Quốc phòng

Chủ tịch Hồ Chí Minh 'truyền lửa' cho chiến sĩ Điện Biên Phủ

N.C.K 15/05/2024 09:51

Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là người chỉ huy tối cao của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm chỉ đạo, động viên, hướng dẫn các cán bộ, chiến sĩchiến sĩ.

Sự động viên chỉ đó không chỉ dành cho các lực lượng tham gia chiến dịch, mà còn thể hiện sâu sắc đối với từng cán bộ, chiến sỹ, từ những vấn đề rộng lớn tới những tình huống cụ thể trong chiến đấu và sinh hoạt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp “... trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “... trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Ảnh tư liệu

Ngay khi các đơn vị ta tiến lên Tây Bắc, Người đã gửi thư cho cán bộ và chiến sỹ mặt trận Điện Biên Phủ: “Thu - đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào bị giặc đè nén. Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng... các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh... Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú”.

Tết Giáp Ngọ đến, như thường lệ, Bác gửi thư chúc tết đồng bào, chiến sĩ trong và ngoài nước:

Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành

- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập, tự do

- Cải cách ruộng đất là công việc rất to

Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn

Quân và dân ta nhất trí kết đoàn

Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.

Bác Hồ không trực tiếp ra trận. Nhưng thông tin về tình hình chiến trường thì Bác thường xuyên được Bộ Tổng tham mưu báo cáo.

Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: Có một lần tôi mạnh dạn tỏ ý lo lắng về sức khỏe của Bác, Bác cười rất vui: Cuộc chiến năm nay địch không hiểu ta làm gì, thế là khác thường. Địch lập cứ điểm Điện Biên Phủ và bảo rằng sẽ là nơi nghiền nát quân ta. Ta phải có nỗ lực khác thường, nếu ta chủ động làm được những việc mà địch không nghĩ ra được, hoặc chưa nghĩ ra được, hoặc chưa nghĩ tới được, quân và dân ta sẽ khỏe lên nhiều, ta sẽ chiến thắng và thế là Bác khỏe chứ.

Với mặt trận đảm bảo cung cấp cho chiến dịch, một công việc nặng nề có tính quyết định tới sự thành bại của chiến dịch, Bác cũng đã có thư riêng“Gửi cán bộ cung cấp và đồng bào dân công”. Bác đã tặng cờ “Quyết chiến quyết thắng” làm giải thưởng luân lưu để khích lệ mọi người lập công trong chiến dịch. Tết Giáp Ngọ (1954), Người đã gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận một chiếc ca uống nước rất đẹp có in đậm hàng chữ đỏ tươi “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”. Tới gần ngày nổ súng mở màn chiến dịch, tháng 3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thư gửi cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên.

Đại tướng Văn Tiến Dũng nhớ lại: “Có một niềm hạnh phúc bất ngờ mà chúng tôi không bao giờ tưởng tới là Bác mời anh Văn, chị Hà và tôi sang ăn tết với Bác tại nhà Bác ở Tỉn Keo. Chúng tôi rưng rưng xúc động vì hiểu tấm lòng Bác đối với quân đội. Tôi thầm nhủ, tấm lòng yêu thương của Bác bao la biết mấy, song cũng tế nhị biết mấy. Phải chăng Bác dành bữa cơm tất niên này ở “Phủ Chủ tịch” để trực tiếp tiễn anh Văn ra mặt trận, tiễn người học trò gần gũi của mình mà mai đây phải gánh vác một nhiệm vụ rất nặng nề… Bác đã dành cho chúng tôi một buổi sum họp gia đình, sum họp giữa cha và con, giữa anh và em vào giờ phút thiêng liêng của ngày tết cổ truyền dân tộc. Chỉ còn ít ngày nữa Bác Hồ của chúng ta tròn tuổi 64. Bác đã giành lại cho dân tộc cả non sông đất nước, còn phần Bác một chút gì cũng không có. Con người ấy trên đời này lấy gì sánh nổi”

Sau thắng lợi của hai trận mở màn chiến dịch ở Him Lam, Độc Lập và đập tan đợt phản kích hòng chiếm lại các cứ điểm này của địch, Bác và Trung ương Đảng đã điện khen ngợi, động viên, cổ vũ và căn dặn cán bộ và chiến sỹ mặt trận, trong đó có đoạn: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Suốt quá trình diễn ra chiến dịch, Người còn dành sự quan tâm đặc biệt tới tình hình chiến trường này. Để khắc phục những khó khăn, trở ngại, bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến, Bộ Chính trị và Bác đã kịp thời ra Nghị quyết, chỉ rõ “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”. Theo dõi Điện Biên Phủ, nắm tin tức từng ngày, từng giờ, Hồ Chủ tịch đã đem tới cho cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi, niềm tin tất thắng bắt nguồn từ chính Người và lòng tin vào những cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận.

Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn cho chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ từ việc hoạch định đường lối chung đến chỉ đạo từng trận đánh. Người đã truyền cho các chiến sỹ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá và một bản lĩnh cách mạng kiên cường để quân và dân ta vượt qua khó khăn hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn.

Ngọn lửa cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ nguyên Giáp đã nhen nhóm, phát sáng trong chiến dịch chấn động địa cầu Điện Biên Phủ 1954 sẽ tiếp tục lan tỏa trong khối óc và trái tim của dân tộc Việt Nam, của nhân loại yêu chuộng độc lập, hòa bình và tiến bộ sáng soi cho con đường độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, dân tộc ta trên con đường xây dựng và phát triển hội nhập cùng thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng TW (1980), Chủ tịch Hồ Chí Minh - tiểu sử và sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội.
  1. Trường Chinh (1991), Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội.
  1. Lê Duẩn (1986), Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
  1. Đại tướng Văn Tiến Dũng tuyển tập, Nxb Quân đội nhân dân.
  1. Hà Đăng (2014), Bác Hồ và mùa xuân Điện Biên Phủ, Phú yên online, ngày 01/02/2014
  1. Võ Nguyên Giáp (chủ biên) (1997), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  1. Viện khoa học xã hội nhân văn quân sự (2012), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  1. Đỗ Bá Tỵ (2014), Điện Biên Phủ trận quyết chiến lược đầu tiên trong thời đại Hồ Chí Minh, ngày 07/04/2014.

N.C.K