Chuyển đổi số

Người dùng TikTok tại Mỹ hoảng loạn, tuyệt vọng khi Bytedance giương 'cờ trắng'

Phan Văn Hòa 16/01/2025 10:45

Một làn sóng thất vọng, hoảng loạn đã lan tỏa trên mạng xã hội TikTok của Mỹ khi tin tức lan truyền rằng chủ sở hữu ByteDance đến từ Trung Quốc có ý định đóng cửa ứng dụng này đối với 170 triệu người dùng Mỹ vào ngày 19/1 tới.

Các nhà sáng tạo nội dung và người dùng có lượng theo dõi lớn trên TikTok đã hy vọng suốt nhiều tháng rằng ứng dụng này sẽ tìm ra cách ngăn chặn lệnh cấm tại Mỹ. Thế nhưng, khi ngày 19 tháng 1 đang cận kề, sự thất vọng và hoảng loạn bắt đầu lan rộng.

Joonsuk Shin, 28 tuổi, một giám đốc nghiên cứu và nhà sáng tạo nội dung sống tại New York (Mỹ) chia sẻ: “Việc TikTok chấp nhận buông xuôi thực sự khiến tôi thất vọng và đau lòng”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Một số người dùng kêu gọi hành động phản kháng, bao gồm tẩy chay các nền tảng như Instagram và Facebook (thuộc sở hữu của Meta Platforms) cũng như X (do Elon Musk sở hữu), những ứng dụng có khả năng sẽ thu hút các nhà quảng cáo thường gắn bó với TikTok.

“Mọi người nên xóa tài khoản Facebook, X và Instagram ngay trong ngày đó”, một người dùng mạnh mẽ đề xuất.

ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã được gia hạn đến ngày 19/1 để bán lại tài sản TikTok tại Mỹ, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn.

Điều này xuất phát từ lo ngại của các nhà lập pháp Mỹ rằng ứng dụng có thể là mối đe dọa an ninh quốc gia, do chính phủ Trung Quốc có thể yêu cầu TikTok chia sẻ dữ liệu của người dùng Mỹ.

Tuy nhiên, TikTok đã nhiều lần khẳng định họ chưa từng và sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền Trung Quốc.

TikTok và công ty mẹ ByteDance đã nỗ lực trì hoãn việc áp dụng lệnh cấm, cho rằng điều này vi phạm quyền được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, vốn đảm bảo tự do ngôn luận khỏi sự can thiệp của chính phủ.

Nếu Tòa án Tối cao Mỹ không can thiệp để ngăn chặn lệnh cấm, những ai cố gắng truy cập TikTok vào ngày 19/1 tới sẽ chỉ thấy một thông báo xuất hiện, hướng dẫn họ đến một trang web với thông tin chi tiết về việc ứng dụng ngừng hoạt động.

Amber Goode, 28 tuổi, một nhà sáng tạo nội dung về tội phạm thực tế tại Colorado Springs, bang Colorado (Mỹ) đã bày tỏ sự bất mãn khi phải chờ đợi Tòa án Tối cao quyết định số phận của ứng dụng mà cô yêu thích.

Người dùng Mỹ phản đối lệnh cấm TikTok
Người dùng Mỹ phản đối lệnh cấm TikTok. Ảnh: Internet.

"Tại sao họ lại trêu đùa chúng tôi như vậy?" Goode bức xúc. "Tôi cảm giác chính phủ đang cố tình né tránh việc đưa ra câu trả lời mà họ đã có sẵn".

Tờ Washington Post đưa tin ngày 15/1 vừa qua rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang xem xét ban hành một sắc lệnh hành pháp với hy vọng "giải cứu TikTok". Tuy nhiên, khả năng sắc lệnh này giúp ứng dụng tránh được lệnh cấm vẫn là điều chưa rõ ràng.

Trong khi đó, nhiều người dùng bắt đầu chia tay nền tảng, chia sẻ thông tin với các nền tảng mạng xã hội khác mà người theo dõi có thể tìm thấy họ. Một số đã chuyển sang các ứng dụng có trụ sở tại Trung Quốc như RedNote, thậm chí sử dụng dịch vụ dịch thuật để hiểu hướng dẫn đăng ký bằng tiếng Quan Thoại.

Bên cạnh đó, một số người dùng đang gấp rút sao lưu nội dung quý giá của mình.

“Con gái tôi qua đời vào năm 2023. Tôi đã lưu tất cả video của con bé vào điện thoại. Tôi không thể để mất chúng”, một người dùng chia sẻ đầy cảm xúc.

Cộng đồng cũng chia rẽ khi phản ứng với cách ByteDance xử lý tình huống. Một số cảm ơn công ty vì đã “không khuất phục trước áp lực” khi từ chối chờ đợi phán quyết. Trong khi đó, một số khác chỉ trích họ vì chính điều này.

“Tôi thực sự nghĩ chúng ta đang có hy vọng, nhưng giờ thì quá đáng buồn”, Ishpal Sidhu, 32 tuổi, một cựu luật sư và nhà sáng tạo nội dung toàn thời gian chia sẻ. Với gần 400.000 người theo dõi và nguồn thu nhập dựa trên TikTok, cô lo lắng không biết liệu mình có còn được trả tiền cho nội dung trong tháng 1 hay không.

Phan Văn Hòa