, tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo; Thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Văn phòng Chính phủ; cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương và đại biểu tham dự hội nghị tại các điểm cầu.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh và đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

Năm 2024, cải cách hành chính được xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và thủ tục hành chính.

bna_9528.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Thành Cường

Theo đó, Chính phủ tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với chủ đề điều hành của năm là: “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững".

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, đổi mới quản lý; kịp thời, tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động.

CCHC 7

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về cải cách hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Cải cách thể chế, cải cách TTHC tiếp tục được quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, TTHC. Nhiều mô hình hay, điển hình, như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.

CCHC 2

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể, mô hình tốt, điển hình, như: Đà Nẵng, Bình Phước, Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...

Tại phiên họp, các đại biểu được nghe những kết quả nổi bật trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia; những kết quả nổi bật của cải cách thể chế trong năm 2024; những kết quả nổi bật về chuyển đổi số gắn kết với cải cách thủ tục hành chính tại địa phương... của các bộ, ngành và các địa phương.

Cương quyết điều chuyển vị trí công tác đối với những trường hợp có dư luận không tốt trong giải quyết TTHC

Phát biểu tham luận tại phiên họp, đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Nghệ An xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác CCHC để giải quyết tốt công việc giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với tổ chức, người dân, tạo môi trường thông thoáng, góp phần thu hút đầu tư.

Thời gian quan, tỉnh Nghệ An đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ và các bộ, ngành để ban hành các Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể.

bna_9574.jpg
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận tại phiên họp. Ảnh: Thành Cường

Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo CCHC do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban; thành viên ban chỉ đạo là các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Theo đó, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã thành lập ban chỉ đạo CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương do người đứng đầu cấp ủy làm trưởng ban, nên đã tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC, huy động trí tuệ tập thể của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc CCHC. Các sáng kiến, giải pháp đồng bộ được ứng dụng để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp và đạt được một số kết quả nổi bật.

bna_9490.jpg
Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để đôn đốc giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị, đồng thời, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong giải quyết TTHC.

UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết giảm 40% phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với 41 TTHC; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận "Một cửa" các cấp trên địa bàn tỉnh để khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh.

bna_9497-4b1e2841a64b938632b38b2e907faa82.jpg
Các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

UBND tỉnh đã ban hành Đề án đẩy mạnh phân cấp trong các cơ quan hành chính Nhà nước ở một số lĩnh vực như: Xây dựng; Nông nghiệp; Nội vụ; Tài chính;... đồng thời, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, người đứng đầu cơ quan chuyên môn giải quyết một số TTHC thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và giải quyết kịp thời, có hiệu quả các công việc của người dân, doanh nghiệp.

Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đồng bộ 100% trạng thái hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Kịp thời tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phản ánh, kiến nghị về quy định, TTHC; ban hành văn bản chấn chỉnh việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC về đất đai của UBND cấp huyện... Cương quyết xử lý, điều chuyển vị trí công tác đối với những trường hợp có dư luận không tốt trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình – Phó Thủ tướng Thường trực, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đề nghị trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương bám sát các chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách tư pháp, trong đó, thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, trong đó, “phân công rõ người, rõ việc, đến từng người, từng bộ, ngành, có nội dung, có thời hạn”.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thành Cường
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thành Cường

Thực hiện tốt việc xây dựng thể chế, quyết liệt tháo gỡ những nút thắt, trọng tâm là các thể chế đang gây lực cản cho tăng trưởng; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa TTHC; tập trung quyết liệt cho việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó, tập trung triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước bảo đảm khẩn trương để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc.

Xây dựng cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế vận hành, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đầy đủ, đồng bộ bảo đảm thực hiện mục tiêu hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Xây dựng chính quyền điện tử, nhất là các đơn vị đã có nhiều mô hình hay cần phổ biến cách làm để các địa phương, đơn vị học tập, rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thành viên Ban Chỉ đạo cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị sau cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ, giải pháp đã thống nhất để đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là cải cách thủ tục gắn với chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, góp phần vào việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Thành Cường